Chụp cộng hưởng từ (MRI) là gì?
Chụp cộng hưởng từ (MRI) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh y tế dùng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh về cơ thể. Kỹ thuật này có thể cho ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan trong cơ thể dưới dạng nhiều lát cắt mỏng ở định dạng 3 chiều.
Không giống như chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI):
- Là công cụ chẩn đoán không xâm lấn và không gây đau
- Không dùng đến bức xạ
- Không ghi nhận có tác dụng phụ hoặc ảnh hưởng về sau
- Có thể thực hiện trên nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, nhưng thường được dùng để chụp hệ thần kinh và các mô mềm như tim
So sánh chụp cộng hưởng từ (MRI) với các thủ thuật kiểm tra chụp cộng hưởng từ khác
Các thủ thuật kiểm tra chụp cộng hưởng từ khác bao gồm chụp cộng hưởng từ khớp và chụp cộng hưởng từ tim mạch (MRA tim).
Chụp cộng hưởng từ khớp cho ra hình ảnh rõ nét hơn so với MRI. Dung dịch cản quang có tên là gadolinium được tiêm vào để khiến khớp phình to, làm nổi bật các cấu trúc khớp và hiện rõ mọi vết rách cũng như khiếm khuyết trên mô mềm.
MRA tim cho ra hình ảnh có độ phân giải cao về tim và các mạch máu lân cận:
- Thông tin chi tiết ghi nhận được có thể giúp giải thích hoặc làm rõ kết quả của các thủ thuật kiểm tra khác như chụp CT và chụp X-quang
- Trong một số trường hợp, một loại thuốc nhuộm cản quang đặc biệt có thể được tiêm vào máu để dễ quan sát các mạch máu hơn
Bác sĩ có thể yêu cầu MRA tim:
- Để tìm hiểu nguyên nhân gây suy tim
- Để xác định tổn thương mô do đau tim
- Nếu bác sĩ tin bạn có nguy cơ bị suy tim hoặc các bệnh tim khác
Tại sao cần chụp cộng hưởng từ (MRI)?
Chụp cộng hưởng từ (MRI) cho ra hình ảnh mô mềm có chất lượng vượt trội so với các phương thức chẩn đoán hình ảnh khác.
MRI được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán nhiều căn bệnh và rối loạn khác nhau liên quan đến:
Đầu
MRI có thể phát hiện:
- U não
- Sa sút trí tuệ
- Bất thường về phát triển
- Nhiễm trùng
- Đa xơ cứng
- Đột quỵ
- Chấn thương não
- Các nguyên nhân khác gây đau đầu
Bệnh mạch máu
MRI có thể phát hiện:
- Phình mạch
- Dị dạng động tĩnh mạch
- Tắc nghẽn mạch máu
- Bệnh động mạch cảnh
Rối loạn cột sống và cơ xương
MRI rất nhạy với những thay đổi ở cấu trúc sụn và xương do chấn thương, bệnh tật hoặc lão hóa gây ra.
MRI có thể phát hiện:
Bác sĩ sẽ khuyến cáo phương án chẩn đoán hình ảnh phù hợp nhất dựa trên các triệu chứng.
Lợi ích của chụp cộng hưởng từ (MRI)
Thủ thuật chụp cộng hưởng từ (MRI) mang lại những lợi ích sau:
- Chụp MRI là kỹ thuật thay thế không xâm lấn và an toàn hơn so với chụp mạch máu bằng X-quang trong chẩn đoán các bệnh lý về tim và não.
- Chụp MRI được dùng để phát hiện và đánh giá các chấn thương ở mô mềm, khớp và cột sống.
- Chụp MRI hỗ trợ việc lên phương án và chuẩn bị cho một số loại phẫu thuật bao gồm phẫu thuật sọ não thức tỉnh (phẫu thuật não để loại bỏ tổn thương não) và phẫu thuật kích thích não sâu.
Các nguy cơ và biến chứng của chụp cộng hưởng từ (MRI) là gì?
Một số nguy cơ khi chụp cộng hưởng từ (MRI) bao gồm:
- Thiết bị cấy ghép bằng kim loại không phát hiện được có thể bị ảnh hưởng bởi từ trường mạnh.
- Ảnh hưởng có thể xảy ra trong thời kỳ đầu mang thai. Bác sĩ thường tránh thực hiện MRI trong 12 tuần đầu của thai kỳ. Trừ khi có lý do y tế chính đáng phải dùng đến MRI, bác sĩ có thể dùng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như siêu âm nếu bạn đang mang thai.
Chuẩn bị cho chụp cộng hưởng từ (MRI) như thế nào?
Thông báo cho bác sĩ nếu bạn:
- Đang mang thai hoặc có khả năng mang thai.
- Mắc hội chứng sợ không gian hẹp. Hãy nhấn mạnh điều này khi đặt lịch khám. Bác sĩ có thể dùng an thần để thực hiện chụp cộng hưởng từ (MRI). Bạn sẽ cần nhịn ăn nếu phải dùng an thần.
- Có thiết bị y tế hoặc thiết bị cấy ghép trong cơ thể. Các thiết bị này bao gồm:
- Máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim
- Kẹp, kim bấm, đinh vít, thanh hoặc tấm
- Máy kích thích điện tử
- Máy bơm thuốc cấy ghép
Trong hầu hết các trường hợp, kim bấm, tấm và đinh vít phẫu thuật đặt tại chỗ trong hơn 4 tuần không gây rủi ro khi chụp MRI. Mang theo thẻ thông tin về thiết bị hoặc thiết bị cấy ghép (nếu có) vào ngày có lịch hẹn chụp.
Bạn có thể kỳ vọng điều gì khi chụp cộng hưởng từ (MRI)?
Chụp MRI là thủ thuật hoàn toàn không xâm lấn và không ghi nhận có tác dụng phụ. Thủ thuật này không gây đau.
Thời gian ước tính
Thủ thuật cần 30 – 45 phút để chụp một vùng cơ thể.
Tuy nhiên, thủ thuật có thể kéo dài hơn nếu:
- Phải tiêm thuốc cản quang
- Cần chụp nhiều vùng trên cơ thể
- Cần nhiều kiểm tra phức tạp
- Có dùng an thần
Trước thủ thuật
Bạn sẽ được yêu cầu:
- Thay áo choàng và loại bỏ toàn bộ các đồ vật rời như trang sức, đồng hồ, chìa khóa, tiền xu, điện thoại thông minh, ví và thẻ. Hãy cất đồ đạc cá nhân vào tủ khóa chỉ định.
- Điền vào bảng câu hỏi về bệnh sử của bản thân. Nêu rõ trong bảng câu hỏi nếu bạn dùng thiết bị y tế/thiết bị cấy ghép bất kỳ hoặc đã thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ như phun mí mắt vĩnh viễn, dùng mi giả nam châm và có hình xăm trên da. Kỹ thuật viên X-quang sẽ cùng bạn xem qua bảng câu hỏi và giải thích quá trình thực hiện chụp.
Trong khi thực hiện thủ thuật
Bạn có thể kỳ vọng những điều sau trong khi thực hiện thủ thuật:
- Bạn sẽ cần nằm trên bàn chụp. Bạn sẽ được cung cấp tai nghe hoặc nút tai. Bạn cũng sẽ có chuông/nút bấm gọi phòng trường hợp bạn cần gọi kỹ thuật viên X-quang trong khi chụp.
- Vùng cơ thể cần kiểm tra sẽ được phủ một cuộn cảm đóng vai trò như thiết bị thu nhận tín hiệu.
- Bàn chụp sẽ di chuyển vào khoang hoặc buồng từ để vùng chụp được đặt tại vị trí chính giữa từ trường. Sẽ có tiếng gõ và tiếng đập ngắt quãng trong suốt quá trình chụp. Những tiếng này là do thay đổi về trường chênh từ của khối từ gây ra.
- Bạn sẽ cần nằm yên trong suốt quá trình chụp. Cử động bất kỳ của cơ thể sẽ khiến hình ảnh bị mờ và quy trình chụp sẽ phải thực hiện lại.
- Bạn sẽ không cảm thấy khó chịu trong suốt quá trình chụp. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể cảm thấy nóng lên sau thời gian nằm trong buồng từ. Điều này là bình thường nhưng nếu thấy khó chịu, bạn có thể nhấn chuông gọi và thông báo cho kỹ thuật viên X-quang.
- Đôi khi, bác sĩ có thể yêu cầu chụp MRI có tiêm thuốc cản quang. Thuốc cản quang hoạt động như một thuốc nhuộm khi tiêm vào mạch máu. Thuốc giúp phác họa các cơ quan và mô mềm trong cơ thể để có được hình ảnh rõ nét hơn.
- Phản ứng dị ứng với thuốc cản quang chụp MRI là cực kỳ hiếm. Nếu bạn cảm thấy khó chịu sau khi tiêm thuốc cản quang, hãy thông báo ngay cho y tá hoặc kỹ thuật viên X-quang.
Chăm sóc và phục hồi sau khi chụp cộng hưởng từ (MRI)
Bạn có thể rời bệnh viện sau khi chụp và tiếp tục hoạt động như bình thường.
Nếu bạn được tiêm thuốc an thần khi chụp MRI, y tá sẽ theo dõi bạn trong một khoảng thời gian ngắn. Bạn có thể rời đi sau khi đánh giá đủ sức khỏe xuất viện.