Joy Marie Lim
Cố vấn y khoa
Nguồn: Shutterstock
Cố vấn y khoa
Đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Trong khi vắc-xin mang lại cho chúng ta hy vọng, sự xuất hiện của các biến thể vi-rút mới là nguyên nhân liên tục gây lo ngại. Vì lẽ đó, chúng ta nên cảnh giác trước các triệu chứng nghiêm trọng có thể cần được chăm sóc y tế ngay của COVID-19.
Mặc dù bạn có thể xác định được các triệu chứng thường gặp hơn của COVID-19, các báo cáo cho thấy đôi khi nồng độ oxy có thể bắt đầu giảm ngay cả trước khi xuất hiện triệu chứng bất kỳ. Máy đo nồng độ oxy là thiết bị có thể giúp theo dõi nồng độ oxy và phát hiện các trường hợp bị “viêm phổi thầm lặng”, một trong những hệ quả nghiêm trọng nhất của COVID-19.
Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến tầm quan trọng của nồng độ oxy trong máu và các thông tin quan trọng khác bạn cần biết về máy đo nồng độ oxy.
Nồng độ oxy trong máu là lượng oxy máu vận chuyển. Nồng độ này cho biết tình trạng phân bổ oxy trong toàn bộ cơ thể và do đó, có thể cho biết tình trạng sức khỏe tổng thể.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, nồng độ oxy bình thường nằm trong khoảng 95 – 100%. Nồng độ dưới 94% phải được bác sĩ đánh giá, trong khi đó, nồng độ dưới 90% được coi là tình trạng lâm sàng khẩn cấp và cần được chăm sóc y tế ngay.
Khi bạn bị phơi nhiễm COVID-19, phổi là một trong các cơ quan chính bị ảnh hưởng. Tổn thương phổi có thể khiến lượng oxy trong máu giảm xuống thấp đến mức nguy hiểm, ngay cả khi bạn cảm thấy bình thường hoặc không có biểu hiện triệu chứng nào khác của vi-rút. Tình trạng này gọi là “viêm phổi thầm lặng” và nếu không được điều trị, có thể dẫn đến các hệ quả rất nghiêm trọng.
Giảm oxy máu là tình trạng nồng độ oxy trong máu thấp. Tình trạng này có thể gây giảm oxy mô (nồng độ oxy trong mô thấp), nghĩa là không có đủ oxy đến các tế bào trong cơ thể.
Mệt mỏi hoặc khó thở, mặt và môi chuyển xanh, bồn chồn, đau ngực và nhịp tim nhanh là một số triệu chứng điển hình của tình trạng nồng độ oxy trong máu thấp. Nhưng trong một số trường hợp, bạn có thể không có triệu chứng. Giảm oxy mô thầm lặng xảy ra khi kiểm tra đo oxy trong mạch của người không có triệu chứng thiếu oxy trong máu cho ra kết quả chỉ số oxy thấp hơn mức được coi là bình thường. Đây là hiện tượng quan sát thấy ở rất nhiều cá nhân được chẩn đoán mắc COVID-19 trong thời gian gần đây. Giảm oxy mô, nếu không được phát hiện sớm, có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan chính và khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài COVID-19, hen suyễn, [bệnh tim](/vi/specialties/cardiology/overview “Heart and vascular conditions”) và [bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)](/vi/conditions-diseases/copd/symptoms-causes “Chronic obstructive pulmonary diseases (COPD)”) là một số bệnh lý khác có thể ảnh hưởng đến nồng độ oxy trong máu.
Máy đo nồng độ oxy là thiết bị cầm tay có thể dùng để kiểm tra nồng độ oxy trong máu bằng cách quan sát lượng ánh sáng máu hấp thụ. Thiết bị hoạt động bằng cách chiếu 2 luồng ánh sáng (một luồng ánh sáng màu đỏ và một luồng ánh sáng hồng ngoại) qua đầu ngón tay. Khả năng hấp thụ các ánh sáng này có thể khác biệt đáng kể giữa máu nhiều oxy và máu thiếu oxy. Máu nhiều oxy sẽ hấp thụ nhiều ánh sáng hồng ngoại hơn và để nhiều ánh sáng đỏ xuyên qua hơn. Máu không đủ oxy có xu hướng hấp thụ nhiều ánh sáng đỏ hơn và để nhiều ánh sáng hồng ngoại xuyên qua hơn. Quá trình đo diễn ra nhanh chóng, đơn giản và không xâm lấn (không dùng kim).
Trong giai đoạn bị COVID-19, dùng máy đo nồng độ oxy tại nhà có thể giúp bạn kiểm tra nồng độ oxy trong máu và cho biết thời điểm bạn cần được chăm sóc y tế kịp thời.
Máy đo nồng độ oxy là thiết bị thân thiện với người dùng, có một chiếc kẹp nhỏ có thể kẹp vào đầu ngón tay. Trong một số trường hợp, kẹp này còn được dùng để kẹp ngón chân hoặc dái tai. Để có được kết quả tốt nhất, bạn nên kẹp máy đo nồng độ oxy vào ngón tay giữa của bàn tay phải.
Trước khi dùng máy đo nồng độ oxy, đảm bảo bàn tay ấm, thả lỏng và được giữ trước ngực, thấp hơn tim. Bạn nên tránh cử động trong khi tiến hành kiểm tra. Bạn cũng nên tẩy sơn móng tay vì sơn móng tay có thể ảnh hưởng đến kết quả.
Giữ máy đo nồng độ oxy trên ngón tay và đợi kết quả ổn định trong 10 – 30 giây. Nồng độ oxy trong máu, còn gọi là độ bão hòa oxy (SpO2), sẽ hiển thị trên màn hình.
Khi dùng máy đo nồng độ oxy tại nhà, bạn phải luôn ghi lại nồng độ oxy phòng trường hợp bạn cần đưa cho bác sĩ. Các ghi nhận này có thể giúp bạn dễ dàng theo dõi các thay đổi và đánh dấu mọi giá trị bất thường. Cùng với các chỉ số đo nồng độ oxy, điều quan trọng là phải chú ý đến các triệu chứng của tình trạng nồng độ oxy thấp.
Máy đo nồng độ oxy có thể không phải lúc nào cũng chính xác, nhưng độ không chính xác có thể nhỏ. Một số yếu tố như tuần hoàn máu kém, độ dày của da, việc hút thuốc và sơn móng tay có thể ảnh hưởng đến độ chính xác.
Bạn có thể lo ngại khi cân nhắc kiểm tra trên em bé, tuy nhiên, máy đo nồng độ oxy an toàn khi dùng cho em bé. Đo nồng độ oxy là phương pháp không xâm lấn và không gây đau (không dùng kim). Phương pháp cũng không liên quan đến bức xạ.
Máy đo nồng độ oxy là công cụ rất quan trọng trong việc xác định nhu cầu oxy ở trẻ sơ sinh, đặc biệt ở trẻ mắc các bệnh lý như dị tật tim bẩm sinh và bất thường về hô hấp. Tuy nhiên, máy đo nồng độ oxy dành cho người lớn có thể có kích thước không phù hợp để dùng cho em bé.
Máy đo nồng độ oxy trong máu trẻ em thường được dùng cho trẻ em. Máy này hoạt động giống như máy đo nồng độ oxy dành cho người lớn nhưng máy dành cho trẻ em được thiết kế để vừa với ngón tay nhỏ hơn. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, máy đo nồng độ oxy cầm tay trẻ em sẽ được dùng bằng cách đặt đầu dò trên lòng bàn tay hoặc bàn chân của trẻ. Nếu bạn thấy lo lắng về nồng độ oxy của trẻ, hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa. Chỉ số đo nồng độ oxy từ 95 – 100% nằm trong phạm vi bình thường đối với trẻ khỏe mạnh.
Sau khi tìm hiểu về máy đo nồng độ oxy, có thể bạn sẽ băn khoăn liệu có thể dùng đồng hồ thông minh thay thế được không.
Mặc dù một số đồng hồ thông minh được trang bị để đo nồng độ oxy trong máu, kết quả ghi nhận trên đồng hồ thông minh không phải lúc nào cũng chính xác. Đồng hồ thông minh không thể kiểm tra nồng độ oxy trong máu ở mức độ chính xác về mặt y tế vì cảm biến không được thiết kế hoặc kiểm nghiệm cho mục đích y tế và máy đo nồng độ oxy y tế đáng tin cậy hơn nhiều.
Vị trí đeo hoặc cách đeo đồng hồ thông minh cũng có thể ảnh hưởng đến độ chính xác. Khi đo nồng độ oxy trong máu, phương thức dẫn truyền được sử dụng – kẹp máy đo nồng độ oxy vào ngón tay và lưu lượng máu chảy gần bề mặt. Ánh sáng phát ra từ bên này của máy đo nồng độ oxy sẽ truyền đến cảm biến ở bên kia. Tuy nhiên, trong đồng hồ thông minh, phương pháp phản xạ được sử dụng – cả nguồn ánh sáng và cảm biến đều nằm ở một bên cổ tay, do đó, quá trình đo dựa vào ánh sáng phản xạ trở lại. Các mạch máu ở cổ tay cũng có thể làm chỉ số thêm phức tạp.
Bệnh nhân bị viêm phổi liên quan đến COVID-19 từ trung bình đến nặng có nguy cơ cao có nồng độ oxy thấp. Tuổi cao, bệnh lý nền như đái tháo đường, bệnh tim và béo phì là các yếu tố nguy cơ khác.
Nếu bạn đang kiểm soát các triệu chứng của COVID-19 tại nhà, hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ nếu nồng độ oxy trong máu của bạn giảm xuống dưới 95% hoặc bạn nhận thấy các triệu chứng điển hình của tình trạng nồng độ oxy trong máu thấp.