Dr Chang Kin Yong Stephen
Bác sĩ ngoại tổng quát
Nguồn: Shutterstock
Bác sĩ ngoại tổng quát
Trước đây, để thực hiện hầu hết các thủ thuật phẫu thuật, người ta thường phải rạch những đường mổ lớn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự phát triển các kỹ thuật ít xâm lấn cho phép các bác sĩ phẫu thuật mang đến những kết quả tốt hơn mà không cần phải tạo các vết rạch dài. Bác sĩ Stephen Chang, chuyên gia phẫu thuật tổng quát tại Bệnh viện Mount Elizabeth, cho biết những kỹ thuật cải tiến trong phẫu thuật ít xâm lấn có thể giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn và giảm bớt cảm giác đau đớn, khó chịu, và những kỹ thuật này đang dần thay thế cho phương pháp mổ phanh trong rất nhiều ca khám chữa bệnh.
Theo bác sĩ Chang: "Về cơ bản, trong phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, ta chỉ cần rạch những đường mổ nhỏ, vì vậy sẽ gây ít đau đớn hơn cho vùng da và cơ của bệnh nhân." Ngoài ra, bác sĩ cũng cho biết thêm, có một một thủ thuật mới gọi là phẫu thuật nội soi ổ bụng một lỗ (SILS) có thể mang đến lợi ích to lớn hơn chỉ với một đường rạch nhỏ duy nhất.
Sở dĩ các bác sĩ có thể thực hiện được kỹ thuật này là nhờ việc sản xuất dụng cụ phẫu thuật đã phát triển hơn, cho ra đời những công cụ nhỏ hơn phù hợp với các cơ quan, cấu trúc bên trong cơ thể con người. Bác sĩ Chang cho hay: "Nhờ có những cải tiến này, chúng tôi có thể đưa tất cả các dụng cụ phẫu thuật vào trong một vết rạch nhỏ dài từ 10 – 15 mm."
So với phương pháp nội soi ổ bụng truyền thống, lợi thế lớn nhất của kỹ thuật SILS là ta chỉ cần cắt/rạch một đường duy nhất, giúp giảm đau đáng kể, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng đối ở bệnh nhân và đẩy nhanh tốc độ hồi phục. SILS còn mang lại hiệu quả thẩm mỹ cao hơn so với phẫu thuật nội soi ổ bụng thông thường vì kỹ thuật này không để lại vết sẹo nào đáng kể. Vì các dụng cụ phẫu thuật thường được đưa vào trong cơ thể qua rốn, do vậy vết sẹo để lại sẽ được giấu trong vùng rốn.
Bác sĩ Chang cho biết: "Những bệnh nhân đã từng được làm SILS cảm thấy hài lòng hơn về tính thẩm mỹ và mức độ đau đớn của kỹ thuật này." Một thử nghiệm lâm sàng theo dõi 100 bệnh nhân được cắt túi mật bằng phương pháp SILS hoặc phương pháp nội soi ổ bụng truyền thống đã cho thấy rằng SILS có hiệu quả giảm đau tốt hơn so với phương pháp còn lại.
Quan trọng hơn, bác sĩ Chang nhấn mạnh rằng SILS còn giảm thiểu nguy cơ tổn thương thần kinh nghiêm trọng – một biến chứng liên quan tới phương pháp nội soi ổ bụng và mổ phanh thông thường. Vậy nên cho đến nay, SILS trở nên phổ biến nhanh chóng, được các bác sĩ phẫu thuật áp dụng thành công khi thực hiện phẫu thuật túi mật, gan, ruột thừa và tụy.
Trong việc điều trị ung thư gan, kỹ thuật SILS còn mang đến thêm lợi ích cho những bệnh nhân bị tái phát và cần phẫu thuật lần hai. Để có thể nhìn rõ hơn vùng ruột của bệnh nhân, bác sĩ phẫu thuật chỉ cần rạch thêm một đường mổ dài hơn một chút so với vết rạch khi nội soi ổ bụng theo cách thông thường. Vết rạch mới này sẽ giúp hạn chế nguy cơ ruột bị dính vào với nhau.
Tuy mang lại nhiều lợi ích nhưng không phải trường hợp nào cũng nên áp dụng kỹ thuật SILS. Ví dụ, một số bệnh nhân có dáng người cao sẽ không thể tiến hành SILS trừ khi bác sĩ phẫu thuật có những dụng cụ đủ dài để thực hiện thủ thuật này.
Bên cạnh đó, hình dạng của các dụng cụ có thể không phù hợp với các ca mổ cần phải khâu 2 cấu trúc bên trong cơ thể. Bác sĩ Chang cảnh báo: "Khi các cơ quan nằm ở vị trí khó tiếp cận, việc thực hiện phương pháp SILS sẽ càng khó khăn hơn." Để giải quyết vấn đề này, ông đề xuất áp dụng phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn khác mà trong đó, các bác sĩ có thể sử dụng cánh tay robot để thực hiện phẫu thuật.
Tuy nhiên, trong trường hợp khối u quá gần với mạch máu lớn hoặc khi bị viêm nặng, bác sĩ Chang cho biết rằng không thể thực hiện được kỹ thuật SILS hay bất kỳ phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn nào khác, vì vậy bác sĩ vẫn cần phải tiến hành mổ mở.
Bác sĩ Chang tin rằng kỹ thuật SILS cần thêm một thời gian nữa để thay thế vị trí của phương pháp nội soi ổ bụng thông thường và trở thành một thủ thuật phổ biến chung vì vẫn còn một số điều mà chúng ta cần phải nghiên cứu thêm. Ông cho biết: "Có một số thủ thuật mà chúng ta cần phải nắm được để phòng ngừa các biến chứng."
Tuy nhiên, bác sĩ Chang cũng nói thêm rằng: "Chìa khóa giúp lan rộng việc áp dụng SILS đó là nâng cao nhận thức của bệnh nhân về kỹ thuật này." Bằng việc truyền bá những lợi ích mà kỹ thuật này đem lại, sẽ có càng nhiều bệnh nhân yêu cầu áp dụng nó, nhờ vậy các bác sĩ phẫu thuật sẽ có thêm động lực để học các kỹ năng trong kỹ thuật này.