Dr Chiam Toon Lim Paul
Bác Sĩ Nội Tim Mạch
Nguồn: Shutterstock
Bác Sĩ Nội Tim Mạch
Van động mạch chủ giống như chiếc cổng một chiều giúp điều tiết dòng chảy của máu từ tim tới các bộ phận còn lại trên cơ thể. Van mở ra cho phép tim bơm máu tới các cơ quan khác và van đóng vào để ngăn máu chảy ngược về tim.
Khi bị lão hóa, van động mạch chủ có thể bị hẹp lại và ta gọi đây là tình trạng hẹp động mạch chủ. Khi tình trạng này trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở, xuất hiện những cơn ngất và cảm giác khó chịu ở ngực do thiếu máu giàu oxy. Nếu không điều trị, căn bệnh này có thể gây tử vong với tỷ lệ 50% bệnh nhân không thể qua khỏi trong vòng 2 năm.
Tiến sĩ Paul Chiam, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Mount Elizabeth, đã giải thích về những lợi ích của kỹ thuật thay van động mạch chủ qua đường ống thông (TAVI) đối với việc điều trị căn bệnh này và tại sao đây lại được coi là một kỹ thuật đột phá trong phẫu thuật tim.
Phẫu thuật tim hở là phương pháp truyền thống thường được áp dụng để điều trị bệnh hẹp van động mạch chủ. Việc thay van động mạch chủ sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Tuy nhiên, việc phẫu thuật tim hở là rất dễ gặp rủi ro đối với nhiều bệnh nhân cao tuổi và những người bị những bệnh suy nhược như chức năng tim kém, bệnh phổi nặng và suy thận giai đoạn cuối. Trong thực tế, một số bệnh nhân còn không đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện phẫu thuật.
Thay thế cho phương pháp thay van động mạch chủ thông qua việc phẫu thuật tim hở, kỹ thuật thay van động mạch chủ qua đường ống thông (TAVI) lần đầu tiên được thực hiện trên một bệnh nhân 'không thể phẫu thuật được' vào năm 2002. Trong phương pháp ít xâm lấn này, trước hết, bác sĩ rạch một đường nhỏ tại vùng háng của bệnh nhân. Sau đó, qua một ống thông nhỏ, một van mới được đưa tới tim và được cấy vào trong vùng van động mạch chủ tự nhiên của bệnh nhân.
Mặc dù kỹ thuật TAVI hầu hết được thực hiện thông qua một lỗ chọc nhỏ ở vùng háng, chỉ một số ít bệnh nhân phải được thực hiện cấy ghép qua các vị trí khác trên cơ thể, chẳng hạn như qua động mạch ở ngực hoặc đỉnh tâm thất trái của tim. Vị trí tiếp cận tại vùng háng, hay còn gọi là "tiếp cận qua da đúng nghĩa", là nơi ít xâm lấn nhất và do vậy được ưu tiên nhất.
Khác với phương pháp phẫu thuật tim hở, bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật TAVI không cần phải mở ngực, tim vẫn tiếp tục đập khi đang cấy ghép van qua đường ống thông lên trái tim sống, van động mạch chủ tự nhiên không bị gỡ bỏ và van mới được cấy ghép qua đường ống thông không nhất thiết phải khâu cố định. Phương pháp tiếp cận từ vùng háng có thể được thực hiện khi bệnh nhân được gây mê cục bộ.
Một vài nghiên cứu lớn được thực hiện ngẫu nhiên đã cho thấy tính hiệu quả và an toàn của công nghệ TAVI. Ví dụ, thử nghiệm PARTNER (đặt van động mạch chủ qua đường ống thông) cho thấy kỹ thuật TAVI có hiệu quả hơn phương pháp bơm phồng động mạch chủ, trong đó người ta sử dụng một bong bóng để mở rộng van tim bị thu hẹp ở bệnh nhân không đủ điều kiện làm phẫu thuật. Cuộc thử nghiệm này cũng cho thấy rằng kỹ thuật TAVI hiệu quả không kém phương pháp mổ tim hở. Bên cạnh đó, thử nghiệm CoreValve cho thấy rằng kỹ thuật TAVI vượt trội hơn phương pháp mổ tim hở khi được thực hiện ở bệnh nhân dễ gặp rủi ro. Từ những thông tin này, TAVI đã trở thành lựa chọn điều trị hàng đầu đối với bệnh nhân không đủ sức khỏe làm phẫu thuật và là phương án điều trị an toàn hơn, hiệu quả hơn đối với bệnh nhân dễ gặp rủi ro trong quá trình mổ.
Đối với những bệnh nhân có mức độ rủi ro phẫu thuật vừa phải, TAVI là một phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn hơn. Trong một phân tích ngắn về những bệnh nhân được thực hiện TAVI qua vùng háng, TAVI có tỉ lệ tử vong hoặc đột quỵ về sau thấp hơn, và do vậy đây là phương pháp hiệu quả hơn so với phẫu thuật tim hở.
Tuy nhiên, bác sĩ Chiam cũng cho biết thêm,mặc dù nguy cơ đột quỵ liên quan tới TAVI thấp hơn hoặc bằng với phương pháp phẫu thuật mổ tim hở, nguy cơ đột quỵ hoàn toàn vẫn còn ở mức đáng kể, 2 – 5%, giống như các kiểu phẫu thuật tim khác. Đây là điều quan trọng cần phải cân nhắc khi mà càng ngày càng nhiều bệnh nhân trẻ hoặc bệnh nhân ít gặp rủi ro áp dụng kỹ thuật TAVI.
Tuy vậy, bác sĩ Chiam cũng nói thêm, hiện nay có một số thiết bị đã được phát triển giúp giảm thiểu nguy cơ đột quỵ liên quan tới các phương pháp điều trị bệnh tim bằng cách lọc bỏ các vụn, cặn trước khi chúng xâm nhập vào trong não bộ hoặc đẩy các vụn, cặn ra khỏi nguồn máu cấp cho não bộ.
Bên cạnh đó, những loại van tim thông ống thế hệ mới cho phép ta điều chỉnh lại vị trí của chúng nếu như vị trí cấy ghép ban đầu chưa tối ưu và ta cũng có thể tháo bỏ nếu như cần thay van có kích thước lớn hơn hoặc nhỏ hơn. Điều này giúp tăng cường độ chính xác và an toàn của thủ thuật này. Một số loại van còn có thể bám chặt hơn vào mô tự nhiên của cơ thể, nhờ vậy giảm thiểu nguy cơ rò rỉ do những khoảng cách nhỏ giữa van mới được cấy ghép và mô tự nhiên.
Các loại van thế hệ mới thực sự là những thành tựu đột phá với những cải tiến chóng mặt chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Việc bổ sung thêm các thiết bị bảo vệ não bộ trong kỹ thuật TAVI gần đây giúp bệnh nhân yên tâm rằng đây chính là phương pháp điều trị an toàn và khả thi cho chứng hẹp động mạch chủ.