Dr Thia Teck Joo Kelvin
Bác sĩ nội tiêu hóa
Nguồn: Shutterstock
Bác sĩ nội tiêu hóa
Bác sĩ Kelvin Thia, bác sĩ chuyên ngành dạ dày-ruột tại Bệnh viện Mount Elizabeth, cung cấp cho chúng ta một tổng quan về hai bệnh lý này và những sự khác biệt giữa chúng.
Bệnh viêm ruột (IBD) là một rối loạn tiêu hóa mãn tính, với biểu hiện điển hình ở bệnh nhân là các cơn đau bụng, tiêu chảy, và chảy máu trực tràng. Bệnh này cũng có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, sụt cân, và các triệu chứng liên quan đến mắt, khớp xương, và da.
IBD thường gặp với hai thể chính — viêm loét đại tràng (Ulcerative Colitis - UC), bệnh có viêm nhiễm giới hạn ở đại tràng, và bệnh Crohn— có thể ảnh hưởng đến bất cứ bộ phận nào của đường tiêu hóa. Các biến chứng đi kèm IBD bao gồm ung thư ruột, chảy máu nặng, và cần đến phẫu thuật để giải quyết tình trạng tắc nghẽn hoặc thủng ruột.
IBD từng được xem là “căn bệnh của người da trắng,” nhưng điều này đã không còn đúng nữa. Các nghiên cứu gần đây gợi ý số ca mắc bệnh đã tăng 5 lần trong vòng 20 năm trở lại đây ở Châu Á. Mỗi năm, chúng tôi ghi nhận khoảng 100 ca bệnh mới được chuẩn đoán tại địa phương. Xu hướng gia tăng bệnh IBD này có thể liên hệ đến quá trình hiện đại hóa, và các yếu tố môi trường như chế độ ăn.
Chế độ ăn giàu đạm động vật, chất béo và đường dường như có liên hệ đến rủi ro mắc IBD. Gen di truyền chắc chắn có vai trò quan trọng trong việc kết hợp với hệ miễn dịch bất thường của bệnh nhân, cùng với khuẩn lạc trong ruột. Một nhân tố rủi ro nổi tiếng là hút thuốc lá, việc này có thể khiến cho các triệu chứng trầm trọng hơn và gia tăng rủi ro biến chứng ở bệnh nhân Crohn.
Chuẩn đoán IBD dựa trên tổng kết các triệu chứng lâm sàng, kết quả xét nghiệm, khảo sát hình ảnh y khoa, phân tích nội soi đường tiêu hóa, và các khảo sát mô học. Chuẩn đoán IBD sớm đóng vai trò quan trọng, vì bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể dẫn đến gia tăng rủi ro biến chứng. Bệnh nhân IBD cũng có thể ít phản ứng hơn với các phương pháp điều trị khi căn bệnh đã nhiều năm không được kiểm soát tốt. Điều trị IBD thường kéo dài suốt đời và bao gồm các thuốc kháng viêm cùng nhiều loại thuốc ức chế miễn dịch.
Mặt khác, hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn cơ năng (không phải do bất thường về cấu trúc như viêm) với ước tính ảnh hưởng từ 10% đến 20% cộng đồng.
Bệnh nhân IBS thường trải qua các triệu chứng khó chịu vùng bụng, tiêu chảy, hoặc táo bón do thành ruột quá nhạy cảm. Triệu chứng có thể thay đổi về mức độ và xảy ra không liên tục, nhưng có khuynh hướng ổn định theo thời gian.
Vì IBS là một bệnh lành tính, nó không dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, hoặc các biến chứng đòi hỏi phẫu thuật, như những gì có thể xảy ra với bệnh nhân IBD.
Tuy nhiên, các triệu chứng ở IBS vẫn có thể gây nhiều rắc rối, và đã được minh chứng có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Có nhiều phương pháp điều trị có sẵn, bao gồm lối sống và quản lý chế độ ăn, nhằm hỗ trợ những người đang chật vật với IBS, nên không có lý do để bất kỳ người bệnh nào phải âm thầm chịu đựng.
Một loại xét nghiệm phân tên gọi là calprotectin có thể hữu ích trong việc đo lường mức độ viêm trong đường ruột, biểu hiện này xuất hiện ở bệnh nhân IBD và không có ở người bệnh IBS. Xét nghiệm phân này có thể hữu ích trong quá trình đánh giá sơ bộ vì các triệu chứng của IBD và IBS có thể tương tự nhau ở các giai đoạn đầu và có thể khó phân biệt. Nếu kết quả xét nghiệm calprotectin phân bất thường, bệnh nhân thường được yêu cầu đi nội soi đại tràng để đánh giá thêm.