Ung thư tuyến tụy - Chẩn đoán và Điều trị

Chẩn đoán ung thư tuyến tụy như thế nào?

Trong trường hợp nghi ngờ ung thư tuyến tuỵ, các bác sĩ có thể sử dụng kết hợp một số phương pháp bao gồm các hình ảnh y khoa, xét nghiệm máu và kiểm tra mẫu mô để chẩn đoán.

Chẩn đoán hình ảnh

Chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) được sử dụng để ghi lại hình ảnh chi tiết về tình trạng của tuyến tụy.

Siêu âm nội soi tuyến tụy

Thủ thuật này được thực hiện bằng một ống nội soi mảnh và mềm. Ống được đưa vào dạ dày thông qua thực quản. Camera gắn ở đầu ống sẽ ghi lại hình ảnh bên trong dạ dày, sau đó truyền về màn hình bên ngoài để bác sĩ quan sát và chẩn đoán. Siêu âm nội soi tuyến tụy được coi là phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến tụy có độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất.

Sinh thiết

Sinh thiết là thủ thuật lấy một mẫu mô nhỏ để thực hiện xét nghiệm dưới kính hiển vi. Mẫu mô thường được lấy trong quá trình nội soi hoặc bằng kỹ thuật chọc hút bằng kim nhỏ (đưa đầu kim xuyên qua da vào tụy để lấy mô).

Xét nghiệm máu

Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra sự hiện diện của protein đặc hiệu (chất chỉ điểm ung thư) do tế bào ung thư tụy tiết ra. Xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư CA19-9 (Cancer Antigen 19-9) có thể giúp các bác sĩ hiểu hơn về khả năng đáp ứng của ung thư đối với phác đồ điều trị. Tuy nhiên, phương pháp này không phải luôn có hiệu quả do nồng độ CA19-9 có thể không tăng ở một số bệnh nhân mắc ung thư tụy.

Điều trị ung thư tuyến tụy như thế nào?

Phác đồ điều trị ung thư tuyến tụy phụ thuộc vào giai đoạn và vị trí ung thư, cũng như sức khỏe tổng thể và mong muốn của bệnh nhân. Trong hầu hết các trường hợp, ưu tiên hàng đầu khi điều trị ung thư tuyến tụy là loại bỏ ung thư nếu có thể. Trong trường hợp không thể loại bỏ ung thư, các bác sĩ sẽ tập trung cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân và hạn chế ung thư phát triển và gây ra biến chứng.

Phẫu thuật

Bệnh nhân có thể cần được phẫu thuật để cắt bỏ u hoặc giảm nhẹ triệu chứng. Các phương pháp phẫu thuật ung thư tuyến tụy bao gồm:

  • Phẫu thuật ung thư ở đầu tụy: Nếu ung thư phát triển ở vị trí đầu tụy, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thủ thuật Whipple (phẫu thuật cắt khối tá tụy) để cắt bỏ phần đầu tuyến tụy, tá tràng, túi mật, một phần ống mật và các hạch bạch huyết lân cận. Một phần dạ dày và đại tràng cũng được cắt bỏ trong một số trường hợp. Bác sĩ phẫu thuật sau đó sẽ khâu nối các phần tụy, dạ dày và ruột còn lại với nhau, giúp bệnh nhân tiêu hóa thức ăn.
  • Phẫu thuật ung thư ở thân và đuôi tụy: Phẫu thuật cắt bỏ phần tụy bên trái (đuôi và thân tụy) và có thể cả lá lách.
  • Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến tụy: Một số bệnh nhân cần cắt bỏ toàn bộ tuyến tụy. Bệnh nhân có thể sinh hoạt tương đối bình thường dù không có tuyến tụy, nhưng sẽ cần sử dụng insulin và enzym thay thế trong suốt phần đời còn lại.
  • Phẫu thuật ung thư ảnh hưởng đến các mạch máu lân cận: Bệnh nhân mắc ung thư tuyến tụy tiến triển ảnh hưởng đến các mạch máu lân cận không thể thực hiện thủ thuật Whipple hoặc các loại phẫu thuật khác. Khi đó, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ và tái tạo các mạch máu bị ảnh hưởng.

Hóa trị

Hóa trị là việc sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc được dùng theo đường uống hoặc đường tĩnh mạch.

Ở bệnh nhân ung thư tuyến tụy tiến triển hoặc di căn, hóa trị được sử dụng để kiểm soát tốc độ phát triển của ung thư, giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài sự sống. Hóa trị được sử dụng trong trường hợp phẫu thuật hoặc xạ trị không còn thích hợp bởi tình trạng bệnh nhân đã diễn biến nghiêm trọng.

Trong một số trường hợp, hóa trị được sử dụng trước phẫu thuật để giúp giảm kích thước u (điều trị tân bổ trợ), hoặc sau phẫu thuật để giảm nguy cơ tái phát ung thư tuyến tụy (điều trị bổ trợ). Hóa trị cũng được dùng để cải thiện hiệu quả xạ trị (hóa-xạ trị đồng thời), thường được sử dụng trong trường hợp ung thư chưa lan ra khỏi tuyến tụy.

Xạ trị

Xạ trị tiêu diệt tế bào ung thư bằng các tia năng lượng cao như tia X hoặc proton. Bệnh nhân được điều trị xạ trị trước, trong hoặc sau phẫu thuật hoặc nếu không thể phẫu thuật. Phương pháp này có thể ngăn chặn ung thư trở lại và làm giảm cơn đau và vàng da.

Xạ trị truyền thống điều trị ung thư bằng tia X, nhưng hiện nay tại một số cơ sở y tế đã có hình thức xạ trị mới bằng proton. Xạ trị proton có thể điều trị ung thư tuyến tụy trong một số trường hợp với ưu điểm là ít tác dụng phụ hơn so với xạ trị truyền thống.

Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

 

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777