Cảm Thấy Chóng Mặt? Có Thể Là Do Hội Chứng Chóng Mặt
Cập nhật lần cuối: 12 Tháng Tư 2021 | 5 phút - Thời gian đọc
Bạn nghĩ mình bị "bệnh chóng mặt"? Chóng mặt thực chất là một triệu chứng, không phải là một loại bệnh. Tìm hiểu các nguyên nhân và phương pháp điều trị chóng mặt, cũng như làm thế nào để biết liệu nó có phải là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng hơn hay không.
Chóng mặt (Vertigo) là gì?
Chóng mặt là một triệu chứng, mà không phải là một bệnh lý, mặc dù nhiều người vẫn gọi trải nghiệm này là "bệnh chóng mặt".
Chóng mặt là cảm giác bạn, hoặc môi trường xung quanh, đang chuyển động hoặc quay tròn trong khi bạn không vận động.
Các triệu chứng này có thể giao động về mức độ từ hầu như không đáng chú ý cho đến cực kỳ nghiêm trọng đến mức gây khó khăn khi thực hiện sinh hoạt hàng ngày. Chóng mặt có thể xuất hiện đột ngột và chỉ kéo dài vài giây cho đến vài ngày trong các trường hợp nặng.
Điều gì gây ra chóng mặt?
Chóng mặt thường gây ra bởi một vấn đề về chức năng giữ thăng bằng của tai trong. Trong một số trường hợp, chóng mặt còn có thể bị kích hoạt bởi các vấn đề ở những bộ phận nhất định của não bộ.
Chóng mặt có thể xếp vào một trong hai loại sau:
Chóng mặt ngoại biên
Chóng mặt trung ương
Chóng mặt ngoại biên
Chóng mặt ngoại biên thường xuất hiện khi có sự can thiệp vào hoạt động của các cơ quan cảm giác nhỏ trong tai trong, chịu trách nhiệm cảm nhận lực hấp dẫn và gửi thông tin về vị trí của đầu đến não bộ. Khoảng 93% các trường hợp chóng mặt là do chóng mặt ngoại biên.
Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng này.
Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV) xảy ra khi các hạt canxi nhỏ trong tai bị bung ra và dịch chuyển vào trong ống tai trong. Điều này khiến tai trở nên nhạy cảm quá mức với những thay đổi về vị trí của đầu, điều này gây ra cảm giác chóng mặt cho bạn. BPPV có thể xuất hiện mà không có tác nhân cụ thể nào, nhưng thường liên quan đến tuổi tác và phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới.
Bệnh Ménière gây ra bởi sự ứ dịch trong tai trong. Bệnh này có thể dẫn đến chóng mặt cùng với ù tai (tiếng kêu trong tai) và mất thính lực. Bệnh này thường gặp ở những người trong độ tuổi từ 40 đến 60.
Viêm dây thần kinh tiền đình (vestibular neuritis) và viêm mê đạo tai trong (labyrinthitis)là tình trạng rối loạn xảy ra do viêm mê đạo tai trong hay viêm các dây thần kinh xung quanh – được gọi là dây thần kinh tiền đình. Dây thần kinh tiền đình chịu trách nhiệm gửi thông điệp đến não bộ để giúp cơ thể kiểm soát sự cân bằng. Tình trạng này thường do virus gây nhiễm trùng.
Chóng mặt trung ương
Chóng mặt trung ương có thể xảy ra khi có một tình trạng rối loạn ở một hoặc nhiều phần não điều khiển hệ thần kinh. Chóng mặt trung ương có thể là kết quả của chấn thương đầu liên quan đến thể thao, u não, nhiễm trùng vi rút hoặc tai biến mạch máu não (đột quỵ). Các triệu chứng nói chung sẽ kéo dài lâu hơn và nghiêm trọng hơn so với chóng mặt ngoại biên, mặc dù thính lực thường không bị ảnh hưởng. Dưới đây là các loại chóng mặt khác nhau liên quan đến hệ thần kinh trung ương:
U dây thần kinh thính giác (Acoustic Neuroma) / U màng nhện dây thần kinh tiền đình (Vestibular Schwannoma) là một loại khối u phát triển chậm, không phải ung thư, ảnh hưởng đến dây thần kinh nằm giữa tai trong và não bộ. Các dấu hiệu điển hình của tình trạng này bao gồm mất thính lực dần dần, ù tai ở tai bị ảnh hưởng, mất thăng bằng, tê mặt và chóng mặt.
Chóng mặt liên quan đến chứng đau nửa đầu (Migraine-induced vertigo) có thể phổ biến hơn ở những người dễ say tàu xe hoặc có những đợt chóng mặt thường xuyên. Do cường độ của tình trạng đau nửa đầu, bạn có thể trải nghiệm các cơn chóng mặt tự phát đến đột ngột, thường đi kèm buồn nôn và nôn mửa.
Bệnh đa xơ cứng (Multiple Sclerosis) là một căn bệnh không thể đoán trước, thường gây suy nhược cho hệ thần kinh trung ương. Bệnh này làm gián đoạn dòng thông tin trong não, cũng như giữa não bộ và cơ thể, điều này có thể dẫn đến chóng mặt.
Tôi có nguy cơ mắc bệnh chóng mặt không?
Một số người dễ bị chóng mặt hơn những người khác. Nguy cơ mắc bệnh chóng mặt cao hơn nhiều nếu bạn:
Gần đây đã từng bị tái phát hoặc viêm tai mãn tính
Có tiền sử chấn thương đầu
Đang dùng thuốc có tác dụng phụ bất lợi, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm và thuốc chống loạn thần
Trên 65 tuổi
Chóng mặt được chẩn đoán như thế nào?
Những người mắc bệnh chóng mặt thật sự sẽ có triệu chứng căn phòng xung quanh họ đang quay. Cảm giác lâng lâng hoặc mê sảng thì thường được xem là hiện tượng choáng váng.
Bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng, tiến hành khám sức khỏe, và có thể sử dụng một trong các xét nghiệm sau đây được hỗ trợ bởi các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang hoặc MRI.
Xét nghiệm đẩy đầu (Head-thrust test): Bạn sẽ được yêu cầu tập trung vào mũi của bác sĩ và cố gắng nhìn theo nó bằng mắt trong khi bác sĩ di chuyển xung quanh. Xét nghiệm này nhằm kiểm tra tính chính xác của chuyển động mắt.
Xét nghiệm Romberg: Bạn sẽ được yêu cầu giữ thăng bằng khi đứng với hai bàn chân chụm vào nhau và sau đó khi nhắm mắt.
Xét nghiệm Fukuda-Unterberger: Trong khi đang giữ thăng bằng, bạn sẽ được yêu cầu nhấc chân diễu hành tại chỗ để kiểm tra khả năng phối hợp của bạn. Bác sĩ cũng sẽ chỉ cho bạn làm tương tự nhưng nhắm mắt để kiểm tra sự khác biệt giữa 2 lần.
Xét nghiệm Dix-Hallpike: Bạn sẽ được yêu cầu nhanh chóng nằm ngửa ra sau từ tư thế ngồi thẳng trên bàn khám. Sau đó bác sĩ sẽ chỉ đầu của bạn hướng sang trái hoặc phải một chút để quan sát chuyển động của mắt bạn.
Bạn có thể cần một hoặc nhiều xét nghiệm hoặc thủ thuật để giúp bác sĩ biết thêm về tình trạng cơ bản của bạn. Một số xét nghiệm trong số này thường được thực hiện trong một căn phòng tối để kích hoạt tình trạng chóng mặt.
Cách điều trị và chữa khỏi bệnh chóng mặt như thế nào?
Loại phương pháp điều trị được áp dụng tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra chóng mặt của bạn. Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ được khuyên nghỉ ngơi trên giường cùng với việc dùng thuốc cho các nguyên nhân cơ bản gây ra chóng mặt của bạn.
Các loại thuốc làm giảm chóng mặt phổ biến nhất là thuốc phong bế tiền đình.
Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh chóng mặt kịch phát tư thế lành tính (BPPV), bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn một động tác đặc biệt được gọi là thủ thuật phục hồi vị trí Epley, nó giúp làm loose các tinh thể canxi và loại bỏ chúng khỏi ống tai của bạn.
Phẫu thuật cũng là một lựa chọn nếu tất cả các phương pháp điều trị trên đều không hiệu quả hoặc các triệu chứng của bạn trở nên quá nghiêm trọng.
Làm thế nào để giảm các triệu chứng của bệnh chóng mặt?
Nếu bạn đang trải qua một cơn chóng mặt, có một vài điều bạn có thể thực hiện để giảm nhẹ các triệu chứng và giảm thiểu số lần tái phát cơn :
Nằm yên trong một căn phòng yên tĩnh và tối
Di chuyển đầu một cách cẩn thận và chậm rãi nếu bạn phải tham gia vào bất kỳ hoạt động nào
Ngồi xuống ngay lập tức khi bạn cảm thấy chóng mặt
Bật đèn nếu bạn cần rời khỏi giường vào ban đêm
Sử dụng gậy chống nếu bạn có nguy cơ bị ngã
Ngủ kê đầu trên gối cho hơi cao
Ra khỏi giường chậm rãi, ngồi hẳn trên mép giường một lúc trước khi đứng dậy
Cố gắng thư giãn vì lo âu có thể khiến tình trạng chóng mặt trở nên tồi tệ hơn
Khi nào tôi nên gặp bác sĩ?
Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn thường xuyên có các cơn chóng mặt. Chóng mặt có thể khiến bạn không vững, điều này có thể khiến bạn có nguy cơ bị ngã. Mặc dù chóng mặt thường không nguy hiểm, bạn có thể muốn xác định được vấn đề gốc rễ và điều trị nó.
Những dấu hiệu cảnh báo biến chứng nghiêm trọng từ bệnh chóng mặt bao gồm:
bị say tàu xe ở mức độ đột ngột, dữ dội và tái phát
chóng mặt cùng với suy giảm về thần kinh như tình trạng đột ngột mất kiểm soát cơ mặt
chóng mặt cùng với mất thính lực
Nếu bạn đang gặp các triệu chứng bất thường này, hãy tìm sự giúp đỡ ngay lập tức bằng cách đến Trung tâm Chăm Sóc Khẩn Cấp (UCC) gần nhất hoặc gọi xe cứu thương.
Trong trường hợp cấp cứu y tế tại Singapore, bạn cũng có thể gọi +65 6473 2222 để gọi xe cứu thương chuyên chở bạn đến bệnh viện gần nhất hoặc một bệnh viện do bạn lựa chọn. Tìm hiểu thêm về dịch vụ Cấp Cứu Parkway.
Nancy, C. (17 August 2017) What Causes Vertigo? Retrieved 27/04/2019 from https://www.healthline.com/symptom/vertigo
Markus, M. (24 November 2017) Everything you need to know about vertigo. Retrieved 27/04/2019 from https://www.medicalnewstoday.com/knowledge/160900/vertigo-causes-symptoms-treatments
Nayana, A. (22 December 2018) Vertigo. Retrieved 27/04/2019 from https://www.webmd.com/brain/vertigo-symptoms-causes-treatment#2
(30 June 2018) Benign paroxysmal positional vertigo (BPPV). Retrieved 27/04/2019 from https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/vertigo/symptoms-causes/syc-20370055
Debra, R. (2 Jan 2018) What Are the Home Remedies for Vertigo ). Retrieved 27/04/2019 from https://www.medicalnewstoday.com/articles/320492.php
Vertigo. Retrieved 31/05/2019 from https://www.nhsinform.scot/illnesses-and-conditions/ears-nose-and-throat/vertigo
Vertigo. (2020, June 2) Retrieved February 22, 2021, from https://www.nhs.uk/conditions/vertigo/