Hội Chứng Tim Vui Vẻ/Cơ Tim Vỡ Takotsubo Là Gì?

Nguồn: Shutterstock

Hội Chứng Tim Vui Vẻ/Cơ Tim Vỡ Takotsubo Là Gì?

Cập nhật lần cuối: 30 Tháng Mười Hai 2016 | 5 phút - Thời gian đọc

Câu ngạn ngữ xưa – tiếng cười là liều thuốc tốt nhất – có lẽ không còn hoàn toàn đúng đắn sau các nghiên cứu y khoa mới đây.

Bác sĩ Julian Tan, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Mount Elizabeth, giải thích làm thế nào sự quá vui vẻ lại thật sự gây hại đến tim của chúng ta.

Hội chứng Takotsubo (hội chứng trái tim tan vỡ)

Hội chứng Takotsubo (TTS - Takotsubo Syndrome) lần đầu tiên được miêu tả vào 1990 như một sự suy yếu tạm thời của tâm thất trái, buồng bơm chính của tim . 'Takotsubo’ có nghĩa ‘bẫy bạch tuộc’ trong tiếng Nhật. TTS được đặt tên như vậy bởi buồng chính bên trái của trái tim bị hội chứng này được cho là có hình dáng giống một cái bẫy bạch tuộc. Bệnh nhân TTS thường có dấu hiệu tưởng như ‘đau tim’, nhưng khi kiểm tra lại không có bất cứ tắc nghẽn nào trên mạch máu tim.

TTS thường bị kích hoạt bởi các giai đoạn căng thẳng tinh thần nặng nề như đau buồn, giận dữ, hay sợ hãi. Điều này đã tạo nên tên gọi phổ biến của nó – hội chứng trái tim tan vỡ.

Trong quá trình hành nghề bác sĩ tim mạch, tôi đã khám cho nhiều bệnh nhân có biểu hiện ‘đau tim’, nhưng sự thật mắc TTS. Những bệnh nhân TTS này điển hình là phụ nữ mãn kinh, đột ngột đau ngực sau trận cãi cọ với con cái hoặc vợ/chồng, hoặc đang chịu tang tóc.

Căng thẳng tinh thần có thể dẫn đến kích thích thừa hệ thống thần kinh giao cảm (hệ thống kích thích tuyến thượng thận sản sinh các hoóc-môn căng thẳng) và/hoặc triệt thoái không thích hợp hệ thần kinh đối giao cảm (hệ thống hỗ trợ tạo nên trạng thái cân bằng cho cơ thể). Điều này có thể dẫn đến loạn nhịp tim, TTS, và thậm chí tử vong đột ngột do suy tim.

Hội chứng tim vui vẻ

Vai trò của cảm xúc tích cực trong TTS ít được rõ ràng hơn nhiều. Cảm xúc tích cực tác động đến hệ thần kinh tự động ở mức độ tương tự như cảm xúc tiêu cực. Điều này đến lượt thay đổi nhịp tim, kháng trở dòng chảy máu, và huyết áp.

Liệu cảm xúc tích cực thực sự cải thiện hay gây hại đến sức khỏe tim mạch vẫn là câu hỏi cần nghiên cứu thêm.

Một nghiên cứu ở Zurich đã xem xét 485 bệnh nhân được chẩn đoán TTS. Nghiên cứu đã tìm hiểu các bệnh nhân TTS bị kích hoạt bởi các sự kiện vui vẻ, phân tích tỷ lệ và đặc điểm của bệnh trong các trường hợp này.

Trong số 485 bệnh nhân được nghiên cứu, 4,1% mắc phải TTS bị kích hoạt bởi các sự kiện dễ chịu, và 95,9% bởi các sự kiện tiêu cực về tinh thần. Điều thú vị là, các dấu hiệu và triệu chứng vật lý – chẳng hạn như đau ngực – của bệnh nhân mắc bệnh ‘hội chứng tim vui vẻ’ lại tương tự như các bệnh nhân mắc hội chứng trái tim tan vỡ. Hoạt động điện của tim, các kết quả xét nghiệm, và sự phát triển của bệnh trạng sau một năm cũng tương tự nhau.

Sự tham gia của hệ thống thần kinh trung ương trong sự phát triển của bệnh tim vẫn chưa được rõ ràng. Tuy nhiên, các nghiên cứu chuyên sâu đã hé lộ về vai trò quan trọng mà hệ thống thần kinh trung ương đóng vai trong bệnh tim. Các nghiên cứu về hình ảnh não bộ đã phân biệt cảm xúc vui sướng, buồn bã, và sợ hãi với ghê tởm hoặc tức giận qua việc nghiên cứu khu vực não bộ bị kích thích khi trải nghiệm các cảm xúc này. Một phần của bộ não, hạch hạnh nhân (amygdala), được tìm ra là có liên quan đến cả quá trình xử lý cảm xúc tích cực và tiêu cực.

Các nghiên cứu này gợi ý rằng, dù khác nhau về bản chất, các sự kiện vui và buồn có thê dùng chung con đường cảm xúc, có thể dẫn đến kích hoạt TTS.

Hội chứng trái tim tan vỡ là một tình trạng y tế thật sự và đã được chứng minh. Khi xem xét các nghiên cứu này, sự tồn tại của mặt trái của nó – hội chứng tim vui vẻ – không thể bị bác bỏ.

Dù ta vẫn không thể hiểu hết những hoạt động bên trong của mối liên kết ‘não-tim’, có vẻ như quá mức xúc động dù bên hướng nào cũng không lành mạnh. Ta hiểu ngay đây rằng tiếng cười có lẽ không phải là liều thuốc tốt nhất.

Bài viết liên quan
Xem tất cả