Viêm gan (A, B, C) - Triệu chứng & Nguyên nhân

Viêm gan là gì?

Viêm gan là tình trạng viêm ở gan. Nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất là do nhiễm vi-rút, nhưng bệnh cũng có thể xảy ra do gan nhiễm mỡ, lạm dụng đồ uống có cồn, hóa chất, một số loại thuốc và rối loạn miễn dịch.

Các loại viêm gan vi-rút

Có 5 loại viêm gan – viêm gan A, B, C, D và E – mỗi loại do một chủng vi-rút khác nhau gây ra, với phương thức lây truyền và độ nặng khác nhau.

Bài viết này sẽ tập trung vào viêm gan A, B và C, các loại viêm gan vi-rút thường gặp nhất.

  • Viêm gan A. Nhiễm viêm gan A là do dùng thực phẩm hoặc nước bị nhiễm bẩn, gây viêm cấp tính và sưng gan. Đây là bệnh tự giới hạn có triệu chứng kéo dài trong vài tuần. Hầu hết người nhiễm bệnh đều phục hồi hoàn toàn và trở nên miễn nhiễm suốt đời đối với viêm gan A.
  • Viêm gan B. Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng gan thường gặp nhất trên toàn thế giới. Một số người nhiễm bệnh phục hồi hoàn toàn và trở nên miễn nhiễm với bệnh, phần lớn tiến triển thành viêm gan B mạn tính, một bệnh lý lâu dài dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan (sẹo gan) và ung thư gan. Viêm gan B là bệnh đặc hữu ở Singapore và có khoảng 4% dân số mang vi-rút viêm gan B.
  • Viêm gan C. Viêm gan C là nguyên nhân gây bệnh gan mạn tính. Hầu hết người nhiễm bệnh không biết mình bị nhiễm bệnh hoặc không thể loại bỏ vi-rút ra khỏi cơ thể, dẫn đến tổn thương gan tiếp diễn. Tương tự như viêm gan B, viêm gan C có thể dẫn đến viêm gan mạn tính, xơ gan, suy gan và ung thư gan.

Triệu chứng của viêm gan vi-rút là gì?

Một số người nhiễm bệnh không có triệu chứng, nghĩa là không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Đối với những người khác, các triệu chứng chung của viêm gan có thể bao gồm bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Đau bụng hoặc khó chịu
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Giảm cảm giác thèm ăn
  • Sốt
  • Vàng da (màu da và mắt chuyển vàng)
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn và chóng mặt
  • Phù nề (sưng do tích nước)
  • Phân nhạt màu

Tùy vào loại nhiễm trùng do vi-rút và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, triệu chứng viêm gan có thể là cấp tính (phát bệnh đột ngột và tự khỏi trong vòng vài tuần đến vài tháng) hoặc mạn tính (có triệu chứng khó phát hiện hơn, kéo dài và gây tổn thương gan tiến triển).

Nguyên nhân gây viêm gan vi-rút là gì?

Tùy vào loại viêm gan có các đường lây truyền khác nhau:

Viêm gan A

Vi-rút viêm gan A (HAV) thường có trong thực phẩm và lây truyền qua:

  • Ăn động vật có vỏ sống ở vùng nước bị nhiểm bẩn do nước thải
  • Tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, đồ uống hoặc các vật bị nhiễm vi-rút từ người nhiễm bệnh
  • Đường lây truyền “phân-miệng” ở những vùng kém vệ sinh
  • Tiếp xúc với máu, sử dụng chất gây nghiện hoặc quan hệ tình dục với người nhiễm bệnh

Viêm gan B

Vi-rút viêm gan B (HBV) thường lây truyền qua đường máu, tinh dịch và dịch tiết âm đạo. Có thể bị nhiễm viêm gan B theo các đường sau:

  • Trong quá trình sinh con, từ người mẹ mang thai bị nhiễm bệnh sang em bé sơ sinh
  • Quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm bệnh hoặc nhiều bạn tình
  • Người dùng chất gây nghiện dùng chung kim tiêm hoặc ống tiêm bị nhiễm vi-rút
  • Các hoạt động khác liên quan đến việc máu bị nhiễm vi-rút xâm nhập vào máu của người dễ mắc bệnh (ví dụ: vết cắt do tai nạn, châm cứu hoặc xỏ khuyên trên cơ thể)

Viêm gan C

Vi-rút viêm gan C (HCV) cũng lây truyền qua đường máu, có nghĩa là bệnh lây truyền khi một người tiếp xúc với máu hoặc dịch tiết cơ thể khi quan hệ tình dục của người nhiễm bệnh. Bệnh có thể xảy ra do:

  • Người dùng chất gây nghiện dùng chung kim tiêm, ống tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích khác bị nhiễm vi-rút
  • Dùng dụng cụ xăm, xỏ khuyên trên cơ thể hoặc dụng cụ cạo tỉa cá nhân bị nhiễm vi-rút
  • Quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai với người nhiễm bệnh
  • Sinh con, từ người mẹ bị nhiễm bệnh sang trẻ sơ sinh

Những yếu tố nào gây nguy cơ viêm gan vi-rút?

Một số yếu tố nguy cơ liên quan đến môi trường và hành vi làm gia tăng nguy cơ bị viêm gan. Bạn có nguy cơ bị viêm gan vi-rút cao hơn nếu bạn:

  • Dùng thuốc tiêm tĩnh mạch
  • Dùng chung kim tiêm, dụng cụ xỏ khuyên trên cơ thể hoặc dụng cụ cạo tỉa cá nhân bị nhiễm vi-rút với người nhiễm bệnh
  • Thực hiện quan hệ tình dục không an toàn (ví dụ: quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp tránh thai hoặc có nhiều bạn tình)
  • Sinh sống tại hoặc đi đến các khu vực kém vệ sinh (ví dụ: ăn sống động vật có vỏ, dùng nước chưa qua xử lý hoặc thực phẩm bị nhiễm bẩn)
  • Thực hành vệ sinh kém (ví dụ: không rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã)
  • Tiếp xúc với dụng cụ y tế bị nhiễm vi-rút do không được khử trùng đúng cách

Các biến chứng và bệnh liên quan của viêm gan vi-rút là gì?

Nếu viêm gan không được điều trị và trở thành viêm gan mạn tính, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Hoại tử gan (tổn thương và chết tế bào gan khỏe mạnh)
  • Xơ hóa gan (giảm chức năng gan do tích tụ mô sẹo) hoặc xơ gan (sẹo gan lan rộng)
  • Suy gan
  • Ung thư gan
  • Tăng áp tĩnh mạch cửa
  • Nôn hoặc đại tiện ra máu
  • Tích nước
  • Vàng da
  • Nguy cơ nhiễm khuẩn cao hơn

Làm thế nào để phòng ngừa viêm gan vi-rút?

Có thể phòng ngừa viêm gan A và B bằng cách tiêm vắc-xin.

Bạn cũng có thể giảm nguy cơ bị viêm gan vi-rút bằng cách thực hiện theo các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Thực hành tốt vệ sinh cá nhân (ví dụ: rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước)
  • Dùng bao cao su khi quan hệ tình dục (nếu bạn không chắc bạn tình có bị nhiễm viêm gan B hoặc C hay không, hoặc nếu bạn có nhiều bạn tình)
  • Tránh dùng thuốc tiêm tĩnh mạch
  • Tránh dùng chung kim tiêm hoặc vật dụng cá nhân với người nhiễm bệnh
  • Thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn khi xăm hình, xỏ khuyên trên cơ thể hoặc châm cứu
  • Chỉ dùng nước đun sôi hoặc nước sạch đóng chai và thực phẩm được chế biến an toàn khi đi đến khu vực có điều kiện vệ sinh kém
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

 

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777