Nên Ăn Gì Khi Có Hậu Môn Nhân Tạo

Nguồn: Shutterstock

Nên Ăn Gì Khi Có Hậu Môn Nhân Tạo

Cập nhật lần cuối: 20 Tháng Mười Hai 2021 | 5 phút - Thời gian đọc

Các chuyên gia từ Bệnh viện Parkway East đưa ra lời khuyên về những loại thức ăn nên sử dụng cho người mang hậu môn nhân tạo.

Chế Độ Ăn Uống Dành Cho Người Có Hậu Môn Nhân Tạo

Học cách thích nghi với cuộc sống có hậu môn nhân tạo có thể đầy thách thức, cả về mặt tâm lý lẫn thể chất. Có thể rất khó để chấp nhận việc rằng lối sống của bạn sẽ thay đổi, ngay cả khi đó chỉ là thay đổi tạm thời. Tuy nhiên, đừng hoảng sợ vì bạn sẽ luôn nhận được sự giúp đỡ.

May mắn thay, trong hầu hết các trường hợp, chế độ ăn uống của bạn chỉ cần được điều chỉnh nhẹ sau phẫu thuật hậu môn nhân tạo. Bạn vẫn có thể ăn một số món yêu thích, thậm chí có thể đi du lịch và ăn tối cùng bạn bè.

Hãy đọc tiếp để tìm hiểu những loại thực phẩm nào an toàn và những loại nào nên tránh.

Điều Quan Trọng Nhất – Hậu Môn Nhân Tạo Là Gì?

Bản chất của một stoma
Hậu môn nhân tạo đề cập đến một lỗ thủng được tạo ra ở đoạn ruột bằng phương pháp phẫu thuật, được đưa ra trên bề mặt da để đào thải phân.

Bạn có thể cần đến hậu môn nhân tạo nếu gặp phải các vấn đề về đường ruột yêu cầu phẫu thuật, chẳng hạn như ung thư đại trực tràng, hoặc bệnh viêm ruột (IBD) khiến phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ một phần đường ruột. Ruột non nhân tạo được sử dụng để giúp phần ruột còn lại hồi phục, trong khi đó cho phép bệnh nhân tiếp tục ăn uống sau khi phẫu thuật.

Trong quá trình tạo ra hậu môn nhân tạo, bác sĩ sẽ lựa chọn một vị trí thích hợp trên phần ruột, sau đó đưa vị trí đó ra ngoài và gắn vào bề mặt bụng. Tùy thuộc vào nguyên nhân, đây có thể không phải là thủ thuật vĩnh viễn, hoặc là một thủ thuật tạm thời, có thể được phục hồi sau này. Thủ thuật này có thể liên quan đến ruột non (hậu môn nhân tạo hồi tràng hoặc hỗng tràng), hoặc ruột già (hậu môn nhân tạo đại tràng).

Thông thường, hậu môn nhân tạo có kích thước nhỏ, màu hồng đỏ, và không gây đau khi chạm vào. Sau khi phẫu thuật, nó sẽ được phủ kín bởi một chiếc túi có thể tháo rời để thu thập chất thải dễ dàng.

Bác sĩ và các y tá sẽ hỗ trợ, đưa ra hướng dẫn và củng cố tinh thần khi nói đến việc sống cùng và chăm sóc hậu môn nhân tạo của bạn.

Chế Độ Ăn Uống Của Tôi Sẽ Như Thế Nào Sau Phẫu Thuật Hậu Môn Nhân Tạo?

Tô súp
Trong vài tuần đầu tiên sau khi tạo hậu môn nhân tạo, cơ thể của bạn sẽ vẫn đang trong chế độ hồi phục.

Sau phẫu thuật, chế độ ăn của bạn sẽ bắt đầu bằng chất lỏng, theo sau đó là chế độ ăn mềm và ít chất xơ. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng sẽ cho bạn lời khuyên cụ thể về thời điểm bắt đầu ăn lại thức ăn đặc.

Chế độ ăn giàu chất xơ không phù hợp sau phẫu thuật, và chất xơ, cũng như tất cả các nhóm thực phẩm, nên luôn được tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Một số người cảm thấy rằng ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ không hòa tan (như ngũ cốc nguyên hạt, cám gạo và các loại rau củ nhất định) có thể gây khó chịu một chút trong thời gian này, vì chúng làm cho chất thải trở nên to và rời rạc hơn, do đó khó thải ra ngoài hơn. Các loại thực phẩm chứa chất xơ hòa tan (như chuối và yến mạch) sẽ dễ tiêu hóa hơn và có thể là một lựa chọn tốt; tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều loại này cũng có thể sinh ra nhiều khí từ hậu môn nhân tạo và gây đầy hơi, điều này có thể gây ngượng ngùng và khó chịu.

Cần lưu ý rằng chất thải từ hậu môn nhân tạo ruột non có xu hướng lỏng hơn, trong khi chất thải từ đại tràng có xu hướng đặc/sệt hơn. Trừ khi bác sĩ đã nói với bạn điều khác, bạn sẽ có thể tiếp tục chế độ ăn uống bình thường trong vòng 4 – 6 tuần sau tiểu phẫu. Nếu bạn thấy chất thải quá lỏng hoặc quá đặc, hãy thử ăn một số loại thực phẩm sau đây xem có giúp ích gì không:

Quá lỏng

  • Cơm trắng
  • Mì đơn giản/ mì ống
  • Khoai tây không vỏ
  • Bơ đậu phộng mịn
  • Sốt táo

Quá đặc

  • Đồ uống ấm/nóng
  • Hoa quả
  • Rau củ
  • Nước ép hoa quả

Nhớ luôn ăn các loại thực phẩm ở mức độ vừa phải vì ăn quá nhiều các loại thực phẩm trên sẽ không tốt cho sức khỏe. Bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn có lo lắng liên tục về độ đặc của chất thải từ lỗ mở, do có thể cần bắt đầu sử dụng thuốc để giúp bạn đối phó. Tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để cá nhân hóa một thực đơn riêng cho bạn.

Tôi Nên Tránh Những Loại Thức Ăn Nào Sau Phẫu Thuật Hậu Môn Nhân Tạo?

Đĩa cá hồi và măng tây
Sau một vài tuần với hậu môn nhân tạo, bạn sẽ thấy dễ dàng quay trở lại thói quen ăn uống thông thường hơn. Nếu bạn không chắc chắn một loại thực phẩm nào đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hậu môn nhân tạo, hãy thử ăn một chút và xem phản ứng của cơ thể! Những gì bạn quyết định ăn hay không ăn có thể là dựa trên các triệu chứng cá nhân của mình.

Dưới đây là một số loại thực phẩm có thể gây khó chịu và đau bụng nếu bạn sử dụng hậu môn nhân tạo:

Sinh Hơi

Tất cả chúng ta đều xì hơi, nhưng quá trình này sẽ có chút khác biệt khi bạn sử dụng hậu môn nhân tạo. Hơi từ dạ dày thường sẽ rò rỉ vào túi đeo phía trên hậu môn nhân tạo, một cách chậm rãi. Chiếc túi sẽ có các lỗ thở nhỏ và bộ lọc để ngăn nó phồng lên như một quả bóng bay hoặc bốc mùi.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng, lượng hơi này sẽ khiến chiếc túi hơi phồng lên hoặc gây ra tiếng động.

Thức ăn và đồ uống có thể gây ra tình trạng xì hơi quá mức với người dùng hậu môn nhân tạo bao gồm:

  • Đậu
  • Bắp cải
  • Giá đỗ
  • Súp lơ
  • Đồ uống có ga (bao gồm bia)
  • Thực phẩm giàu xơ và tinh bột như bánh mì làm từ lúa mì nguyên cám

Mùi

Nếu hậu môn nhân tạo của bạn vừa vặn, bạn sẽ không ngửi thấy mùi hôi nào cả ngày, ngoại trừ lúc bạn tháo túi ra và lắp túi mới.

Một số loại thực phẩm có thể làm cho mùi hôi này kéo dài hơn, bao gồm:

  • Măng tây
  • Súp lơ xanh
  • Súp lơ
  • Bắp cải
  • Trứng
  • Tỏi
  • Hành tây

Nếu bạn nhận thấy hậu môn nhân tạo của mình có mùi và mùi không hết, bạn nên cân nhắc việc hạn chế lượng tiêu thụ những loại thực phẩm này, hoặc nói chuyện với bác sĩ về các loại thuốc có thể giúp hạn chế mùi hôi. Uống nước cam ép, nước cà chua ép, hoặc nước nam việt quất cũng có thể giúp làm dịu các mùi hôi khó chịu.

Tắc Nghẽn

Nhai thức ăn kỹ càng là điều quan trọng khi bạn sử dụng hậu môn nhân tạo, vì nó có thể giảm nguy cơ thực phẩm cồng kềnh làm tắc nghẽn lỗ mở. Một số loại thực phẩm khó tiêu hóa hơn và có thể gây ra vấn đề này, chẳng hạn như:

  • Đậu hạt
  • Bỏng ngô
  • Ngô ngọt
  • Nấm
  • Ớt
  • Dừa
  • Cà chua
  • Rau củ giàu chất xơ

Nếu có thứ gì đó bị mắc kẹt, bạn có thể thấy mệt mỏi, nôn nao, hoặc bị đau và sưng ở vùng bụng. Bạn nên ngừng ăn và liên hệ bác sĩ, hoặc đến bệnh viện nếu các triệu chứng không thuyên giảm.

Màu sắc

Bạn không cần tránh các loại thực phẩm dựa trên màu sắc của chúng, nhưng cần lưu ý rằng một số thứ có thể làm thay đổi màu sắc của chất thải. Đừng lo lắng nếu bạn nhận thấy một vài thay đổi sau khi ăn:

  • Dâu tây
  • Củ cải đường
  • Sốt cà chua
  • Măng tây
  • Bất kỳ thứ gì có chứa màu thực phẩm, chẳng hạn như đường trang trí màu sắc sặc sỡ.

Những Lo Ngại Khác Về Chế Độ Ăn Uống Của Người Có Hậu Môn Nhân Tạo

Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng với các loại hoa quả và rau củ đa dạng
Khả năng cao là chất thải từ hậu môn nhân tạo của bạn sẽ lỏng hơn phân thông thường, đặc biệt là đối với hậu môn nhân tạo ruột non. Điều quan trọng là bù đắp lượng chất lỏng đã mất này bằng cách uống thật nhiều nước.

Bạn cũng có thể có nguy cơ cao hơn về thiếu hụt một số chất dinh dưỡng nhất định, tùy thuộc vào loại thuốc đang sử dụng, chế độ ăn ưa thích của bản thân và vị trí của hậu môn nhân tạo. Hãy trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng nếu bạn có bất kỳ mối lo cụ thể nào.

Common Vitamin & Nutritional Deficiencies of Ostomy Patients. (2016, September 21). Retrieved 18 April, 2018, from https://innergood.ca/common-vitamin-nutritional-deficiencies-ostomy-patients/

Tidy, C. (2018, March 12). Stoma Dietary Care. Retrieved 18 April, 2018, from https://patient.info/health/inflammatory-bowel-disease/stoma-dietary-care

What is a Stoma? (n.d.). Retrieved 18 April, 2018, from https://www.coloplast.com.au/ostomy/people-with-a-stoma/before-stoma-surgery/#section=What-is-a-stoma_92637
Bài viết liên quan
Xem tất cả