Dr Liew Kay Choon Reginald
Bác Sĩ Nội Tim Mạch
Nguồn: Shutterstock
Bác Sĩ Nội Tim Mạch
Với phần lớn dân số được tiêm phòng COVID-19, Singapore đang dần chuyển sang giai đoạn sống chung với virus COVID-19. Đó là một "trạng thái bình thường mới" - COVID-19 được coi là một bệnh đặc hữu, tương tự như các bệnh cúm mùa thông thường. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là đối với những người có bệnh lý nền.
Bác sĩ Reginald Liew, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Mount Elizabeth, trình bày chi tiết cách COVID-19 có thể ảnh hưởng đến bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, và những gì có thể làm để kiểm soát rủi ro.
COVID-19, căn bệnh gây ra bởi virus corona SARS-CoV-2, có thể ảnh hưởng đến cơ tim và mạch máu, dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim (arrhythmias) và hình thành huyết khối (cục máu đông).
Bệnh nhân mắc sẵn bệnh tim mạch có nguy cơ cao bị biến chứng tim nặng và có thể chịu hậu quả tiêu cực nếu họ nhiễm COVID-19, vì chức năng cơ tim của những bệnh nhân này đã có thể bị suy yếu hoặc tổn thương. Bất kỳ tình trạng tắc nghẽn mạch máu nào trước đó cũng có thể làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim đột ngột do nhiễm trùng và viêm.
Ngoài ra, nhiều bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch nền cũng thường có chứng huyết áp cao. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ảnh hưởng của COVID-19 ở bệnh nhân tăng huyết áp có xu hướng nghiêm trọng hơn và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn so với những người không mắc chứng huyết áp cao.
Bệnh nhân có vấn đề tim mạch sẵn cũng có thể trải qua tình trạng xấu đi các triệu chứng như đau ngực, tim đập nhanh và khó thở nếu họ nhiễm COVID-19. Những rủi ro này khiến họ cần chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện, và mang khả năng mắc bệnh nghiêm trọng - thậm chí tử vong - cao hơn.
Những bệnh nhân COVID-19 có xu hướng hồi phục tốt hơn và gặp các triệu chứng nhẹ thường là các cá nhân trẻ tuổi, khoẻ mạnh và không mắc các bệnh mãn tính nào. Thật không may, bệnh nhân tim mạch lại thường lớn tuổi và có nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì và bệnh thận - tất cả những yếu tố đẩy họ vào nhóm nguy cơ cao.
Họ cũng có thể có chức năng cơ tim suy yếu hoặc mắc sẵn các bệnh về mạch máu, đi kèm với sức chống lại nhiễm trùng và khả năng vượt qua các biến chứng giảm sút. Tất cả những điều này làm gia tăng mức độ nguy hiểm cho bệnh nhân tim mạch khi họ nhiễm COVID-19.
Bệnh nhân mắc các bệnh tăng huyết áp, suy tim, các bệnh cơ tim, bệnh động mạch vành (với các mảng xơ vữa động mạch tiềm ẩn trong mạch máu tim) và bệnh tim bẩm sinh tím có xu hướng dễ gặp nguy cơ hơn nếu họ nhiễm COVID-19.
Tiêm phòng vaccine COVID-19 giúp giảm đáng kể nguy cơ gặp phải các hậu quả y tế nghiêm trọng, chẳng hạn như diễn tiến bệnh nặng, nhập viện, tử vong và cần chăm sóc đặc biệt nếu họ chẳng may mắc bệnh.
Những cá nhân được tiêm phòng sẽ có thể phát triển khả năng miễn dịch, thường dẫn đến dạng viêm nhiễm với triệu chứng nhẹ hơn. Ngoài ra, một số dữ liệu cho thấy khả năng lây truyền của virus corona SARS-CoV-2 có thể giảm ở những người đã được tiêm phòng, mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận điều này.
Tôi đặc biệt khuyến cáo các bệnh nhân tim mạch, kể cả những người có các yếu tố nguy cơ như tiểu đường và tăng huyết áp, nên tiêm vaccine COVID-19 vì họ có rủi ro cao hơn trong việc đối mặt với các kết cục tiêu cực (bao gồm cả cần chăm sóc đặc biệt hoặc tử vong) nếu họ nhiễm phải virus.
Một số người gặp phải tác dụng phụ nhẹ từ vaccine, chẳng hạn như sốt nhẹ, đau và đỏ vùng tiêm, mệt mỏi, đau cơ và đau đầu. Tuy nhiên, các hiện tượng này thường ngắn hạn và tự khỏi trong vòng vài ngày. Không có bằng chứng cho thấy bệnh nhân tim có nguy cơ gặp phải nhiều tác dụng phụ hơn so với những người khác.
Các trường hợp viêm cơ tim (myocarditis) và viêm màng ngoài tim (pericarditis) hiếm gặp được cho là liên quan đến vaccine COVID-19 dạng mRNA, chủ yếu xảy ra ở các cá nhân trẻ tuổi (phần lớn là nam giới dưới 30 tuổi) không mắc sẵn bệnh tim.
Bệnh nhân nên lưu ý đến sự gia tăng triệu chứng thường gặp như nhịp tim tăng hay loạn nhịp (palpitations), khó thở, đau ngực, mệt mỏi tăng cao nếu họ nhiễm COVID-19.
Đôi khi bệnh nhân có thể phát triển các triệu chứng mới mà họ chưa từng trải qua - cũng ẩn chứa nguy cơ và cần được chăm sóc y tế kịp thời.
Ví dụ, COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong chân, thứ có thể di chuyển và mắc lại ở mạch máu phổi, gây ra đau ngực, thở gấp đột ngột hoặc ngất xỉu. Do đó, bệnh nhân phát hiện thấy chân bị sưng (đặc biệt là chỉ sưng một bên) hoặc khó thở đột ngột nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Họ cũng có thể nhận thấy chỉ số oxy giảm đi rõ rệt trên máy đo SpO2 (bất kỳ chỉ số nào dưới 92% đều được xem là nghiêm trọng) và đây có thể là một dấu hiệu chứng tỏ chức năng phổi suy giảm, có dịch trong phổi hoặc tắc mạch máu phổi. Khi đó bệnh nhân cũng cần được chăm sóc y tế cấp cứu.
Điều quan trọng là bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch cần tiếp tục sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và tìm kiếm sự hỗ trợ y tế ngay lập tức nếu họ cảm thấy các triệu chứng tim mạch nặng hơn hoặc xuất hiện các triệu chứng mới.
Giữ gìn sức khỏe ở mức tốt nhất có thể, bao gồm ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc cũng như giảm các yếu tố gây căng thẳng, có thể giúp giảm nguy cơ xảy ra các kết cục tiêu cực nếu họ lỡ nhiễm COVID-19. Tất nhiên, tốt nhất là tránh nhiễm COVID-19 ngay từ đầu, vì vậy, những biện pháp đề phòng như tránh nơi đông người, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách - đặc biệt là đối với bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ cao - vẫn đóng vai trò quan trọng.
Điều cực kỳ quan trọng là bệnh nhân cần tiếp tục đi khám bác sĩ định kỳ và cố gắng không bỏ lỡ các buổi hẹn đã lên lịch. Bác sĩ có thể phát hiện các trường hợp bệnh tim nặng thêm, từ đó kịp thời điều chỉnh phác đồ điều trị để giảm rủi ro cho bệnh nhân. Bệnh nhân cần đi khám bác sĩ sớm hơn nếu phát hiện các triệu chứng mới, hoặc triệu chứng sẵn có trở nặng.
Nếu bệnh nhân không thể tham gia khám trực tiếp, hoặc lo ngại đến bệnh viện/phòng khám trong thời điểm này, họ có thể trao đổi với bác sĩ về dịch vụ tư vấn y tế từ xa (tele-consultation). Sau đó, bác sĩ có thể quyết định liệu hình thức này có phù hợp hay bệnh nhân vẫn cần phải khám trực tiếp tại phòng mạch.
Trong bối cảnh COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu tại Singapore và trên toàn thế giới, những người có nguy cơ cao nhất - bao gồm người cao tuổi và những người có sẵn bệnh tim mạch - cần tiếp tục cảnh giác và thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm tỷ lệ bị nhiễm bệnh. Những bệnh nhân phù hợp nên tiêm phòng vaccine COVID-19 để giảm nguy cơ đối mặt với kết cục xấu hơn nếu họ chẳng may mắc bệnh.
Lời khuyên của tôi bao gồm:
COVID-19 ảnh hưởng đến mỗi người khác nhau. Hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu bạn gặp các triệu chứng kéo dài như khó thở và đau tức ngực.
Dịch vụ đánh giá tình trạng sau khi mắc COVID-19 của chúng tôi bao gồm các xét nghiệm chẩn đoán và tư vấn chuyên sâu để hỗ trợ quá trình hồi phục của bạn. Liên hệ với chúng tôi để tìm hiểu thêm:
Bệnh viện Mount Elizabeth: +65 6737 2666
Bệnh viện Mount Elizabeth Novena: +65 6933 0000
Bệnh viện Gleneagles: +65 6473 7222
Bệnh viện Parkway East: +65 6344 7588