Đục thủy tinh thể là gì?
Đục thủy tinh thể là hiện tượng thấu kính của mắt bình thường trong suốt lại bị mờ đi. Thông thường ở những giai đoạn đầu, chỉ có một phần nhỏ của thấu kính trong mắt bị ảnh hưởng và do đó có thể không nhận thấy tình trạng giảm thị lực.
Khi tình trạng đục thủy tinh thể làm mờ thấu kính này nhiều hơn và làm biến dạng ánh sáng đi qua, thị lực của bạn có thể bắt đầu bị giảm, các hoạt động như đọc sách và lái xe trở nên khó khăn hơn.
Việc phát triển tình trạng đục thủy tinh thể là một quá trình lão hóa tự nhiên không thể tránh khỏi hay phòng ngừa bằng thuốc.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể là gì?
Phẫu thuật đục thủy tinh thể là một trong những thủ thuật ngoại khoa phổ biến nhất được thực hiện trên toàn thế giới. Thông thường, thủ thuật này được xem là an toàn với tỷ lệ thành công cao trên 90%.

Các loại phẫu thuật đục thủy tinh thể
Có 2 loại phẫu thuật đục thủy tinh thể chính:
Phẫu thuật nhũ tương hóa thủy tinh thể
Phẫu thuật nhũ tương hóa thủy tinh thể là phương pháp tiêu chuẩn cho phẫu thuật đục thủy tinh thể và có tỷ lệ thành công 95%. Đây vẫn là thủ thuật được ưu tiên lựa chọn và phù hợp với hầu hết bệnh nhân.
Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở mép giác mạc để tiếp cận vào trong mắt. Bác sĩ sử dụng sóng siêu âm để phá vỡ và loại bỏ thủy tinh thể đục. Sau đó, thấu kính nhân tạo sẽ được cấy ghép để khôi phục thị lực. Không cần khâu vết thương vì vết thương thường tự liền lại.
Toàn bộ quy trình mất khoảng 15 – 20 phút và được coi là một trường hợp điều trị trong ngày.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng laser
Phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng laser tương tự như phẫu thuật nhũ tương hóa thủy tinh thể, trong đó năng lượng siêu âm được sử dụng để phá vỡ thủy tinh thể đục. Điểm khác biệt là phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng laser sử dụng tia laser femtosecond để thay thế các đường rạch thủ công cho 3 bước sau:
- Đường rạch giác mạc
- Tạo một lỗ mở tròn ở bao thấu kính
- Cắt thủy tinh thể đục để phá vỡ thành các miếng nhỏ hơn
Có một số lợi ích đối với phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng laser, so với phẫu thuật nhũ tương hóa thủy tinh thể thông thường:
- Chụp ảnh 3D cho phép lập sơ đồ hình dạng mắt chính xác để có thể tạo ra một kế hoạch phẫu thuật điều chỉnh theo cá nhân.
- Việc sử dụng tia laser cải thiện độ chính xác của phẫu thuật.
- Vị trí của các đường rạch và việc đặt vị trí thấu kính nhân tạo chính xác hơn.
- Tia laser cũng được sử dụng để cắt thủy tinh thể đục thành 4 – 6 mảnh, từ đó làm giảm lượng năng lượng siêu âm cần thiết để loại bỏ thủy tinh thể đục.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng laser có thể tiến hành trên hầu hết các bệnh nhân có đồng tử co giãn tốt. Có thể chỉ định phương pháp này đặc biệt cho những trường hợp phức tạp, chẳng hạn như khi:
- Đục thủy tinh thể đã tiến triển
- Giác mạc yếu
- Thấu kính không ổn định
Tại sao cần phẫu thuật đục thủy tinh thể?
Sự lão hóa là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng đục thủy tinh thể, theo thời gian, có thể lớn hơn và làm thấu kính mờ hơn, làm cho mắt nhìn khó nhìn hơn.
Hãy đến khám bác sĩ khi bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Nhìn mờ, mờ đục hoặc không rõ
- Nhìn đôi hoặc nhìn đa hình
- Lóa mắt hoặc nhìn thấy hào quang
- Tăng độ cận thị
- Giảm thị lực trong bóng tối
Các nguy cơ và biến chứng của phẫu thuật đục thủy tinh thể là gì?
Phẫu thuật đục thủy tinh thể thường an toàn và hầu hết bệnh nhân đều hồi phục thuận lợi với thị lực tốt. Tuy nhiên, đôi khi có thể xảy ra nhiễm trùng và dẫn đến thị lực kém. Các dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm trùng bao gồm:
- Mắt rỉ dịch
- Đau và đỏ mắt nặng dần
- Mờ mắt đột ngột
- Sưng mắt
Một số biến chứng khác bao gồm rách võng mạc, bong và chảy máu võng mạc. Bong võng mạc xảy ra khi võng mạc, nằm phía sau mắt, tách ra khỏi thành mắt.
Các triệu chứng bong võng mạc bao gồm:
- Cảm giác như có bóng tối hoặc “rèm” che một phần mắt
- Có những điểm trôi nổi mới trong tầm nhìn của bạn
- Nhìn thấy ánh sáng nhấp nháy
Hãy đến khám bác sĩ ngay lập tức nếu bạn phát hiện ra bất kỳ triệu chứng nào trong số này.
Bạn chuẩn bị cho phẫu thuật đục thủy tinh thể như thế nào?
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ của bạn sẽ tiến hành kiểm tra siêu âm để đo kích thước và hình dạng của mắt. Kiểm tra này sẽ giúp xác định bạn cần loại thấu kính cấy ghép nào (thấu kính nội nhãn hay IOL).
Có các loại IOL khác nhau với các đặc điểm khác nhau phù hợp với nhu cầu và túi tiền của bạn. Hãy thảo luận với bác sĩ về lợi ích và nguy cơ của từng loại IOL.
Bác sĩ cũng có thể thực hiện các xét nghiệm để xác định xem bạn có thể chất phù hợp để thực hiện phẫu thuật hay không.
Điều gì sẽ xảy ra trong phẫu thuật đục thủy tinh thể?
Phẫu thuật đục thủy tinh thể được coi là một thủ thuật an toàn với tỷ lệ thành công cao.
Thời gian ước tính
Thủ thuật kéo dài khoảng 15 – 20 phút.
Trước thủ thuật
Để chuẩn bị cho phẫu thuật đục thủy tinh thể, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn:
- Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong 12 tiếng trước khi phẫu thuật
- Tạm thời ngừng sử dụng bất kỳ loại thuốc nào có thể làm tăng nguy cơ chảy máu
- Sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng sinh 1 hoặc 2 ngày trước khi phẫu thuật
- Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn sử dụng bất kỳ loại thuốc nào có thể gây ảnh hưởng đến phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Trong khi thực hiện thủ thuật
Trước tiên, bác sĩ sẽ dùng thuốc nhỏ mắt để làm giãn đồng tử. Bạn sẽ được gây tê tại chỗ để làm tê khu vực này và cũng có thể dùng thuốc an thần để giúp bạn thư giãn.
Trong quá trình phẫu thuật đục thủy tinh thể, bác sĩ sẽ loại bỏ thấu kính bị mờ và cấy thấu kính nhân tạo trong suốt vào bao thấu kính rỗng.
Sau thủ thuật
Thường thì bạn có thể về nhà trong cùng ngày phẫu thuật, nhưng sẽ không thể lái xe được. Hãy thu xếp người giúp đỡ việc nhà vì bạn có thể cần hạn chế các hoạt động như cúi xuống và nâng đồ vật trong khoảng một tuần sau khi phẫu thuật.
Trường nhìn của bạn có thể bị mờ lúc đầu khi mắt bạn đang lành lại và điều chỉnh, nhưng sẽ bắt đầu tốt hơn trong vòng vài ngày.
Chăm sóc và phục hồi sau phẫu thuật đục thủy tinh thể
Quá trình phục hồi sau phẫu thuật đục thủy tinh thể thường nhanh và không có biến cố. Bạn có thể dễ dàng tiếp tục lại các hoạt động thông thường trong vòng một ngày sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, bạn nên đặc biệt cẩn trọng trong tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật.
Sau đây là một số mẹo bạn có thể thực hiện để hồi phục tốt nhất và ngăn ngừa các biến chứng trong tương lai:
- Tránh hắt hơi hoặc ho mạnh ngay sau khi phẫu thuật.
- Đừng lái xe vào ngày đầu tiên sau phẫu thuật.
- Dùng thuốc nhỏ mắt kháng sinh và kháng viêm để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Đừng nâng bất cứ vật nặng hoặc thực hiện những hoạt động gắng sức trong vài tuần.
- Cẩn thận khi đi lại để tránh va vào cửa hoặc các vật khác.
- Tránh bơi hoặc sử dụng bồn tắm nóng trong tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật để tránh nhiễm trùng.
- Không để mắt bạn tiếp xúc với các chất gây kích ứng như bụi, bụi bẩn, gió và phấn hoa trong vài tuần đầu sau phẫu thuật.
- Đừng dụi mắt sau phẫu thuật.