Mặc dù sữa mẹ hoặc sữa công thức sẽ cung cấp cho bé chất dinh dưỡng cần thiết trong năm đầu tiên, nhưng khi bé được khoảng 6 tháng tuổi trở lên, việc cai sữa bằng thức ăn đặc sẽ bổ sung thêm các chất dinh dưỡng thiết yếu bao gồm vitamin và khoáng chất để hỗ trợ bé phát triển khỏe mạnh và phát triển vị giác.
Cai sữa truyền thống cho bé là gì?
Cai sữa truyền thống cho bé hoặc cai sữa bằng thìa là phương pháp mà bạn cho bé ăn bằng thìa và dần dần giới thiệu cho bé nhiều loại thức ăn đặc hơn.
Cai sữa thường bắt đầu với món xay nhuyễn mịn, trước khi chuyển sang món ăn nghiền và thái nhỏ, sau đó là món ăn bốc tay (finger foods) và cuối cùng là những miếng nhỏ.
Lợi ích của việc cai sữa truyền thống
Một số lợi ích của việc cai sữa truyền thống bao gồm:
- Dễ dàng theo dõi. Bạn có thể dễ dàng theo dõi lượng thức ăn bé đã ăn dựa trên lượng chuẩn bị và lượng còn thừa do bạn là người cho bé ăn.
- Ít bừa bộn. Việc cho ăn sẽ ít bừa bộn hơn vì bé không chạm vào hoặc tự cầm thức ăn. Do đó, khả năng thức ăn bị rơi vãi hoặc dính vào quần áo của trẻ sẽ thấp hơn rất nhiều.
- Dễ dàng xác định dị ứng thực phẩm. Vì việc cai sữa truyền thống thường liên quan đến việc giới thiệu từng loại thực phẩm một, nên sẽ dễ dàng xác định dị ứng thực phẩm hơn.
- Ít có xu hướng bị nghẹn. Hầu hết các bậc cha mẹ cảm thấy tự tin hơn rằng bé sẽ không bị nghẹn khi áp dụng phương pháp cai sữa truyền thống.
Khi nào nên bắt đầu cai sữa cho bé: Mốc 6 tháng
Các bác sĩ nhi khoa thường khuyên bạn nên bắt đầu cung cấp thức ăn đặc khi bé được 6 tháng tuổi. Một số trẻ sơ sinh có thể đã sẵn sàng từ 4 tháng tuổi. Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng 4 – 6 tháng là khoảng thời gian tối ưu nhất để giảm khả năng bé bị dị ứng thực phẩm, nhưng bạn cũng cần chú ý các dấu hiệu sau đây để biết bé có thể ăn được thức ăn đặc hay không:
- Bé có thể ngẩng cao đầu
- Bé có thể ngồi vững với sự hỗ trợ của ghế cao dành cho trẻ em
- Bé tỏ ra thích thú với giờ ăn và thức ăn
- Bé có thể đẩy thức ăn vào phía sau của lưỡi để nuốt
Nếu bạn không chắc bé đã sẵn sàng hay chưa, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ.
Cách bắt đầu cai sữa cho trẻ: Thức ăn đặc và thức ăn xay nhuyễn đầu tiên
Khi bắt đầu chuẩn bị thức ăn cho bé, điều quan trọng là ít nhất trong vài tuần đầu, thức ăn phải được xay nhuyễn và mịn, vì bé sẽ chưa thể nhai được bất cứ thứ gì cứng. Một số loại thực phẩm đầu tiên phù hợp là:
- Ngũ cốc đơn hạt, bổ sung chất sắt, được trộn với sữa mẹ hoặc sữa công thức
- Thịt xay nhuyễn, cá và gia cầm, hoặc đậu phụ và đậu lăng xay nhuyễn
- Hoa quả xay nhuyễn, chẳng hạn như chuối, lê, táo, xoài và mận khô. Để chế biến, hãy luộc hoặc hấp đến khi mềm, lọc và sau đó nghiền thành hỗn hợp mịn. Bạn có thể sử dụng máy xay sinh tố và thêm một ít sữa mẹ nếu muốn
- Rau xay nhuyễn, chẳng hạn như cà rốt, khoai tây, khoai lang, bơ hoặc bí đỏ. Hãy chế biến các món này giống như hoa quả xay nhuyễn
Do kết cấu mềm của những loại thực phẩm này, bạn có thể dùng thìa cho bé ăn khi chúng học cảm giác nuốt thức ăn rắn. Hãy thử nhiều loại thực phẩm khác nhau, xem liệu có gì đó bé nhà bạn thực sự thích không. Đây là khoảng thời gian thử nghiệm vui vẻ, vì vậy đừng nản lòng nếu bé nhè ra những gì bạn làm cho bé. Bé đang học mọi lúc, và chúng có thể nhận ra là thích loại thức ăn đó nếu bạn thử lại vào một ngày khác.
Thức ăn phù hợp với trẻ từ 8 đến 12 tháng tuổi
Khi bé đã thành thạo trong việc ăn các món xay nhuyễn, bạn có thể bắt đầu thêm kết cấu và độ lumpy (sần, có những cục nhỏ) vào thức ăn của bé. Đến 8 tháng tuổi, bé có thể ăn:
- Nhiều loại trái cây và rau củ nghiền
- Thịt và cá cắt miếng nhỏ
- Đậu, cần được nghiền nếu hạt to
- Trứng và một số sản phẩm từ sữa, bao gồm sữa chua
Bạn cũng có thể cho bé thử nhiều loại finger food (món ăn bốc tay) ở giai đoạn này. Bé sẽ thích chơi với các hình dạng và kết cấu khác nhau của thức ăn mà bạn cho bé, đồng thời trẻ sẽ phát triển các kỹ năng vận động tinh khi luyện tập tự nhặt và ăn thức ăn. Bắt đầu với:
- Những miếng nhỏ hoa quả mềm
- Cà rốt cắt miếng đã được làm mềm
- Miếng mì ống đã nấu chín
- Ngũ cốc hoặc ngũ cốc ăn liền cho bé
- Bánh ăn dặm
Đến khoảng 10 – 12 tháng tuổi, bé có thể thử ăn hầu hết các thực phẩm mà bạn đang ăn. Bạn chỉ cần đảm bảo là cắt thức ăn đúng cách để bé có thể nhai và nuốt an toàn.
Khi bạn và bé trở nên tự tin hơn với quá trình cai sữa, bạn có thể luôn giới thiệu những loại thức ăn mới. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn không bao giờ cho bé ăn bất cứ thứ gì có thể gây nguy cơ nghẹn đáng kể, chẳng hạn như nho, cà chua bi hoặc xúc xích, trừ khi bạn đã cắt chúng thành những miếng rất nhỏ. Bạn cũng nên tránh cho bé ăn mật ong cho đến khi bé được ít nhất 1 tuổi, vì mật ong có nguy cơ gây ngộ độc ở trẻ sơ sinh, có thể rất nghiêm trọng.
Các mục tiêu của quá trình cai sữa
Hãy cố gắng đừng nản lòng trong quá trình cai sữa. Đây nên là khoảng thời gian đặc biệt và thú vị để bạn và bé tận hưởng. Ngay cả khi bé từ chối thức ăn, thì đó cũng là một phần của hành trình học hỏi. Nếu bạn lo lắng về việc bắt đầu giới thiệu thức ăn hoặc cách bé xử lý thức ăn đặc, bạn có thể gặp bác sĩ nhi khoa để được tư vấn phù hợp với con mình.
Trong khi bạn đang cai sữa cho bé
- Tiếp tục cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. Đây sẽ là nguồn cung cấp calo và chất dinh dưỡng chính cho bé cho đến ngày sinh nhật đầu tiên của bé, và nếu bạn loại bỏ nó quá sớm, bé sẽ có nguy cơ bị thiếu chất dinh dưỡng và chậm phát triển.
- Tránh cho bé uống sữa bò cho đến khi bé được 1 tuổi. Chỉ có sữa mẹ và sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh là được khuyến nghị cho đến lúc đó.
- Bé không cần uống nước trước 6 tháng tuổi và thậm chí khi bắt đầu ăn thức ăn rắn, bé cũng sẽ không cần nhiều nước. Trẻ sẽ lấy phần lớn lượng nước cần thiết từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Bạn có thể cho bé uống một lượng nhỏ nước trong cốc tập uống nước vào các bữa ăn, nhưng không nên cho con uống quá nhiều cho đến khi trẻ cai sữa hoàn toàn.
- Đừng tránh cho bé ăn những thực phẩm thường gây dị ứng, chỉ cần theo dõi bé kỹ vài lần đầu tiên bé thử những thực phẩm này. Điều quan trọng là giới thiệu lần lượt từng loại thực phẩm mới và chờ 3 – 5 ngày để quan sát các phản ứng dị ứng như phát ban, khó thở, tiêu chảy hoặc nôn mửa. Các loại thực phẩm cần theo dõi sát sao bao gồm đậu phộng và các loại hạt khác, trứng và hải sản có vỏ. Nếu bạn nghi ngờ bé đang bị dị ứng với thứ gì đó bé ăn, hãy đưa bé đến Trung tâm Chăm sóc Khẩn cấp (UCC). Bạn có thể làm việc với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xác định chất gây dị ứng thực phẩm cụ thể.
Các chất dinh dưỡng thiết yếu trong chế độ ăn của bé
Khi bé ăn nhiều thức ăn rắn hơn và quá trình cai sữa sắp kết thúc, điều quan trọng là phải đảm bảo bé có được chế độ ăn uống cân bằng, đặc biệt là khi lượng sữa mẹ hoặc sữa công thức bé uống giảm dần.
Các chất dinh dưỡng quan trọng cần bao gồm trong chế độ ăn của bé là:
- Sắt: vì mức sắt sẽ bị cạn kiệt trong những tháng sau khi bé chào đời. Một số thực phẩm giàu chất sắt bao gồm thịt, rau lá xanh như rau bina và ngũ cốc tăng cường.
- Kẽm: sẽ tăng cường khả năng miễn dịch của bé. Hãy thêm phô mai, đậu xanh, đậu lăng và thịt đỏ vào chế độ ăn của bé.
- Chất xơ: hỗ trợ tiêu hóa khỏe mạnh. Mận khô, lê, mận và bột yến mạch đều là những thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao.
- Canxi: giúp bé xây dựng hệ xương chắc khỏe. Thêm sữa chua, phô mai cứng, phô mai tươi và bông cải xanh vào bữa ăn của bé. Đảm bảo bất kỳ loại phô mai nào bạn cung cấp đều được tiệt trùng.
- Protein: để giúp bé phát triển toàn diện. Thịt nạc như gà, cá và bơ đậu phộng đều là những nguồn tốt.
Giai đoạn cuối cùng của quá trình cai sữa
Khi bé tròn 1 tuổi, bạn có thể chọn ngừng cho con bú sữa mẹ hoặc sữa công thức hoàn toàn. Nếu bạn muốn tiếp tục cho con bú, thì bạn sẽ cho bé thêm khả năng miễn dịch và chất dinh dưỡng miễn là bạn muốn tiếp tục. Khi bạn ngừng cho con bú, bé sẽ có ba bữa ăn chính mỗi ngày, với các bữa ăn nhẹ ở giữa. Khi bé tự tin hơn với thức ăn đặc, bạn có thể cho bé một chiếc thìa và một chiếc dĩa để luyện tập và chẳng mấy chốc, bé sẽ tự điều hành các bữa ăn của mình.
Cai sữa do bé chủ động (baby-led weaning) là gì?
Cai sữa do bé chủ động là một phương pháp thay thế cho cách giới thiệu thức ăn đặc truyền thống cho trẻ sơ sinh đã trở nên phổ biến trong 20 năm qua.
Phương pháp này khuyến khích trẻ sơ sinh tự ăn từ 6 tháng tuổi, thay vì cho ăn bằng thìa theo cách thông thường.
Các đặc điểm chính của cai sữa do bé chủ động là:
- Trẻ sơ sinh tham gia vào các bữa ăn của gia đình
- Cung cấp thực phẩm dạng miếng nguyên chiếc (cỡ nắm tay của bé) ngay từ đầu giai đoạn cai sữa vào khoảng 6 tháng tuổi và trẻ sơ sinh tự ăn.
Lợi ích của cai sữa do bé chủ động
Có một số lợi ích có thể thu được từ cách tiếp cận cai sữa do bé chủ động:
- Thói quen ăn uống tốt. Phương pháp cai sữa do bé chủ động cho phép bé tự chọn những gì và lượng thức ăn bé muốn, khiến chúng trở thành người chủ động trong quá trình ăn. Nghiên cứu cho thấy rằng điều này giúp bé nhận biết rõ hơn cảm giác đói và no, đồng thời thúc đẩy các hành vi ăn uống lành mạnh hơn trong cuộc sống sau này.
- Ngăn ngừa tăng cân quá mức. Khi bé tham gia nhiều hơn vào quá trình ăn và tự ăn, các chuyên gia tin rằng điều này có thể bảo vệ bé khỏi việc tăng cân quá mức sau này. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ được cai sữa theo phương pháp cai sữa do bé chủ động có nhiều khả năng đạt cân nặng bình thường hơn những trẻ được cai sữa bằng thìa.
- Giảm kén ăn. Có bằng chứng cho thấy rằng cai sữa do bé chủ động làm giảm bớt các hành vi ăn uống kén chọn và thúc đẩy việc trẻ chấp nhận nhiều loại thực phẩm hơn, vì trẻ được giới thiệu nhiều hương vị và kết cấu khác nhau từ sớm.
- Dễ thực hiện. Những người thực hành cai sữa do bé chủ động thường nói rằng cách tiếp cận này rất dễ thực hiện vì không cần chuẩn bị hoặc mua thức ăn xay nhuyễn. Họ chỉ đơn giản là cho bé ăn các phiên bản phù hợp của bữa ăn gia đình.
Những thực phẩm đầu tiên cho bé tập ăn
Một số lựa chọn tuyệt vời cho những thực phẩm đầu tiên an toàn dành cho phương pháp cai sữa do bé chủ động bao gồm:
- Bơ nghiền
- Khoai lang nấu chín kỹ, cắt thành miếng cỡ ngón tay hoặc nghiền nhuyễn
- Các loại rau nấu chín, chẳng hạn như đậu Hà Lan, cà rốt, khoai tây và bông cải xanh cắt thành miếng cỡ ngón tay hoặc nghiền nhuyễn
- Thịt và thịt gia cầm mềm, nấu chín kỹ, tốt nhất là loại hữu cơ, phục vụ dưới dạng miếng hình vuông hoặc lát mỏng
- Đậu xanh nấu chín kỹ, có thể để nguyên hạt và ấn bẹt giữa các ngón tay của bạn hoặc nghiền nhuyễn
Có nên ngừng cho con bú không?
Khi bắt đầu cai sữa do bé chủ động, việc cho con bú sẽ tiếp tục cung cấp phần lớn lượng calo mà bé cần. Khi lượng thức ăn đặc mà con bạn tăng lên, lượng sữa mẹ cũng sẽ giảm dần.