Rối loạn nhịp tim là gì?
Rối loạn nhịp tim là tình trạng nhịp tim không đều.
Trong trường hợp bình thường, nút xoang ở tâm nhĩ phải của tim hoạt động như một máy tạo nhịp tim tự nhiên. Nó tạo ra một xung điện để kích thích các cơ tâm nhĩ co lại và bơm máu vào tâm thất. Có độ trễ nhỏ để cho phép tâm thất được đổ đầy máu trước khi co lại và bơm máu đến phổi và phần còn lại của cơ thể.
Rối loạn nhịp tim xảy ra khi các xung điện không được phối hợp nhịp nhàng. Điều này khiến tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều.
Một số người cảm nhận tình trạng này như là tim đập gấp gáp hoặc không đều. Điều này thường vô hại. Những người khác gặp các triệu chứng nặng hơn có thể đe dọa tính mạng.
Các loại rối loạn nhịp tim
Có 3 loại rối loạn nhịp tim:
Nhịp tim nhanh
Nhịp tim nhanh nghĩa là nhịp tim nhanh với tốc độ trên 100 nhịp mỗi phút lúc nghỉ ngơi. Các loại nhịp tim nhanh phổ biến bao gồm:
- Rung nhĩ. Điều này gây ra bởi các xung điện không đều. Kết quả dẫn đến nhịp nhanh, không đều.
- Nhịp nhanh trên thất. Tình trạng này liên quan đến nhiều dạng rối loạn nhịp tim nói chung. Những rối loạn nhịp tim này bắt nguồn từ trên tâm thất trong tâm nhĩ hoặc nút AV. Chúng có thể gây ra các đợt đánh trống ngực đột ngột, bắt đầu và kết thúc đột ngột.
- Nhịp nhanh thất. Đây là nhịp tim nhanh, đều đặn, không cho phép tâm thất được đổ đầy và co bóp hiệu quả. Điều này làm cho việc bơm đủ máu đến cơ thể trở khó khăn.
- Rung thất. Điều này xảy ra khi các xung điện hỗn loạn, nhanh khiến tâm thất rung động không hiệu quả thay vì bơm máu đến cơ thể. Hầu hết những người bị rung thất đều có bệnh tim nền.
Nhịp tim chậm
Nhịp tim chậm nghĩa là nhịp tim chậm với tốc độ dưới 60 nhịp mỗi phút lúc nghỉ ngơi. Các loại nhịp tim chậm phổ biến bao gồm:
- Hội chứng nút xoang. Điều này xảy ra khi nút xoang, vốn chịu trách nhiệm thiết lập nhịp tim bình thường, không gửi các xung đúng cách. Khi điều này xảy ra, tim có thể đập quá nhanh hoặc quá chậm xen kẽ. Tình trạng này phổ biến hơn ở người cao tuổi.
- Chẹn dẫn truyền. Điều này nghĩa là tắc nghẽn đường dẫn điện của tim. Nó có thể xảy ra trong hoặc gần nút AV, hoặc dọc theo các con đường khác đến mỗi tâm thất. Điều này dẫn đến các xung bị chậm lại hoặc bị chặn.
Ngoại tâm thu
Ngoại tâm thu là nhịp tim phụ có thể cảm thấy như một nhịp tim bị bỏ qua. Tình trạng có thể xảy ra khi bạn đang nghỉ ngơi hoặc được kích hoạt bởi căng thẳng, hoạt động gắng sức hoặc các chất kích thích như caffeine hoặc nicotine. Sự xuất hiện thường xuyên của ngoại tâm thu, đặc biệt là kéo dài trong vài năm, có thể dẫn đến tim bị yếu đi.
Triệu chứng của rối loạn nhịp tim là gì?
Các triệu chứng phụ thuộc vào loại rối loạn nhịp tim bạn mắc phải:
Nhịp tim nhanh
- Chóng mặt
- Khó thở
- Lâng lâng
- Cảm giác choáng hoặc ngất xỉu
- Rung động ở ngực
- Yếu đột ngột
- Đau ngực
Nhịp tim chậm
- Chóng mặt
- Mệt mỏi
- Lú lẫn
- Đánh trống ngực
- Lâng lâng
- Khó khăn khi tập thể dục
- Đau ngực do rối loạn nhịp tim
- Khó tập trung
- Cảm giác choáng hoặc ngất xỉu
- Khó thở
- Đổ mồ hôi nhiều
Mặc dù một số người có thể không gặp bất kỳ triệu chứng nào do rối loạn nhịp tim, việc điều trị rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng có thể bao gồm đột quỵ và suy tim.
Thời điểm nên đến khám tại Khoa Cấp cứu (UCC)?
Bạn nên đến Khoa Cấp cứu ngay lập tức nếu bạn gặp triệu chứng rối loạn nhịp tim:
- Đột ngột
- Thường xuyên
- Ngoài dự kiến
Một số trường hợp rối loạn nhịp tim có thể đe dọa tính mạng. Ví dụ, rung thất có thể dẫn đến giảm huyết áp đột ngột làm cắt nguồn cung cấp máu đến các cơ quan quan trọng. Một người bị rung thất có thể ngã quỵ trong vài giây và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim là gì?
Rối loạn nhịp tim thường đi kèm với các bệnh liên quan đến tim như:
- Bệnh tim bẩm sinh hoặc bất kỳ bất thường tim nào có thể ảnh hưởng đến nhịp tim.
- Bệnh động mạch vành là khi các động mạch cung cấp máu cho tim bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn.
- Huyết áp cao là khi lực tác động lên thành động mạch trong quá trình bơm máu cao hơn bình thường.
- Các bệnh về van tim là khi một hoặc nhiều van tim bị tổn thương và không thể hoạt động bình thường.
- Suy tim là khi tim không thể bơm đủ lượng máu cung cấp cho các mô trong cơ thể.
Các yếu tố khác góp phần gây rối loạn nhịp tim bao gồm:
- Dùng một số loại thuốc nhất định
- Sự mất cân bằng chất điện giải trong máu
- Tổn thương tim hoặc là tình trạng xảy ra trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật tim
- Các vấn đề về tín hiệu điện trong tim
Rối loạn nhịp tim cũng có thể xảy ra ở tim khỏe mạnh do:
- Tập thể dục
- Cảm xúc mạnh hoặc căng thẳng
- Sử dụng rượu bia, caffeine hoặc thuốc lá
Những yếu tố nào gây nguy cơ rối loạn nhịp tim?
Các yếu tố gây nguy cơ rối loạn nhịp tim là:
- Tuổi cao
- Tiền sử gia đình mắc rối loạn nhịp tim
- Các bệnh lý như huyết áp cao, đái tháo đường, lượng đường trong máu thấp, béo phì, ngưng thở khi ngủ và tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc hoạt động kém
- Tiếp xúc với môi trường, ví dụ như ô nhiễm không khí
Biến chứng và các bệnh liên quan của rối loạn nhịp tim là gì?
Hầu hết các trường hợp rối loạn nhịp tim đều có thể kiểm soát được và không dẫn đến biến chứng nặng. Tuy nhiên, trong trường hợp không được điều trị đúng cách, rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến ngất, đột quỵ và suy tim.
Làm thế nào để phòng ngừa rối loạn nhịp tim?
Bạn có thể tăng cường sức khỏe tim mạch bằng cách:
- Tập thể dục
- Áp dụng chế độ ăn uống sạch sẽ, cân bằng. Tiêu thụ nhiều thức ăn bổ dưỡng cho tim, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau, đậu và thịt cá nạc. Tránh thức ăn đã qua chế biến hoặc thức ăn có hàm lượng chất béo trans cao.
- Duy trì cân nặng có lợi cho sức khỏe
- Bỏ hút thuốc