Điều gì sẽ xảy ra trong LDLT?
Nếu bạn nhận ghép gan từ người hiến sống, phẫu thuật sẽ được lên lịch trước.
Thời gian ước tính
Ghép gan thường mất khoảng 6 – 12 giờ.
Trong khi thực hiện thủ thuật
Trong khi cấy ghép, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch ở bụng trên để cắt bỏ gan và thay thế bằng phần gan ghép của người hiến. Phần gan cụ thể được hiến sẽ tùy thuộc vào kích thước của gan người hiến và nhu cầu của bạn.
Tiếp theo, bác sĩ phẫu thuật sẽ nối các mạch máu và ống mật đến gan mới để phục hồi dòng máu. Vết rạch sẽ được đóng sau khi các cấu trúc quan trọng đã được nối lại (khâu lại) và hoạt động tốt.
Sau thủ thuật
Sau khi ghép gan, bạn có thể dự kiến:
- Nằm tại khoa chăm sóc tích cực (ICU) trong 3 – 5 ngày. Nhóm y tế sẽ theo dõi sát tình trạng của bạn để kiểm tra các dấu hiệu biến chứng và xét nghiệm chức năng gan thường xuyên.
- Nằm 5 – 10 ngày trong bệnh viện. Sau khi bạn đã ổn định, bạn sẽ được chuyển đến phòng bệnh cấy ghép tổng quát để tiếp tục phục hồi.
- Tái khám ngoại trú thường xuyên trong khi tiếp tục phục hồi tại nhà. Bạn có thể được xét nghiệm máu vài lần mỗi tuần và giảm dần theo thời gian.
- Dùng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời. Điều này để ngăn hệ miễn dịch đào thải gan mới.
Chăm sóc và phục hồi sau LDLT
Sau khi ghép gan, chăm sóc cho cơ quan mới sẽ rất quan trọng, bao gồm:
- Áp dụng lối sống lành mạnh
- Tập thể dục thường xuyên
- Chế độ ăn uống lành mạnh
- Dùng thuốc
- Đi tái khám thường xuyên
Nhân viên y tế điều phối cấy ghép, bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng và nhóm chăm sóc y tế hỗ trợ sẽ giáo dục và hướng dẫn bạn về cách chăm sóc sau cấy ghép.
Khám sức khỏe ngoại trú
Ghép tạng có nguy cơ đào thải tạng ghép cao nhất trong vòng 60 ngày đầu sau khi cấy ghép:
- Trong 2 tháng đầu tiên, bạn có thể cần đi đánh giá lâm sàng hàng tuần.
- Sau 2 tháng đầu tiên, tần suất khám sẽ được điều chỉnh dựa theo mức độ phục hồi của bạn.
Thuốc ức chế miễn dịch (chống thải ghép)
Sau khi ghép gan, bạn sẽ được kê thuốc ức chế miễn dịch để ngăn hệ miễn dịch đào thải gan mới. Bạn cần dùng thuốc hàng ngày trong suốt phần đời còn lại.
Liều hàng ngày được bác sĩ điều trị cấy ghép tính toán kỹ. Không khuyến cáo điều chỉnh thuốc trước khi hỏi ý kiến bác sĩ, vì việc đó có thể dẫn đến đào thải tạng ghép.
Thuốc ức chế miễn dịch cũng sẽ làm tăng khả năng bị nhiễm trùng, đặc biệt là trong vài tháng đầu sau khi cấy ghép vì lúc đó thường cần dùng liều thuốc cao hơn.
Nguy cơ sẽ giảm dần khi liều thuốc giảm trong vài tháng sau đó. Tuy nhiên, bạn cần luôn chú ý để:
- Tránh tiếp xúc với những người đang bị bệnh nhiễm trùng
- Tránh ăn mọi loại thức ăn chưa nấu chín
- Điều trị ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào
Trong khi bạn đang dùng thuốc chống đào thải, bạn cũng cần:
- Tránh một số loại thực phẩm nhất định, ví dụ như bưởi và bưởi chùm, vì các loại quả này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc ức chế miễn dịch.
- Thông báo cho bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào mới, bao gồm thuốc và thực phẩm bổ sung không kê đơn, vì những thuốc này có thể tương tác với thuốc ức chế miễn dịch và thay đổi hiệu quả của thuốc.
- Thông báo với mọi nhân viên y tế rằng bạn đang dùng thuốc chống đào thải trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật nha khoa hoặc y khoa nào.
Nhận biết tình trạng đào thải tạng ghép và nhiễm trùng
Mặc dù thuốc chống đào thải giúp ngăn ngừa đào thải tạng ghép nhưng tình trạng này vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, có thể khắc phục tình trạng đào thải nếu các dấu hiệu được phát hiện và điều trị sớm.
Triệu chứng và dấu hiệu của đào thải gan bao gồm:
- Sốt
- Nước tiểu có màu trà, sẫm màu
- Vàng da (da và mắt có màu vàng)
- Phân nhạt màu hoặc có màu đất sét
- Lạnh run, đau nhức, mệt mỏi bất thường và khó chịu ở bụng
Bên cạnh nguy cơ đào thải tạng ghép, bạn cũng cần đề phòng tình trạng nhiễm trùng, đặc biệt là vì thuốc ức chế miễn dịch sẽ làm suy giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể.
Bạn có thể giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng bằng cách:
- Thực hành vệ sinh cá nhân tốt.
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ nhiễm trùng, ví dụ như tránh những nơi đông người, đặc biệt là trong mùa dễ bị cảm lạnh hoặc mùa cúm.
- Rửa tay thường xuyên.
Liên hệ với nhân viên y tế điều phối cấy ghép nếu có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
- Sốt
- Đỏ hoặc đốm trắng ở lưỡi hoặc trong miệng
- Đỏ, sưng hoặc tiết dịch có mùi hôi ở vết thương hở
- Ho kéo dài không kèm theo khó thở
- Các triệu chứng giống cúm
- Cảm giác đau hoặc đau rát khi đi tiểu
- Tiêu chảy
Dinh dưỡng sau khi ghép gan
Bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng sẽ tư vấn cho bạn về cách duy trì chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Tùy thuộc vào bệnh trạng của quý vị, bác sĩ có thể kê cho bạn chế độ ăn uống đặc biệt.
Duy trì cân nặng có lợi cho sức khoẻ là việc quan trọng, vì tăng cân và béo phì có thể làm tổn thương gan mới ghép và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính, như huyết áp cao và bệnh tim.
Do hệ thống miễn dịch suy yếu khi dùng thuốc chống đào thải, nên điều quan trọng là phải chế biến thực phẩm an toàn. Bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng và y tá sẽ tư vấn cho bạn cách chế biến thực phẩm an toàn và những loại thực phẩm nào mà bạn cần lưu ý.
Giai đoạn phục hồi sau LDLT
Có thể mất 3 – 6 tháng để phục hồi hoàn toàn sau khi phẫu thuật ghép gan.
Hầu hết người nhận ghép gan có thể trở lại hoạt động bình thường hoặc trở lại làm việc trong vài tháng sau khi phẫu thuật, tùy vào mức độ nặng trước khi được ghép gan.
Trở lại hoạt động bình thường sau khi cấy ghép
Trước khi trở lại hoạt động bình thường, hãy chú ý những điều sau đây:
- Tập thể dục – Bạn có thể tập thể dục trở lại để duy trì cân nặng và sức khỏe thể chất. Tuy nhiên, bạn cần tránh lái xe trong tối đa 6 tuần sau khi cấy ghép. Trong ít nhất 2 tháng sau khi phẫu thuật, hãy tránh các hoạt động gây căng cơ dạ dày, bao gồm nâng vật nặng và bài tập gập bụng.
- Tiếp xúc với ánh nắng – Bệnh nhân ghép gan có nguy cơ bị ung thư da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Sử dụng kem chống nắng ở mức ít nhất là SPF 30, mặc áo dài tay và đội mũ khi ra ngoài trời. Bạn cũng nên đi khám da thường xuyên để phát hiện khối tăng sinh hoặc mảng da bất thường.
- Đi xa – Trừ trường hợp bạn có kế hoạch về nước, bạn cần tránh đi xa trong vòng 6 tháng đầu tiên sau ghép gan. Nhân viên y tế điều phối cấy ghép cũng sẽ tư vấn cho bạn về những khu vực cần tránh đi tới, vì bệnh nhân ghép gan có thể bị tăng nguy cơ nhiễm trùng ở một số quốc gia.