Đau cổ - Triệu chứng & Nguyên nhân

Đau cổ là gì?

Đau cổ là tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến nhiều người trưởng thành. Tư thế xấu khi sử dụng máy tính và điện thoại trong thời gian dài ngày càng trở thành nguyên nhân phổ biến gây đau cổ. Khi chúng ta dần già đi, chúng ta sẽ bị thoái hóa (hao mòn) cột sống cổ.

(Các) đốt sống của cột sống cổ được ngăn cách với nhau bởi các đĩa đệm đóng vai trò như một bộ giảm xóc. Theo thời gian, đĩa đệm giữa các đốt sống bị mòn. Các đĩa đệm có thể bị phá hủy, bị dịch chuyển khỏi vị trí bình thường và trở nên cứng hơn.

Các loại đau cổ

Đau cổ có nhiều dạng khác nhau và có thể được phân loại thành các dạng sau:

Đau cổ trục dọc (đau do cơ học)

Đau cổ trục dọc:

  • Là loại đau cổ phổ biến nhất
  • Thường do căng cơ cổ hoặc bong gân dây chằng gây ra
  • Còn có thể liên quan đến thoái hóa hoặc chấn thương cột sống

Đau rễ thần kinh (bệnh lý rễ tuỷ cổ hay dây thần kinh bị chèn ép)

Đau rễ thần kinh:

  • Xảy ra khi rễ thần kinh bị viêm ở cột sống cổ làm cơn đau lan dọc theo dây thần kinh, kéo xuống vai, cánh tay hoặc bàn tay.
  • Thường xảy ra do thoái hóa (hao mòn) cột sống như khi rễ thần kinh bị kích ứng bởi các gai xương hoặc thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
  • Cũng có thể do chấn thương đột ngột dẫn đến thoát vị đĩa đệm gây ra.

Đau xuất chiếu

Đau xuất chiếu:

  • Xuất hiện ở vị trí tách biệt hẳn với vị trí tổn thương. Nguồn gốc của cơn đau có thể là từ một bộ phận không liên quan trên cơ thể vì có sự liên kết giữa mạng lưới các dây thần kinh.
  • Nguyên nhân gây ra và cách thức tình trạng này phát triển cũng như lây lan vẫn chưa được tìm hiểu rõ.
  • Đôi khi có thể được truy vết ngược lại các nguồn như tim (khi đau tim) hoặc hàm (khớp thái dương hàm (TMJ)).

Đau tủy (bệnh lý tủy-cổ)

Đau tủy:

  • Xảy ra khi tủy sống ở cổ bị chèn ép.
  • Dễ có thể bị chẩn đoán nhầm vì các triệu chứng ban đầu của tình trạng chèn ép tủy sống tiến triển rất mơ hồ và không cụ thể. Trừ khi bị nghi ngờ mắc bệnh và đã chụp cộng hưởng từ (MRI), bệnh lý này thường bị bỏ sót cho đến khi đã chuyển sang giai đoạn nặng.
  • Cũng có thể xảy ra khi các bó hướng tâm của tủy sống truyền thông tin về cảm giác như đau và xúc giác bị chèn ép hoặc kích ứng (đau dây tủy sống).

Đau cổ cấp tính so với mạn tính

Dựa theo thời gian và nguyên nhân đau, đau cổ còn có thể được phân loại thành:

  • Đau cấp tính thường kéo dài không quá 4 tuần và thường bắt nguồn từ một số dạng chấn thương hoặc tổn thương cấp tính như căng cơ cổ hoặc chấn thương thể thao. Tình trạng viêm cũng có thể gây ra cơn đau cấp tính và cơn đau này thường dịu đi khi được nghỉ ngơi.
  • Đau mạn tính xuất hiện từ từ và có thể kéo dài trên 3 tháng. Căn nguyên có thể xác định được hoặc không.

Đau cổ có những triệu chứng gì?

Triệu chứng đau cổ có thể thay đổi tùy vào loại đau cổ mắc phải.

Đau cổ trục dọc (đau do cơ học)

Triệu chứng đau cổ trục dọc bao gồm:

  • Tập trung chủ yếu ở một vùng cổ và không dịch chuyển hoặc lan ra
  • Cảm giác đau âm ỉ, nhức hoặc nhói, nhưng cũng có thể là đau buốt hoặc nhói như bị con gì chích
  • Một số cử động nhất định hoặc tư thế xấu có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng

Đau rễ thần kinh (bệnh lý rễ tuỷ cổ)

Triệu chứng đau rễ thần kinh, thường được gọi là dây thần kinh bị chèn ép bao gồm:

  • Cảm giác đau như điện giật và có thể đau hơn khi cử động hoặc khi ở trong tư thế cụ thể
  • Ngứa ran hoặc cảm giác như kiến bò, kim châm ở ngón tay hoặc bàn tay
  • Các cơ ở cánh tay, vai hoặc bàn tay yếu
  • Mất cảm giác
  • Có thể chỉ đau ở một bên cơ thể nhưng cũng có thể đau ở cả hai bên của cơ thể

Đau xuất chiếu

Triệu chứng đau xuất chiếu bao gồm:

  • Cảm thấy đau sâu bên trong, đau âm ỉ, đau như bị chuột rút hoặc có thể có cảm giác nhói
  • Có thể cảm thấy gần giống như đau rễ thần kinh nhưng phân tán hoặc lan tỏa hơn
  • Thường chỉ đau ở một bên cơ thể nhưng cũng có thể đau ở cả hai bên của cơ thể

Đau tủy (bệnh lý tủy-cổ)

Triệu chứng đau tủy bao gồm:

  • Căng cứng và phạm vi cử động ở cổ bị giảm xuống
  • Cơn đau buốt bắt nguồn từ cổ rồi lan xuống cột sống
  • Cảm giác yếu và ngứa ran ở cánh tay và bàn tay
  • Có thể tác động đến kỹ năng điều khiển các cơ bắp nhỏ, khả năng cân bằng và phối hợp như viết, chơi nhạc cụ, dùng đũa và cài cúc áo sơ mi

Nguyên nhân gây đau cổ là gì?

Các nguyên nhân gây đau cổ bao gồm:

  • Căng cơ. Tư thế xấu hoặc kỳ quặc (như kẹp điện thoại giữa vai và cổ), tình trạng thừa cân hoặc cơ bụng yếu có thể làm căng cơ cổ.
  • Thoái hóa khớp. Khớp cổ bị hao mòn theo tuổi tác. Còn có các bệnh lý có thể tác động đến cột sống như thoái hóa cột sống cổ làm cho các miếng đệm (sụn) giữa các đốt sống mòn đi.
  • Áp lực lên dây thần kinh. Áp lực từ tình trạng thoát vị đĩa đệm hoặc gai xương ở đốt sống cổ có thể tác động đến các dây thần kinh trong tủy sống.
  • Chấn thương nghiêm trọng đột ngột do bị tai nạn hoặc bị ngã. Chấn thương cổ là chấn thương ở các mô mềm của cổ do đầu đột ngột bị giật mạnh. Thường do tai nạn xe hơi có va chạm từ phía sau gây ra.
  • Bệnh lý liên quan. Đau cổ có thể do các bệnh lý cụ thể như viêm khớp dạng thấp và viêm cột sống dính khớp gây ra. Đau cổ cũng có thể do các bệnh như ung thư và viêm màng não gây ra.

Làm thế nào để phòng ngừa đau cổ?

Vì đa phần tình trạng đau cổ liên quan đến tư thế xấu và sự hao mòn do tuổi tác, bạn có thể phòng tránh bằng cách thay đổi lối sống.

Bạn có thể thay đổi những thói quen đơn giản hàng ngày như:

  • Tránh các tư thế căng cơ, kỳ quặc như kẹp điện thoại giữa tai và vai khi nói chuyện.
  • Không đeo túi nặng trên vai. Trọng lượng quá nặng có thể làm căng cơ cổ.
  • Giữ tư thế đúng. Đứng hoặc ngồi thẳng. Đảm bảo vai nằm trên một đường thẳng với hông và tai thẳng hàng với vai.
  • Ngủ đúng tư thế. Để đầu và cổ thẳng hàng với thân người khi ngủ. Dùng thiết bị hỗ trợ giấc ngủ như một chiếc gối nhỏ đặt dưới cổ.
  • Bỏ hút thuốc. Hút thuốc khiến nguy cơ đau cổ cao hơn.
  • Điều chỉnh vị trí bàn làm việc, ghế và máy tính. Đảm bảo màn hình máy tính ở ngang tầm mắt. Khi ngồi, hãy dùng tay vịn của ghế và đảm bảo đầu gối thấp hơn hông một chút.
  • Nghỉ giải lao thường xuyên. Hãy đứng dậy, đi lại và vươn vai nếu bạn phải ngồi nhiều giờ trước máy tính hoặc khi đang di chuyển đi đâu đó. Cố gắng cứ 45 phút thì nghỉ giải lao 5 phút.
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

 

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777