Ung thư đại trực tràng - Triệu chứng & Nguyên nhân

Ung thư đại trực tràng là gì?

Ung thư đại trực tràng là sự tăng trưởng bất thường ở đại tràng hoặc trực tràng (ruột). Đại tràng là phần dài nhất của ruột già và trực tràng là đường nối đại tràng với hậu môn. Hầu hết các trường hợp ung thư đại trực tràng ban đầu là một polyp (tăng trưởng lành tính hoặc không ung thư ở lớp niêm mạc đại tràng hoặc trực tràng), sau đó phát triển và tăng trưởng bất thường (ung thư). Việc tầm soát polyp có thể phát hiện sớm ung thư đại trực tràng.

Các giai đoạn của ung thư đại trực tràng là gì?

  • Giai đoạn 0: Là giai đoạn sớm nhất, còn gọi là ung thư tại chỗ. Lúc này, các tế bào ung thư chưa phát triển vượt quá lớp niêm mạc của đại trực tràng.
  • Giai đoạn I: Ung thư phát triển vượt quá lớp niêm mạc và bắt đầu xâm lấn các lớp tiếp theo như lớp dưới niêm mạc và lớp cơ, nhưng chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận.
  • Giai đoạn II: Ung thư phát triển qua thành đại trực tràng và có thể lan đến một số cấu trúc lân cận, nhưng chưa xâm lấn các hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn III: Tế bào ung thư lan ra các hạch bạch huyết lân cận, nhưng chưa di căn xa.
  • Giai đoạn IV: Ung thư lan ra một hoặc nhiều cơ quan xa trên cơ thể như gan hoặc phổi.

Triệu chứng của ung thư đại trực tràng là gì?

Những dấu hiệu cảnh báo ung thư trực tràng:

  • Thay đổi thói quen đại tiện (tiêu chảy hoặc táo bón)
  • Cảm thấy buồn nôn hoặc nôn
  • Cảm giác đi đại tiện không hết
  • Thường xuyên cảm thấy rất mệt mỏi
  • Thấy máu (hoặc đỏ tươi hoặc sẫm màu) trong phân
  • Nhận thấy phân nhỏ hơn bình thường
  • Thường xuyên bị đau do đầy hơi hoặc co rút, hoặc cảm thấy căng tức hoặc đầy hơi
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân

Nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng là gì?

Nguyên nhân gây ung thư đại trực tràng chưa được xác định, nhưng bạn có thể mắc bệnh nếu có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư đại trực tràng

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị ung thư đại trực tràng gồm có:

  • Trên 50 tuổi: Nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng tăng theo tuổi. Khoảng 90% số ca mắc ung thư đại trực tràng xảy ra ở người trên 50 tuổi.
  • Có polyp ở đại trực tràng: Polyp là một tập hợp nhiều tế bào, có hình dáng giống u nhưng không phải u, kích thước nhỏ, lành tính, thường không biểu hiện hoặc biểu hiện rất ít triệu chứng. Theo thời gian, những polyp này có thể phát triển thành ung thư.
  • Có thành viên trong gia đình mắc ung thư đại trực tràng: Bệnh ung thư đại trực tràng có tính di truyền cao. Quan hệ họ hàng càng gần, nguy cơ mắc bệnh càng cao.
  • Đã mắc ung thư trước đó như ung thư đại trực tràng, và ở phụ nữ là ung thư buồng trứng, ung thư tử cung hoặc ung thư vú: Bệnh nhân từng mắc ung thư đại trực tràng có khả năng phát triển ung thư tại các vị trí khác ở đại trực tràng. Nguy cơ tái mắc cao hơn nếu bệnh nhân mắc bệnh từ khi còn trẻ.
  • Bị viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn (viêm đại tràng): Bệnh nhân bị viêm loét đại tràng trong thời gian dài, đặc biệt nếu không được điều trị, sẽ dẫn đến tình trạng loạn sản, theo thời gian có thể phát triển thành ung thư.
  • Hút thuốc: Những người hút thuốc trong thời gian dài có nguy cơ phát triển và tử vong do ung thư đại trực tràng cao hơn người không hút thuốc.
  • Có chế độ ăn nhiều mỡ và ít ăn trái cây, rau quả: Chế độ ăn nhiều dầu mỡ và phương pháp chế biến thịt ở nhiệt độ rất cao (chiên, nướng) sẽ tạo ra các hóa chất làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng. Thiếu vitamin D cũng có thể gia tăng khả năng mắc bệnh.

Ung thư đại trực tràng có thể biến chứng như thế nào?

Do nhiều nguyên nhân liên quan đến môi trường sống, phơi nhiễm với chất gây ung thư, yếu tố di truyền, phương pháp điều trị hoặc suy giảm miễn dịch, bệnh nhân ung thư đại trực tràng có thể gặp phải một số biến chứng hoặc phát triển tình trạng bệnh khác.

Tắc ruột

Trong một số trường hợp, ung thư đại trực tràng có thể gây hẹp đường ruột, khiến người bệnh không thể đại tiện. Tình trạng này được gọi là tắc ruột. Khoảng một nửa trong số các ca hẹp ruột già có nguyên nhân do ung thư đại trực tràng.

Tái phát ung thư đại trực tràng

35 – 40% bệnh nhân đã tiến hành phẫu thuật có khả năng tái phát ung thư đại trực tràng trong vòng 3 – 5 năm sau điều trị. Trong lần "trở lại" này, ung thư có thể phát triển ở đại tràng, trực tràng, hoặc ở các bộ phận khác trên cơ thể như gan hoặc phổi.

Di căn

Tế bào ung thư ở đại tràng hoặc trực tràng có thể lan đến các bộ phận khác trên cơ thể thông qua dòng máu hoặc hệ bạch huyết. Tình trạng này được gọi là di căn. Ung thư đại trực tràng chủ yếu di căn đến gan, nhưng cũng có thể xâm lấn phổi, xương, não hoặc tủy sống.

Mắc các bệnh ung thư khác

Tỷ lệ ung thư ruột non gia tăng đáng kể ở bệnh nhân nam được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng trước 60 tuổi và ở bệnh nhân nữ được chẩn đoán mắc ung thư đại trực tràng trước 65 tuổi. Tỷ lệ ung thư tại một số vị trí khác như cổ tử cung, tử cung và buồng trứng cũng tăng đáng kể sau khi mắc ung thư đại trực tràng.

Ngăn ngừa ung thư đại trực tràng

Nếu bạn có một trong các yếu tố nguy cơ trên, hãy chủ động đến gặp bác sĩ để được tư vấn, khám và sàng lọc. Ngoài ra, nếu một trong các triệu chứng sau xảy ra một cách dai dẳng, bạn cần nhanh chóng đến khám bác sĩ:

  • Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài
  • Chảy máu trực tràng hoặc phân dính máu
  • Cảm giác khó chịu dai dẳng ở vùng bụng, bao gồm co thắt, đầy hơi hay đau
  • Cảm giác đại tiện không hết
  • Suy nhược hoặc mệt mỏi
  • Sút cân không rõ nguyên nhân

Ngoài sàng lọc định kỳ, các yếu tố liên quan đến lối sống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu nguy cơ ung thư đại trực tràng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hạn chế ăn mỡ động vật, sử dụng rượu bia, không hút thuốc lá, tăng cường ăn hoa quả, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và tập thể dục có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng.

Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

 

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777