Không có bất kỳ xét nghiệm đơn lẻ nào có thể chẩn đoán bệnh Crohn do tình trạng này có nhiều triệu chứng giống như các triệu chứng của các bệnh trạng khác. Do đó, để chẩn đoán bệnh Crohn, bác sĩ cần thu thập thông tin từ nhiều nguồn. Để loại trừ các bệnh trạng khác, đưa ra chẩn đoán đúng và xác định chính xác vùng bị ảnh hưởng, bác sĩ có thể sử dụng kết hợp các phương pháp sau:
Khám thực thể và hỏi bệnh sử
Bác sĩ sẽ tiến hành khám thực thể và thu thập thông tin về sức khỏe của bản thân người bệnh và tiền sử sức khỏe gia đình. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ tìm hiểu về các triệu chứng nêu trên.
Xét nghiệm
Bác sĩ có thể yêu cầu làm các xét nghiệm máu để phát hiện các vấn đề có thể liên quan đến bệnh Crohn. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:
Các xét nghiệm kháng thể: Những xét nghiệm kháng thể dưới đây giúp bác sĩ xác định bệnh nhân có bị bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng hay không:
Xét nghiệm kháng thể kháng Saccharomyces cerevisiae (ASCA): Những người mang loại protein này có nhiều khả năng bị bệnh Crohn hơn.
Xét nghiệm kháng thể kháng tế bào chất chống bạch cầu trung tính (pANCA): Những người có protein này dễ bị viêm loét đại tràng, là một dạng khác của bệnh viêm ruột, chỉ ảnh hưởng đến đại tràng.
Tổng phân tích tế bào máu (CBC): Xét nghiệm này giúp kiểm tra tình trạng thiếu máu (số lượng tế bào hồng cầu thấp) và nhiễm trùng.
Protein phản ứng C: Xét nghiệm này tìm kiếm protein phản ứng C, là dấu hiệu của chứng viêm.
Xét nghiệm chất điện giải: nếu người bệnh bị tiêu chảy liên quan đến Crohn, cơ thể có thể thiếu các khoáng chất như kali.
Xét nghiệm máu lắng: Xét nghiệm này giúp đánh giá mức độ viêm bằng cách đo khoảng thời gian cần thiết để máu lắng xuống đáy của một chiếc ống chuyên dụng.
Xét nghiệm nồng độ sắt và B12: Các giá trị này có thể thấp hơn nếu ruột non không hấp thụ được chất dinh dưỡng như bình thường.
Chức năng gan: Bệnh Crohn có thể ảnh hưởng đến gan và ống mật.
Chẩn đoán hình ảnh và nội soi
Bệnh Crohn có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào của đường tiêu hóa, từ miệng đến trực tràng. Do đó, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh và nội soi sau đây có thể giúp xác định mức độ nghiêm trọng và vị trí của bệnh Crohn.
Chụp X-quang bari: Chụp X-quang có thể cho biết vị trí bị ảnh hưởng bởi bệnh Crohn và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Qua đây bác sĩ có thể nhìn thấy vết loét, vùng ruột bị thu hẹp, kết nối bất thường giữa các cơ quan, được gọi là lỗ rò hoặc các vấn đề khác. Phương pháp này đặc biệt hữu ích cho việc tìm kiếm bất kỳ vấn đề nào ở các bộ phận của ruột non nơi mà các kỹ thuật khác không thể dễ dàng tiếp cận được.
Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI đang được ứng dụng nhiều hơn trong chẩn đoán bệnh Crohn. Phương pháp này cung cấp cho bác sĩ hình ảnh rõ ràng về các cơ quan bên trong cơ thể, mà không khiến bệnh nhân bị phơi nhiễm bức xạ. MRI giúp bác sĩ quan sát ruột non và phát hiện áp xe hậu môn (vết loét đầy mủ) hoặc lỗ rò (đường rò hình thành giữa áp xe và một trong các tuyến hậu môn của người bệnh).
Nội soi ruột hỗ trợ bằng bóng: Chiều dài ruột non ước tính khoảng 6,7m, cuộn tròn và nằm chồng lên nhau. Do đó phương pháp nội soi này sẽ giúp các bác sĩ kiểm tra dễ dàng hơn. Để thực hiện thủ thuật này, bác sĩ sử dụng một ống mềm đặc biệt gọi là ống nội soi, có gắn một camera nhỏ ở đầu. Phía sau camera có gắn một hoặc hai quả bóng bay, sẽ được bơm phồng và làm xẹp để di chuyển ống nội soi qua từng đoạn ruột giúp bác sĩ quan sát kỹ lưỡng.
Nội soi đại tràng hoặc nội soi đại tràng sigma: Hai kỹ thuật này thường cho thông tin chính xác nhất về ruột và đặc biệt hiệu quả hơn so với các kỹ thuật khác trong việc tìm kiếm các vết loét hoặc viêm nhỏ. Để thực hiện thủ thuật này, một ống nội soi mềm được đưa vào qua hậu môn, hướng lên đại trạng. Hình ảnh bên trong ruột thường được chiếu lên màn hình video. Kỹ thuật này cho phép kiểm tra ruột già và thường là phần cuối của ruột non, nơi thường xuyên bị ảnh hưởng bởi Crohn, giúp phát hiện các dấu hiệu viêm, loét hoặc chảy máu. Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể lấy các mẫu mô nhỏ để kiểm tra dưới kính hiển vi (sinh thiết). Điều này giúp xác định xem mô có dấu hiệu của bệnh Crohn hoặc các vấn đề khác hay không.
Nội soi viên nang video: Bệnh nhân được nuốt một viên nang nhỏ hoặc viên thuốc có chứa một máy quay video thu nhỏ. Khi viên thuốc di chuyển qua ruột non, camera sẽ ghi lại và gửi hình ảnh của lớp niêm mạc đến một thiết bị thu nhận đeo trên thắt lưng quanh eo bệnh nhân. Bác sĩ tải hình ảnh xuống và xem lại trên máy tính. Các hình ảnh thu được có thể cung cấp thông tin chi tiết về các vấn đề sớm, nhẹ liên quan đến bệnh Crohn.
Điều trị bệnh viêm ruột như thế nào?
Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp nào có thể điều trị dứt điểm bệnh viêm ruột. Các phương pháp điều trị hiện có giúp ngăn chặn các triệu chứng và kiểm soát biến chứng bao gồm:
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa (dùng thuốc) là lựa chọn hàng đầu của các bác sĩ để điều trị bệnh Crohn. Thuốc giúp làm giảm phản ứng viêm của cơ thể, ngăn chặn các triệu chứng của bệnh và cho ruột có thời gian để nghỉ ngơi. Một số loại thuốc phổ biến bao gồm:
Thuốc kháng sinh: giúp ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng.
Chế phẩm sinh học: bao gồm các kháng thể đơn dòng giúp ngăn chặn phản ứng miễn dịch.
Cho ruột nghỉ ngơi: Để cho ruột có cơ hội lành lại, bác sĩ có thể khuyến cáo bệnh nhân nên nhịn ăn hoặc uống trong vài ngày hoặc lâu hơn. Trong thời gian này, các dinh dưỡng cần thiết sẽ được tiêm truyền qua đường tĩnh mạch (đường tiêm).
Corticosteroid: Cortisone, prednisone và các corticosteroid khác làm dịu tình trạng viêm do bệnh tự miễn dịch gây ra.
Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) không chữa khỏi bệnh Crohn nhưng có thể điều trị các biến chứng. Bệnh nhân có thể cần phẫu thuật để xử lý các lỗ thủng ruột, tắc nghẽn, áp xe hoặc xuất huyết. Các phương pháp phẫu thuật hiện có bao gồm:
Cắt bỏ ruột: Bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ các phần bị hư hại của ruột non hoặc ruột già, sau đó nối hai đầu lành lại.
Cắt bỏ đại trực tràng hoặc cắt bỏ đại tràng: Thủ thuật này sẽ làm thay đổi đường đi của đường tiêu hóa để chất thải có thể di chuyển và được thải ra ngoài cơ thể. Trong phẫu thuật cắt bỏ đại trực tràng, chất thải được chuyển hướng sang một túi hậu môn ở bên ngoài cơ thể. Trong phẫu thuật cắt bỏ đại tràng, chất thải di chuyển từ phần dưới của ruột non đến thẳng hậu môn.
Loại bỏ lỗ rò: Bác sĩ phẫu thuật có thể đóng lỗ rò bằng nút hoặc keo y tế.
Chế độ ăn và dinh dưỡng
Song song với dùng thuốc và phẫu thuật, người bệnh cũng cần lưu ý chế độ ăn uống và dinh dưỡng. Tuy không có chế độ ăn nào dành riêng cho bệnh nhân mắc bệnh Crohn, nhưng nhìn chung, người bệnh nên hạn chế các đồ ăn nhiều đường, chất béo, lactose (một loại protein trong các sản phẩm từ sữa) hoặc đồ cay nóng. Ngoài ra, các lưu ý dưới đây cũng có thể hữu ích cho người bệnh:
Ăn bốn đến sáu bữa ăn nhỏ một ngày thay vì hai đến ba bữa ăn no.
Uống đủ nước để giữ nước tiểu trong hoặc có màu vàng nhạt.
Sử dụng các phương pháp chế biến thực phẩm đơn giản như luộc, chần, hấp.
Đau bụng, táo bón, tiêu chảy dai dẳng hoặc phân có máu? Một bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nói về những gì có thể đang xảy ra bên trong đường ruột của bạn