Tại Sao Cholesterol Cao Có Hại Cho Bạn?

Nguồn: Shutterstock

Tại Sao Cholesterol Cao Có Hại Cho Bạn?

Cập nhật lần cuối: 03 Tháng Chín 2018 | 4 phút - Thời gian đọc

Chúng ta đều biết rằng cholesterol quá cao không tốt cho sức khỏe. Nhưng tại sao? Bác sĩ Sharon Ngoh, trưởng khoa Y học Gia đình Parkway Shenton, chi nhánh Ang Mo Kio, sẽ cung cấp những thông tin bạn cần biết.

Cholesterol là gì?

Cholesterol là một chất béo dạng sáp được tìm thấy trong máu. Cơ thể tự sản sinh chất này để hỗ trợ quá trình xây dựng tế bào, sản xuất hormone quan trọng và tạo vitamin D. Tuy nhiên, quá nhiều cholesterol trong hệ thống lại có thể gây ra vấn đề.

Có hai loại cholesterol chính: cholesterol 'tốt', theo thuật ngữ chuyên ngành được gọi là lipoprotein mật độ cao (HDL), và cholesterol 'xấu', được gọi là lipoprotein mật độ thấp (LDL).

LDL vận chuyển lượng cholesterol thừa, lắng đọng trong mạch máu, trong khi HDL đưa cholesterol trở lại gan để ngăn ngừa sự tích tụ trong mạch máu của bạn.

Mức cholesterol xấu cao sẽ làm tăng nguy cơ lắng đọng cholesterol. Các mảng bám này có tên gọi là “xơ vữa”, và nếu tích tụ quá mức, các mạch máu sẽ trở nên cứng và hẹp hơn. Tình trạng này được gọi là xơ vữa động mạch.

Đôi khi, các mảng bám bị vỡ và gây rách thành mạch. Khi điều này xảy ra, cục máu đông hình thành, gây tắc nghẽn thêm mạch máu đã bị thu hẹp sẵn. Theo sau đó, các cơn đau tim hoặc đột quỵ nguy hiểm đến tính mạng có thể nhanh chóng xảy đến.

Sự tích tụ triglyceride cũng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng này. Về cơ bản, bất kỳ lượng calo nào mà cơ thể không sử dụng sẽ được chuyển thành triglyceride và tích trữ trong các tế bào mỡ. Mức triglyceride cao hơn bình thường cũng có thể khiến bạn đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn, chẳng hạn như đau tim hoặc đột quỵ.

Thế nào là quá cao, và khi nào tôi nên tìm kiếm sự điều trị?

Khi nào cần tìm cách điều trị

Thật không may, bản thân mức cholesterol cao không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ không biết liệu mình có mắc bệnh hay không nếu không đi khám bác sĩ để tầm soát định kỳ.

Nếu bạn trên 40 tuổi, bạn chắc chắn nên kiểm tra mức cholesterol thường xuyên - tốt nhất là ít nhất 3 năm một lần. Nếu bạn dưới 40 tuổi nhưng biết mình có nguy cơ mắc bệnh tim, bạn cũng nên trải qua sàng lọc thường xuyên.

Bạn không chắc liệu mình có đang gặp nguy cơ không? Hãy đi tầm soát cholesterol thường xuyên nếu bạn hút thuốc lá thường xuyên, hoặc gặp phải bất kỳ tình trạng nào sau đây:

  • Tiểu đường
  • Huyết áp cao
  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh tim trước 50 tuổi ở họ hàng nam giới, hoặc trước 60 tuổi ở họ hàng nữ giới
  • Có tiền sử gia đình mắc chứng tăng cholesterol máu gia đình (tình trạng cơ thể không thể loại bỏ LDL khỏi máu)

Sau đây là ý nghĩa của các chỉ số LDL:

Mức cholesterol LDL (mg/dL máu) Phân loại
Dưới 100 mg/dL Lý tưởng
100 – 129mg/dL Trên mức lý tưởng
130 – 159mg/dL Ranh giới cao
160 – 189mg/dL Cao
190mg/dL and above Rất cao

Nếu bạn vừa mới xét nghiệm máu, và kết quả cholesterol trong máu ở mức ranh giới cao hoặc cao, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ gia đình để thăm khám. Tùy thuộc vào tình trạng nguy cơ cá nhân, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hạ cholesterol.

Đối với triglyceride, mức 2.3 - 4.4 mmol/L được xếp vào mức cao.

Làm thế nào để giảm cholesterol một cách tự nhiên?

Giảm cholesterol một cách tự nhiên

Thay đổi lối sống là một phần không thể thiếu trong việc kiểm soát cholesterol cao. Kết hợp 3 yếu tố là chế độ ăn uống, cân nặng và tập thể dục thường là cách hiệu quả nhất.

Duy trì cân nặng khỏe mạnh đã được chứng minh là có khả năng làm tăng mức HDL, trong khi hỗ trợ giảm tổng lượng cholesterol và mức LDL. Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn đạt được điều này. Nếu bạn bị tăng cholesterol máu (tình trạng cơ thể không thể loại bỏ lượng cholesterol LDL khỏi hệ thống máu), bác sĩ có thể khuyến nghị bạn tập luyện tầm 150-300 phút với cường độ vừa phải mỗi tuần.

Áp dụng một chế độ ăn uống giàu rau củ quả, thực phẩm nguyên hạt, các loại đậu, cá, các loại hạt và chất béo không bão hòa, hạn chế dầu chuyển hóa/bão hòa, ngũ cốc đã qua chế biến và đường, có thể giúp giảm lượng LDL lên đến 15%. Tránh các loại thực phẩm chứa hàm lượng chất béo bão hòa cao, như bơ động vật, bơ sữa trâu, thịt mỡ và các sản phẩm thịt như xúc xích, dầu dừa và kem, cũng như phô mai béo và sữa nguyên kem. Hạn chế lượng cholesterol hấp thụ xuống dưới 300mg mỗi ngày cũng sẽ hỗ trợ giảm lượng cholesterol LDL.

Hãy nhớ rằng uống nhiều rượu bia (hơn 60g mỗi ngày) có thể làm tăng mức triglyceride. Bằng cách giảm mức tiêu thụ rượu bia, bạn không những giảm lượng triglyceride trong cơ thể, mà còn giúp tăng mức cholesterol HDL.

Nếu chỉ số triglyceride của bạn ở mức cao, hãy cố gắng hạn chế khẩu phần hấp thu đường đơn xuống dưới 10% tổng lượng calo hàng ngày. Ví dụ, thức ăn vặt như kem, bánh quy, bánh ngọt có chứa đường trắng, không có giá trị dinh dưỡng và thường có hàm lượng chất béo, calo cao.

Nhiều loại hoa quả cũng chứa đường đơn, tuy nhiên bạn vẫn cần ăn hoa quả để bổ sung các chất dinh dưỡng quan trọng như các vitamin A, C, acid folic, chất xơ và kali. Bạn nên cố gắng ăn hai khẩu phần trái cây mỗi ngày. Hãy cẩn trọng với trái cây đóng hộp và nước ép trái cây, vì chúng thường chứa nước đường làm giảm lượng dinh dưỡng.

Bỏ hút thuốc lá cũng có lợi cho sức khỏe tim mạch nói chung, giúp tăng mức cholesterol HDL, vì thế nếu bạn là người hút thuốc, hãy cân nhắc bỏ thuốc.

Bài viết liên quan
Xem tất cả