Đau thắt lưng - Triệu chứng & Nguyên nhân

Đau thắt lưng là gì?

Đau lưng là tình trạng thường gặp và chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Bệnh nhân có thể thực hiện một số bước để giảm nhẹ các triệu chứng cũng như ngăn ngừa các vấn đề trong tương lai. Dạng đau lưng thường gặp nhất là đau lưng dưới (cột sống thắt lưng) vì vùng này chịu áp lực từ sức nặng cơ thể trong suốt cả ngày.

Có nhiều người gặp phải tình trạng đau lưng dưới ở một thời điểm nào đó trong đời, nhưng chỉ có rất ít trường hợp có nguyên nhân là do một vấn đề y khoa mạn tính. Đau lưng dưới thường khỏi trong vòng 2 – 6 tuần và có thể chia thành 2 loại:

  • Đau do cơ học liên quan đến một số cử động nhất định và thường cải thiện khi nghỉ ngơi. Bệnh thường xảy ra do các căng cơ, bong gân dây chằng, mòn và rách các khớp và đĩa đệm cột sống.
  • Đau lưng không do cơ học có thể xuất hiện khi có hoặc không có cử động. Bệnh thậm chí có thể tệ hơn trong khi nghỉ ngơi. Bệnh có thể có nguồn gốc thần kinh hoặc liên quan đến một quá trình bệnh tật gây phá hủy cấu trúc của cột sống, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc ung thư.

Đau thắt lưng có những triệu chứng gì?

Các triệu chứng đau lưng dưới khác nhau tùy thuộc vào cấu trúc bị ảnh hưởng. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Cứng lưng và giảm phạm vi cử động
  • Yếu cơ ở hông, đùi, chân hoặc bàn chân
  • Đau lan từ mông xuống bàn chân
  • Đau lan rộng sang mông và đùi
  • Thay đổi về cảm giác (tê, châm chích hoặc ngứa ran) ở chân, bàn chân hoặc ngón chân

Các triệu chứng có thể bao gồm thay đổi chức năng ruột hoặc bàng quang nhưng hiếm gặp. Điều này có thể do thoát vị đĩa đệm nhiều gây chèn ép lên các dây thần kinh dẫn đến ruột hoặc bàng quang.

Nguyên nhân gây đau thắt lưng là gì?

Các nguyên nhân gây đau thắt lưng bao gồm:

  • Viêm khớp, tình trạng khớp bị viêm, dẫn đến giảm khả năng vận động hoặc khuyết tật.
  • U xương có khả năng gây đau và dẫn đến gãy xương.
  • Gãy xương là một xương bị gãy do áp lực hoặc va chạm vật lý mạnh lên xương.
  • Tư thế xấu, ví dụ như ngồi trong thời gian dài, gây áp lực lên lưng nhiều hơn là nằm xuống hoặc đứng, có thể dẫn đến đau lưng.
  • Trượt đĩa đệm, còn được gọi là thoát vị đĩa đệm, thường là do mòn và rách. Điều này làm cho đĩa đệm mất độ đàn hồi và dễ bị tổn thương hơn.
  • Hẹp cột sống thắt lưng, do sự thu hẹp tiến triển của ống tủy sống, gây áp lực lên tủy sống và rễ thần kinh.
  • Chấn thương và tổn thương lưng có thể ảnh hưởng đến đĩa đệm và khớp giữa các đốt sống. Điều này có thể gây thoái hóa, có thể dẫn đến đau lưng dưới.

Những yếu tố nào gây ra nguy cơ đau thắt lưng?

Có một số yếu tố gây nguy cơ đau thắt lưng, bao gồm:

  • Tuổi tác, vì đau lưng phổ biến hơn khi già đi.
  • Không tập thể dục, vì các cơ yếu, không sử dụng ở lưng và bụng có thể góp phần gây đau lưng.
  • Thừa cân làm tăng thêm áp lực ở lưng.
  • Các bệnh lý như viêm khớp và một số loại ung thư có thể góp phần gây đau lưng.
  • Nâng đồ không đúng cách, hoặc nâng đồ bằng lưng thay vì chân, đặt áp lực không cần thiết lên lưng.
  • Các bệnh tâm lý như trầm cảm và lo lắng dường như làm tăng nguy cơ đau lưng.
  • Hút thuốc, làm giảm lưu lượng máu đến cột sống và làm tăng nguy cơ loãng xương, cũng được cho là góp phần gây đau lưng do ho, có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm.

Biến chứng và các bệnh liên quan của đau thắt lưng là gì?

Nếu không điều trị, đau lưng dưới có thể dẫn đến các biến chứng khác, bao gồm:

  • Các triệu chứng nặng thêm. Các triệu chứng như cứng, đau hoặc tê có thể nặng hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng ngồi, đứng hoặc ngủ thoải mái.
  • Tổn thương dây thần kinh. Nếu bạn bị trượt đĩa đệm hoặc thoát vị đĩa đệm, điều này có thể làm tăng áp lực lên các dây thần kinh như dây thần kinh tọa, là dây thần kinh kéo từ lưng dưới và xuống phía sau mỗi chân. Áp lực này có thể làm tổn thương dây thần kinh.
  • Tăng cân. Nhiều người bị đau lưng tránh tập thể dục thường xuyên, góp phần tăng cân và giảm khối lượng cơ bắp.
  • Tư thế xấu. Điều này thường xảy ra ở những người bị đau mạn tính do áp dụng một tư thế để làm dịu cơn đau. Tuy nhiên, khi tư thế không tự nhiên này được giữ trong một thời gian dài, điều này có thể dẫn đến tư thế xấu.
  • Mất việc. Đau lưng nặng gây khó khăn khi tiếp tục làm việc, nên đau lưng là một nguyên nhân phổ biến của nghỉ ốm hoặc vắng mặt trong công việc.
  • Mất ngủ. Đau lưng dưới có thể gây khó khăn khi ngủ hoặc nghỉ ngơi, điều này có thể dẫn đến khó chịu, khó tập trung và khó xử lý các hoạt động và trách nhiệm hàng ngày.
  • Trầm cảm. Đau lưng có thể khiến bạn tránh xa nhiều thứ, từ giao tiếp xã hội và tham gia vào các hoạt động yêu thích đến công việc và các trách nhiệm khác. Điều này có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ và sức khỏe tâm thần của bạn và khiến việc phục hồi trở nên khó khăn hơn.

Nếu bạn đột nhiên gặp các triệu chứng như mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột, hoặc đau bụng nặng, đây có thể là dấu hiệu của bệnh nền nghiêm trọng và bạn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Làm thế nào để phòng ngừa đau thắt lưng?

Có một số cách để ngăn ngừa đau thắt lưng, bao gồm:

  • Tập thể dục, đặc biệt là các hoạt động ít va chạm như bơi lội, để tăng sức mạnh và sức bền của cơ lưng. Các bài tập cho cơ bụng và lưng cũng giúp củng cố các cơ cốt lõi của bạn.
  • Duy trì cân nặng cơ thể có lợi cho sức khỏe để giảm áp lực và căng cơ lưng.
  • Tránh hoặc bỏ hút thuốc, vì hút thuốc làm giảm lưu lượng máu đến cột sống.
  • Giữ tư thế đúng. Trong khi đứng, tránh đứng thõng vai, duy trì tư thế vùng chậu cân bằng ở giữa và thay đổi xen kẽ bàn chân trụ hoặc đặt một bàn chân lên ghế thấp để giảm áp lực. Trong khi ngồi, hãy chọn một ghế có phần đỡ lưng dưới tốt và giữ đầu gối ở cùng độ cao với hông. Một chiếc gối hoặc khăn cuộn lại có thể giúp duy trì đường cong tự nhiên.
  • Sử dụng các kỹ thuật tốt trong khi nâng đồ. Nếu bạn phải nâng vật nặng, hãy gập đầu gối và giữ lưng thẳng để đầu gối chống đỡ được vật nặng. Giữ vật nặng ở gần cơ thể bạn và tránh vặn mình ở phần eo.
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

 

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777