Dr Ker Khor Jia
Bác sĩ da liễu
Nguồn: Shutterstock
Bác sĩ da liễu
Những ngày nắng đẹp là thời điểm hoàn hảo để hoạt động ngoài trời, tuy nhiên tia nắng mặt trời có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến làn da của bạn - nhất là bởi bạn tiếp xúc với tia nắng nhiều hơn mình nghĩ trong sinh hoạt hàng ngày.
Khi không được che chắn với kem chống nắng, kể cả tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian ngắn cũng có thể khiến da bạn bị tổn hại. Làn da rám nắng thực ra là một dấu hiệu sớm của thương tổn do ánh nắng, phản ánh việc lớp da ngoài cùng sẫm màu đi để ngăn chặn tia nắng mặt trời. Sử dụng kem chống nắng là điều tối quan trọng để ngăn ngừa những tổn hại sâu hơn và không thể phục hồi cho làn da.
Có thể hôm đó trời nhiều mây, bạn dự định lái xe đi làm và ở trong nhà cả ngày. Vậy bạn có cần thoa kem chống nắng không? Câu trả lời ngắn gọn là: hoàn toàn có!
Các tia UV (tia cực tím) có hại vẫn xuyên qua được lớp mây và thậm chí chiếu cả vào bên trong xe ô tô hay nhà cửa. Dù sức gây hại sẽ giảm bớt so với tiếp xúc trực tiếp, tia UV vẫn sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa của làn da.
Là một trong những phương pháp chống lão hóa sớm và các bệnh về da (như ung thư da) dễ thực hiện và tiết kiệm nhất, kem chống nắng nên trở thành một bước thiết yếu trong quy trình chăm sóc da hàng ngày của bạn. Dưới đây là những lý do giải thích:
Da chúng ta có cơ chế bảo vệ tự nhiên, nhưng không đủ để chống lại các tác động của việc phơi nắng quá độ - chẳng hạn như khi bạn đi ăn giữa trưa nắng gắt.
Phơi nắng gây hại cho da theo hai cách chính: Tia UVA (tia tử ngoại A) làm da lão hóa nhanh hơn, còn tia UVB (tia tử ngoại B) gây bỏng da. Nếu không được bảo vệ, làn da phải chịu đựng các hậu quả dài hạn như nếp nhăn, da chảy xệ, đồi mồi, da thô ráp, các mảng sắc tố nâu và da sạm màu.
Những biến chứng nghiêm trọng hơn cho sức khỏe bao gồm da phản ứng quá mẫn cảm với ánh nắng và ung thư da.
Bằng cách tạo thành rào chắn ngăn cách ánh nắng mặt trời, kem chống nắng bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV.
Có 2 dòng kem chống nắng chính: chống nắng vật lý và chống nắng hóa học. Kem chống nắng vật lý thường chứa các khoáng chất hoạt tính như kẽm oxit (zinc oxide) và titan oxit (titanium dioxide), hoạt động theo nguyên lý phản xạ và phân tán ánh sáng. Nhờ vậy, kem chống nắng vật lý đóng vai trò như tấm khiên vật lý ngăn chặn tia cực tím xâm nhập vào da.
Trong khi đó, kem chống nắng hóa học hấp thụ bức xạ cực tím, đảm bảo ánh nắng chỉ tác động tới những lớp ngoài cùng của da.
Có thể bạn đã thấy các chỉ số này trên bao bì kem chống nắng, nhưng chúng thực sự có nghĩa là gì?
SPF (chỉ số chống nắng) cho biết mức độ bảo vệ da khỏi tia UVB, còn PA (hệ số đo lường khả năng chống tia UVA) phản ánh mức độ bảo vệ khỏi tia UVA.
Nói một cách đơn giản, kem chống nắng có chỉ số SPF cao hơn sẽ bảo vệ da khỏi tia UVB tốt hơn trong thời gian dài hơn. Dù không có loại kem chống nắng nào có thể ngăn chặn hoàn toàn tia nắng mặt trời, một sản phẩm có SPF ít nhất là 30 có thể chặn đến 97% tia UVB và SPF 50 chặn đến 98%. Nếu bạn thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng, 1% đó có thể mang đến sự khác biệt lớn cho làn da về lâu dài!
Đối với tia UVA, càng nhiều ký hiệu + đằng sau chữ PA có nghĩa là mức độ bảo vệ càng cao. Nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số PA ít nhất là +++ để ngăn ngừa lão hóa sớm và ung thư da.
Đây là một sai lầm phổ biến mà hầu hết chúng ta đều mắc phải, nhưng kem làm nâu da không phải kem chống nắng!
Kem làm nâu da được thiết kế để tăng tốc quá trình sạm da, thay vì bảo vệ da. Bạn vẫn có thể sở hữu làn da nâu rám nắng khi sử dụng kem chống nắng, nhưng quá trình này sẽ chậm hơn (và an toàn hơn rất nhiều).
Một thông tin lý thú: kem chống nắng có SPF 15 hoặc thấp hơn cũng thường được xem là kem làm nâu da.
Điều quan trọng là phải chọn kem chống nắng phổ rộng, giúp bạn chống lại cả tia UVA và UVB. Xa hơn nữa, việc chọn kem chống nắng vật lý hay hóa học tùy thuộc vào tình trạng da của bạn.
Do nằm trên bề mặt da và không thẩm thấu sâu, kem chống nắng vật lý thích hợp nhất cho da dễ nổi mụn và nhạy cảm. Kem chống nắng vật lý cũng phù hợp với người bận rộn – bạn có thể thoa kem ngay trước khi ra ngoài vì không cần đợi kem ngấm vào da. Ngoài ra, kem chống nắng vật lý thường được khuyến cáo cho trẻ nhỏ. Nhìn chung, kem chống nắng vật lý bảo vệ da tốt hơn kem chống nắng hóa học.
Kem chống nắng hoá học thường thẩm mỹ hơn vì không để lại lớp dày trắng dính trên da như các loại kem chống nắng vật lý. Do đó, đây có thể là một lựa chọn phổ biến. Tuy nhiên, vì loại này hấp thụ vào da nên điều quan trọng là phải tìm được sản phẩm không làm kích ứng da bạn.
Nếu bạn có làn da nhạy cảm, hãy tìm kiếm loại kem chống nắng không chứa hương liệu và có nhãn chống dị ứng (hypo-allergenic).
Về chỉ số SPF, các chuyên gia khuyến cáo sử dụng kem chống nắng hằng ngày có SPF ít nhất là 30+ để đảm bảo sự bảo vệ đầy đủ, đặc biệt là nếu da bạn có tông màu sáng.
Quy tắc chung là thoa kem chống nắng khoảng 15 – 20 phút trước khi ra ngoài. Điều này quan trọng nhất đối với kem chống nắng hóa học, do loại này cần thời gian để được hấp thụ vào da trước khi phát huy tác dụng.
Thoa kem chống nắng không mất quá 5 phút. Đảm bảo da bạn khô trước khi thoa kem một cách thật hào phóng lên tất cả vùng da không được che chắn.
Đối với mặt và cổ, bạn cần thoa với lượng ít nhất bằng một đồng xu 500. Đừng bỏ qua tai, mu bàn tay và mu bàn chân!
Kem chống nắng cần được thoa lại thường xuyên. Bảo vệ da bằng cách làm mới lớp kem chống nắng sau mỗi 2 tiếng, hoặc mỗi tiếng một lần nếu bạn đang bơi hoặc đổ nhiều mồ hôi.
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu nếu bạn để ý điều gì bất thường trên da, hoặc gặp tình trạng kích ứng hoặc nổi mẩn đỏ khi sử dụng kem chống nắng hoặc bất kỳ sản phẩm chăm sóc da nào.