hospitalMainImageAltText

Khoa Cấp cứu (UCC)

Common Medical Emergencies

Nếu bạn cảm thấy không khỏe, hãy kiểm tra các triệu chứng để quyết định thời điểm nên đến Khoa Cấp cứu (UCC) của các bệnh viện Mount Elizabeth và tìm hiểu cách giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn trước khi đến.

Đội ngũ đa ngành của chúng tôi cung cấp dịch vụ chăm sóc chất lượng và được thiết kế riêng để điều trị các bệnh lý sau đây (nhưng không giới hạn):

Đau bụng là gì?

Đau bụng thường là hệ quả của cơn đau dạ dày tạm thời gây ra bởi:

  • Bị đầy hơi
  • Khó tiêu
  • Ăn quá nhiều
  • Hút thuốc
  • Nhiễm trùng do vi-rút hoặc vi khuẩn
  • Đau bụng kinh

Bạn có thể dùng thuốc giảm đau không theo toa để làm dịu cơn đau nhẹ đến trung bình.

Đau bụng nghiêm trọng hơn, xảy ra đột ngột và cục bộ có thể là dấu hiệu của:

  • Viêm ruột thừa
  • Loét
  • Sỏi mật
  • Sỏi thận
  • Tình trạng cấp cứu phụ khoa ở phụ nữ

Thời điểm nên đến Khoa cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu bạn:

  • Bị đau đột ngột hoặc dữ dội kéo dài hơn một giờ, hoặc đau không liên tục trong hơn 24 giờ
  • Nôn nhiều lần hoặc nôn ra máu
  • Đi ngoài ra máu hoặc phân đen
  • Bị tiêu chảy
  • Không thể ăn hoặc uống trong nhiều giờ
  • Sốt cao hơn 39ºC

Đối với trẻ em

Đưa con đến Khoa cấp cứu UCC nếu trẻ:

  • Đau khi đi tiểu hoặc có máu trong nước tiểu
  • Bị đau dạ dày hoặc đau bụng đột ngột hoặc dữ dội, ngày càng nặng hơn hoặc khu trú tại một vùng riêng biệt
  • Bị sốt (với nhiệt độ miệng từ 37,8°C trở lên)
  • Đi tiểu khó khăn hoặc đi tiểu thường xuyên hơn bình thường
  • Nôn nhiều lần hoặc nôn ra máu
  • Đi ngoài ra máu hoặc phân đen

Điều bạn có thể làm

Trước khi bạn hoặc con bạn đến Khoa cấp cứu UCC, bạn có thể:

  • Thường xuyên uống từng ngụm nước để giữ nước trừ khi bạn nghi ngờ mình bị viêm ruột thừa.
  • Tránh sử dụng trà, cà phê và đồ uống có cồn vì những sản phẩm này có thể khiến cơn đau trầm trọng hơn.
  • Đặt một chai nước nóng hoặc túi chườm ấm lên bụng của bạn. Hãy cẩn thận để tránh bị bỏng nhiệt ướt.
  • Đối với những cơn đau dữ dội, bạn có thể dùng thuốc giảm đau nhẹ như paracetamol. Tránh sử dụng aspirin hoặc các thuốc kháng viêm khác trừ khi được bác sĩ tư vấn.

Bệnh gout là gì?

Bệnh gout là một dạng viêm khớp do sự tích tụ axit uric trong máu. Axit uric thừa có thể tích tụ trong cơ thể nếu bạn tiêu thụ quá nhiều:

  • Thịt đỏ
  • Nội tạng
  • Hải sản
  • Thức uống có cồn, đặc biệt là bia

Triệu chứng bệnh gout

Bệnh gout gây ra sưng đau làm ảnh hưởng đến khả năng vận động của bạn. Bệnh thường xảy ra ở ngón chân cái, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến mắt cá chân, gót chân, đầu gối và các khớp khác trên cơ thể.

Thuốc kháng viêm giảm đau có thể giúp làm giảm đau cơn gout cấp tính. Để tránh axit uric cao và ngăn ngừa bệnh gout:

  • Ăn nhiều rau và thịt gia cầm
  • Uống nhiều nước
  • Giảm thiểu việc uống rượu bia, ăn thịt đỏ,nội tạng và hải sản

Thời điểm nên đến Khoa cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu bạn:

  • Bị đau dữ dội ngày càng trầm trọng hơn
  • Bị sốt cao
  • Được bác sĩ đa khoa của bạn chuyển đi

Dị ứng là gì?

Bạn bị dị ứng khi hệ miễn dịch của bạn phản ứng thái quá với chất gây dị ứng. Các chất gây dị ứng thường gặp bao gồm:

  • Thực phẩm như các loại hạt, trứng, động vật có vỏ và các sản phẩm từ sữa
  • Thuốc
  • Bụi

Các triệu chứng dị ứng thường gặp

Khi bị phản ứng dị ứng, bạn có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Ngứa
  • Phát ban
  • Nghẹt mũi
  • Mẩn đỏ trên da
  • Chảy nước mắt

Những triệu chứng phổ biến này thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, phản ứng dị ứng nặng có thể đe dọa tính mạng. Hãy tìm cách điều trị ngay lập tức.

Thời điểm nên đến Khoa cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu bạn:

  • Có cảm giác nghẹn, tức ở họng, khàn giọng hoặc khó nuốt
  • Cảm thấy chóng mặt, choáng váng, nhịp tim tăng, đau ngực hoặc tức ngực
  • Buồn nôn và nôn
  • Bị đau bụng hoặc tiêu chảy.
  • Thở gấp, thở khò khè, khó thở hoặc thở hổn hển

Điều bạn có thể làm

Nếu bạn nghi ngờ ai đó đang bị phản ứng dị ứng nặng:

  • Gọi cấp cứu ngay lập tức
  • Hỏi xem họ có mang theo thuốc không và nếu có, hãy giúp bệnh nhân uống thuốc
  • Đặt họ ở vị trí cảm thấy thoải mái nhất
  • Đặt họ nằm nghiêng nếu bị nôn hoặc ho ra máu để tránh bị nghẹn
  • Thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) nếu họ ngừng thở

Không cho bệnh nhân uống bất kỳ thứ gì.

Tìm hiểu thêm: Điều cần làm khi xảy ra phản ứng dị ứng

Hen suyễn là gì?

Hen suyễn là tình trạng thường gặp gây ra thở khò khè, ho, tức ngực và khó thở.

Hen suyễn có thể bị kích thích bởi:

  • Phấn hoa
  • Nấm mốc
  • Các chất gây ô nhiễm không khí như bụi mù
  • Dị ứng vật nuôi
  • Mạt bụi nhà
  • Khói
  • Nhiễm trùng, bao gồm ho và cảm lạnh
  • Tập thể dục

Nếu bạn nghi ngờ mình đang lên cơn hen suyễn, hãy ngồi xuống, giữ bình tĩnh và cố gắng hít thở chậm, đều đặn.

Thời điểm nên đến Khoa Cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu:

  • Các triệu chứng của bạn trầm trọng hơn
  • Bạn không mang theo dụng cụ hít hoặc chưa được kê đơn dụng cụ hít
  • Bạn không cảm thấy khỏe hơn sau khi dùng dụng cụ hít

Đối với trẻ em

Đưa con bạn đến Khoa cấp cứu UCC nếu trẻ:

  • Khó thở hoặc khó nói đủ cả câu
  • Da hoặc môi chuyển sang màu xanh
  • Lơ mơ hoặc buồn ngủ
  • Không thể ăn hoặc uống tốt

Điều bạn có thể làm

Trước khi bạn hoặc con bạn đến Khoa cấp cứu UCC:

  • Cố gắng giữ bình tĩnh, vì hoảng loạn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn
  • Dùng dụng cụ hít thuốc giãn phế quản nếu bạn có
  • Ngồi thẳng và cứ sau vài phút lại dùng dụng cụ hít để hít một hơi
  • Sử dụng buồng khí với mặt nạ có kích thước phù hợp để dùng dụng cụ hít cho con bạn hít thuốc
  • Tránh nằm xuống vì điều đó có thể hạn chế nhiều hơn đường thở và việc hít thở
  • Thực hiện theo hướng dẫn y tế trong kế hoạch hành động khẩn cấp cho bệnh hen suyễn nếu bác sĩ đã đưa cho bạn
  • Khi đến nơi, hãy báo cho nhân viên bệnh viện rằng bạn đang lên cơn hen suyễn

Đau ngực là gì?

Đau ngực có thể do một số bệnh lý, một số bệnh nhẹ và một số bệnh nặng.

Đau ngực liên quan đến tim (đau thắt ngực) thường xảy ra ở phần trung tâm của ngực, phía trên hoặc liên quan đến dạ dày. Đau ngực có thể giống như cảm giác bị siết chặt hoặc bóp nghẹt lan ra cổ, hàm và cánh tay, và đôi khi là lưng. Đau ngực có thể đi kèm với chóng mặt, mệt mỏi, đau vai, buồn nôn hoặc nôn.

Thời điểm nên đến Khoa Cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu:

  • Cơn đau của bạn mới xuất hiện, nặng hoặc dữ dội và kéo dài hơn vài phút
  • Cơn đau của bạn trầm trọng hơn khi đi lại hoặc gắng sức
  • Bạn cảm thấy chóng mặt, khó thở hoặc đổ mồ hôi đầm đìa
  • Bạn đang khó thở
  • Cơn đau đáng báo động hoặc đáng lo ngại đối với bạn

Điều bạn có thể làm

Trước khi bạn đến Khoa cấp cứu UCC:

  • Nới lỏng quần áo bó sát quanh cổ và thắt lưng để bạn dễ thở hơn
  • Giữ bình tĩnh. Nghỉ ngơi ở tư thế thoải mái, có tựa đầu và lưng
  • Tránh dùng bất kỳ thực phẩm hoặc đồ uống
  • Tránh các chất kích thích như rượu bia, chè, cà phê hoặc thuốc lá
  • Nếu bạn nghi ngờ mình đang bị đau tim và bác sĩ đã kê đơn thuốc trước đó, hãy dùng thuốc theo chỉ dẫn

Nghẹn là gì?

Nghẹn có thể xảy ra khi thức ăn bị mắc kẹt trong khí quản (ống dẫn khí) hoặc thực quản (ống dẫn thức ăn). Nếu đường thở bị nghẽn hoàn toàn, cần phải can thiệp y tế ngay lập tức. Thiếu không khí kéo dài có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho não.

Điều bạn có thể làm

Nếu bạn thấy ai đó bị nghẹn, hãy gọi xe cứu thương và cố gắng giúp người đó khạc ra vật gây nghẹn càng nhanh càng tốt.

Thực hiện thủ thuật Heimlich

Bạn có thể cố gắng làm hết nghẹn bằng cách thực hiện thủ thuật Heimlich:

  • Đứng phía sau người bị nghẹn
  • Đặt một nắm tay hơi cao trên rốn của người đó
  • Nắm chặt nắm tay của bạn bằng tay kia
  • Gập người đó cúi về phía trước trên bề mặt cứng như bàn hoặc ghế
  • Đẩy nắm tay của bạn vào trong và hướng lên trên

Ghi chú: Nếu người đó béo phì hoặc đang mang thai:

  • Đứng sau người bị nghẹn
  • Đặt nắm tay của bạn vào giữa lồng ngực
  • Nắm chặt nắm tay của bạn bằng tay kia
  • Đẩy nắm tay của bạn vào trong và ra phía sau

Dành cho trẻ em nhỏ hơn 1 tuổi

Không thực hiện thủ thuật Heimlich cho trẻ em dưới 1 tuổi.

Thay vào đó, hãy thực hiện:

  • Đặt bé nằm sấp xuống, thân của bé nằm dọc trên cẳng tay của bạn
  • Dùng bàn tay đỡ đầu và hàm của bé
  • Thực hiện tối đa 5 cái vỗ vào lưng giữa hai xương bả vai của trẻ sơ sinh bằng gót bàn tay của bạn
  • Lật trẻ lại nếu dị vật vẫn còn mắc kẹt. Dùng tay đỡ phía sau đầu bé
  • Đặt 2 ngón tay vào giữa xương ức, ngay dưới núm vú
  • Thực hiện ấn ngực 5 lần với ngón tay của bạn bằng cách ấn vào trong với tốc độ nhanh (khoảng một lần mỗi giây), với mỗi lần ấn sâu khoảng 1,5 inch
  • Lặp lại trình tự 5 lần vỗ lưng và 5 lần ấn ngực cho đến khi dị vật được tống ra ngoài
  • Đưa con bạn đến khoa cấp cứu UCC ngay lập tức nếu trẻ bất tỉnh

Nếu bạn đang bị nghẹn

Không cố gắng tự mình loại bỏ xương và vật cứng vì điều này có thể làm tổn thương họng của bạn.

Nuốt từng ngụm nước lớn để cố gắng đưa dị vật xuống, trừ khi đó là xương hoặc vật cứng.

Nếu người đó bất tỉnh

Nếu người bị nghẹn bất tỉnh:

  • Đặt người bị nghẹn trên sàn nhà
  • Gọi xe cấp cứu
  • Thực hiện ép ngực hồi sức tim phổi (CPR) cho đến khi có sự trợ giúp

Tìm hiểu thêm: Điều cần làm nếu bạn thấy có người bị nghẹn

Thời điểm nên đến Khoa cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu:

  • Bạn bị mắc xương hoặc vật cứng trong họng
  • Bạn không thể lấy thức ăn kẹt trong họng ra
  • Con bạn dưới 1 tuổi và bị nghẹn
  • Con bạn bị bất tỉnh

Cảm lạnh là gì?

Cảm lạnh là bệnh nhiễm trùng do vi-rút ảnh hưởng đến mũi và họng. Bệnh gây viêm kèm theo các triệu chứng như nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, đau họng và ho.

Cúm là gì?

Cúm là bệnh đường hô hấp do vi-rút cúm gây ra. Bệnh này nặng và dễ lây lan hơn cảm lạnh.

Triệu chứng cúm

Bạn có thể bị cúm nếu bạn có các triệu chứng:

  • Ho
  • Đau họng
  • Sốt
  • Đau mỏi toàn thân
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Buồn nôn

Thời điểm nên đến Khoa cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu bạn:

  • Khó thở
  • Bị sốt từ 38°C trở lên
  • Được bác sĩ đa khoa chuyển đi
  • Mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh tim, bệnh phổi hoặc bệnh thận
  • Có các triệu chứng bất thường, chẳng hạn như phát ban, yếu cánh tay và chân, đau và sưng khớp
  • Từ 65 tuổi trở lên
  • Đang mang thai

Đối với trẻ em

Đưa con bạn đến Khoa cấp cứu UCC nếu trẻ:

  • Da chuyển sang xanh hoặc tím tái và xám
  • Khó thở hoặc thở nhanh
  • Lờ đờ hoặc không phản ứng như bình thường
  • Từ chối uống nước, hoặc bị mất nước (với các triệu chứng như cáu kỉnh và đi tiểu không thường xuyên)

Các loại tổn thương da

Tổn thương da bao gồm những loại sau:

  • Vết cắt, làm rách bề mặt da của bạn và làm chảy máu.
  • Bầm tím, hình thành khi va chạm mạnh với vật gì đó và các mạch máu nhỏ bị vỡ tạo thành vết đỏ dưới da.

Thời điểm nên đến Khoa Cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu:

  • Vết cắt sâu và không cầm máu được
  • Mô xương hoặc gân lộ ra khỏi vết thương
  • Nghi ngờ có dị vật trong vết thương
  • Bị nhiễm trùng từ vết cắt với các triệu chứng như sốt, sưng, đau hoặc có mủ ở vết thương
  • Vết cắt do súc vật hoặc vật hen gỉ gây ra
  • Bị đánh vào đầu hoặc tai
  • Cảm thấy chóng mặt, buồn nôn hoặc ngất xỉu

Điều bạn có thể làm

Trước khi bạn đến Khoa cấp cứu UCC:

  • Nhẹ nhàng làm sạch vết thương. Rửa kỹ vết thương bằng nước máy hoặc nước muối sinh lý
  • Không cố gắng lấy dị vật lớn hoặc cắm sâu ra khỏi vết thương mà không biết mức độ nặng của vết thương. Điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như mất rất nhiều máu.
  • Giữ vùng tổn thương của bạn cao hơn tim để giảm mất máu.
  • Cầm máu bằng cách ấn trực tiếp lên đó.

Sốt xuất huyết là gì?

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng do vi-rút lây truyền qua vết muỗi cắn.

Triệu chứng của sốt xuất huyết

Trong vòng 4 – 7 ngày, bạn có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Chảy máu mũi hoặc nướu răng hoặc dễ bị bầm tím trên da
  • Đau toàn thân và đau khớp
  • Sốt kéo dài trên 2 ngày.
  • Đau đầu kèm theo đau phía sau mắt
  • Buồn nôn và nôn
  • Phát ban
  • Đau dạ dày

Lưu ý: Tránh sử dụng aspirin vì thuốc này có thể làm cho tình trạng của bạn trầm trọng hơn.

Các biến chứng hiếm gặp do sốt xuất huyết cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

Thời điểm nên đến Khoa cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu bạn:

  • Được bác sĩ đa khoa của bạn chuyển đi
  • Cảm thấy vô cùng uể oải và yếu ớt
  • Bị đau bụng dữ dội hoặc nôn nhiều lần
  • Thở nhanh hoặc khó thở
  • Chảy máu mũi hoặc nướu răng
  • Cảm thấy trầm trọng hơn trong 24 giờ sau khi hết sốt

Sốt là gì?

Bạn bị sốt khi nhiệt độ cơ thể cao hơn 37,4°C. Sốt có thể do nhiễm trùng, bệnh tật, quá nóng hoặc mất nước.

Không dựa vào sờ bằng tay để đánh giá nhiệt độ cơ thể. Hãy sử dụng nhiệt kế.

Triệu chứng sốt

Khi bị sốt, bạn cũng thường bị đau đầu, chán ăn, đau nhức cơ thể, run, đổ mồ hôi, yếu và mặt đỏ, nóng bừng.

Thời điểm nên đến Khoa cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu bạn bị sốt kết hợp với 1 hoặc nhiều triệu chứng sau đây:

  • Ho ra máu
  • Khó thở (đặc biệt là trẻ em)
  • Đau ngực dữ dội
  • Phát ban
  • Khó thở
  • Đau đầu hoặc đau cổ dữ dội
  • Co giật hoặc lú lẫn
  • Nôn hoặc tiêu chảy nặng
  • Đau dữ dội ở bụng, lưng hoặc hai bên

Bạn cũng nên đến Khoa cấp cứu UCC khi bị sốt và:

  • Đang mang thai
  • Gần đây có làm phẫu thuật hoặc thủ thuật y tế
  • Đang hóa trị và nhiệt độ miệng của bạn vượt quá 38°C trong hơn một giờ
  • Đang dùng steroid và thuốc sau khi ghép tạng
  • Mắc bệnh đái tháo đường, bệnh tim, ung thư, bệnh lupus hoặc thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm
  • Bị nhiễm trùng thường xuyên
  • Gần đây đã đến 1 trong các khu vực sau:
    • Châu Phi
    • Châu Á
    • Châu Mỹ Latinh
    • Trung Đông

Đối với trẻ em

Đưa con bạn đến Khoa cấp cứu UCC nếu trẻ:

  • Bị sốt cao hơn 41°C
  • Khó thở
  • Nôn liên tục và bị cứng cổ hoặc đau đầu dữ dội
  • Môi bị xanh hoặc có các mảng da đỏ và tím
  • Bị phát ban hoặc bầm tím không biến mất khi bạn ấn mặt bên của một cái cốc vào đó
  • Co giật do sốt
  • Buồn ngủ, lờ đờ hoặc không phản hồi
  • Không chịu uống nước hoặc cáu kỉnh, lờ đờ và đi tiểu ít do mất nước

Điều bạn có thể làm

Trước khi đến Khoa cấp cứu UCC, bạn hoặc con bạn có thể:

  • Mặc quần áo nhẹ thoải mái.
  • Chườm lạnh lên cổ, nách hoặc trán
  • Uống nước hoặc ngậm đá viên để bổ sung nước. Khuyến cáo nên sử dụng dung dịch điện giải cho trẻ nhỏ.
  • Uống thuốc hạ sốt như paracetamol, ibuprofen hoặc aspirin. Đối với trẻ em, cần cho dùng đúng liều paracetamol tùy theo độ tuổi và cân nặng của trẻ.

Lưu ý:

  • Trẻ em hoặc thanh thiếu niên không được uống aspirin.
  • Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi không được uống ibuprofen.

Triệu chứng của tổn thương đầu nhẹ

Tổn thương đầu nhẹ thường chỉ tác động đến da đầu và hiếm khi gây tổn thương cho não. Bạn có thể gặp các triệu chứng nhẹ và ngắn hạn như:

  • Đau đầu
  • Sưng nhẹ
  • Vết cắt và chảy máu
  • Buồn nôn
  • Chóng mặt hoặc choáng váng nhẹ
  • Thị lực hơi mờ

Triệu chứng thường xuất hiện trong vòng 24 giờ, nhưng có thể mất đến 3 tuần mới xuất hiện trong một số trường hợp. Nếu bạn bị tổn thương đầu nhẹ:

  • Theo dõi các triệu chứng trong vài giờ sau khi bị tổn thương
  • Đi khám bác sĩ nếu có các triệu chứng mới hoặc triệu chứng xấu đi
  • Tránh lái xe cho đến khi bạn cảm thấy hoàn toàn bình phục
  • Không tham gia bất kỳ môn thể thao va chạm nào trong ít nhất ba tuần

Đối với trẻ em

Nếu con bạn bị tổn thương đầu nhẹ:

  • Cho trẻ ngồi xuống và bình ổn trẻ
  • Chườm lạnh (chẳng hạn như túi nước đá) lên đầu để làm dịu cơn đau và giảm sưng
  • Để trẻ nghỉ ngơi trong vài giờ
  • Để ý xem trẻ có bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong 24 giờ tiếp theo chẳng hạn như đau đầu nặng, nôn nhiều lần và buồn ngủ nhiều hơn hoặc dễ bị kích thích
  • Tránh để trẻ tham gia vào các hoạt động gắng sức trong ít nhất 3 ngày tiếp theo

Thời điểm nên đến Khoa cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu bạn hoặc con bạn:

  • Bị thay đổi về giác quan, chẳng hạn như mất thính lực hoặc song thị
  • Bị mất ý thức, dù trong thời gian ngắn
  • Bị co giật
  • Nôn liên tục kể từ khi bị tổn thương
  • Có vấn đề về trí nhớ hoặc bị mất trí nhớ
  • Không thể đi lại hoặc nói bình thường
  • Chảy máu hoặc có dịch trong chảy ra từ tai hoặc mũi
  • Buồn ngủ hoặc lờ đờ
  • Dễ bị kích thích bất thường hoặc khóc liên tục

Nguyên nhân gây đau đầu là gì?

Đau đầu là một tình trạng thường gặp mà nhiều người trong chúng ta đã từng trải qua trong đời.

Nguyên nhân phổ biến gây đau đầu bao gồm căng thẳng, thiếu ngủ, đói, cúm, các vấn đề về xoang, uống quá nhiều rượu bia (dẫn đến mất nước) hoặc dị ứng.

Triệu chứng cũng có thể là hậu quả sau khi bị chấn thương đầu, hoặc dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng hơn như đột quỵ hay u não.

Thời điểm nên đến Khoa cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu bạn:

  • Bạn bị đau đầu nặng nhất từ trước đến nay
  • Bị đập đầu trước khi bị đau đầu và cơn đau đầu ngày càng tệ hơn
  • Bị nói nhịu
  • Cảm thấy yếu hoặc tê tứ chi
  • Bị cứng cổ
  • Bị co giật
  • Bị mờ mắt hoặc mất thị lực

Đối với trẻ em

Đưa con bạn đến Khoa cấp cứu UCC nếu trẻ:

  • Bị mất thị lực
  • Bị yếu cơ
  • Nôn liên tục
  • Bị đau đầu nặng ở vị trí phía sau đầu
  • Lờ đờ, buồn ngủ hoặc không phản ứng

Mề đay là gì?

Mề đay là các nốt phát ban nổi trên da và gây ngứa. Các vết này xuất hiện đột ngột và có thể khu trú ở một vùng trên cơ thể hoặc lan ra rộng hơn. Mề đay có thể kéo dài từ vài giờ đến vài tháng.

Nguyên nhân nổi mề đay

Các bác sĩ thường khó xác định nguyên nhân gây mề đay. Các nguyên nhân thường gặp bao gồm:

  • Căng thẳng
  • Nhiễm trùng
  • Côn trùng cắn
  • Nhiệt độ thay đổi
  • Phản ứng dị ứng với một chất hoặc thức ăn

Để giảm bớt sự khó chịu:

  • Giữ cho da mát mẻ
  • Chườm túi đá lên vùng bị ảnh hưởng
  • Mặc quần áo rộng và nhẹ

Thời điểm nên đến Khoa cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu:

  • Bạn nghi ngờ nổi mề đay là do phản ứng dị ứng
  • Mắt, môi, lưỡi hoặc họng sưng lên
  • Bạn cảm thấy khó thở hoặc khó nuốt
  • Bạn bị đau dạ dày hoặc tiêu chảy

Đối với trẻ em

Đưa con bạn đến Khoa cấp cứu UCC nếu trẻ:

  • Nổi mề đay đột ngột và nặng sau khi bị côn trùng cắn, dùng một loại thuốc mới hoặc ăn một loại thực phẩm mới hoặc thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao, chẳng hạn như sữa hoặc đậu phộng
  • Thở hổn hển
  • Khó thở hoặc khó nuốt
  • Bị đau bụng dữ dội, nôn hoặc tiêu chảy kéo dài
  • Trở nên nhợt nhạt, khập khiễng hoặc bất tỉnh

Điều bạn có thể làm

Trước khi bạn hoặc con bạn đến Khoa cấp cứu UCC:

  • Tránh gãi xước da
  • Tránh mặc quần áo thô ráp, xù xì hoặc bó sát có thể gây kích ứng da
  • Uống thuốc kháng histamin

Vết côn trùng cắn và đốt là gì?

Côn trùng cắn và đốt có thể gây ra các vết đỏ sưng và ngứa trên da. Các vết này thường khỏi sau vài ngày và không cần can thiệp y tế.

Nếu bạn bị côn trùng cắn hoặc đốt:

  • Nhẹ nhàng gỡ mọi ngòi đốt của côn trùng. Không cố gắng bóp ngòi đốt ra vì bạn có thể làm nọc độc lan rộng.
  • Rửa sạch chỗ bị đốt bằng xà phòng và nước. Lau khô.
  • Chườm túi nước đá để giảm sưng.
  • Đừng gãi khu vực có vết đốt vì có thể dẫn đến nhiễm trùng.
  • Bôi thuốc ngoài da không cần kê đơn được dược sĩ khuyên dùng.

Đôi khi, một số vết cắn hoặc đốt của côn trùng có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hơn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Thời điểm nên đến Khoa Cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu:

  • Bạn bị đốt 3 lần trở lên
  • Miệng hoặc mặt cảm thấy ngứa sau khi bạn bị đốt trong miệng hoặc các bộ phận khác của cơ thể
  • Mắt, môi, lưỡi hoặc họng bị sưng
  • Bạn thấy khó thở
  • Bạn cảm thấy buồn nôn, bị nôn hoặc tiêu chảy
  • Tim đập rất nhanh
  • Bạn cảm thấy chóng mặt, kích động hoặc lú lẫn
  • Da trở nên rất nhợt nhạt

Đối với trẻ em

Đưa con bạn đến Khoa cấp cứu UCC nếu trẻ:

  • Cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu
  • Nổi mề đay đột ngột và nặng
  • Mặt sưng vù
  • Khó thở
  • Có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với vết côn trùng cắn
  • Vết côn trùng cắn bị nhiễm trùng và đang rỉ dịch, hoặc nóng, đỏ, sưng hoặc ngày càng lớn hơn

Bỏng nhiệt khô và bỏng nhiệt ướt là gì?

Bỏng nhiệt khô và bỏng nhiệt ướt là tổn thương da do nhiệt gây ra:

  • Bỏng nhiệt khô do sức nóng khô như lửa hoặc kim loại nóng gây ra. Bỏng nhiệt khô được phân loại từ cấp độ một (ít nghiêm trọng nhất) đến cấp độ ba (nghiêm trọng nhất).
  • Bỏng nhiệt ướt xảy ra khi hơi nước, chất lỏng và hóa chất làm tổn thương da.

Cách điều trị bỏng

Nếu bạn bị bỏng cấp độ ba hoặc bị bỏng trên một vùng da rộng, bạn cần chăm sóc y tế ngay lập tức.

Để điều trị những vết bỏng nhỏ cấp độ một và hai:

  • Cởi bỏ quần áo hoặc đồ trang sức gần vết bỏng.

  • Không cố gắng cởi bỏ quần áo bị dính vào vết thương.

  • Đổ nước lạnh lên vết thương trong ít nhất 10 phút. Không sử dụng đá, nước đá, bơ hoặc các chất béo khác.

  • Dùng băng gạc vô trùng hoặc màng bọc phủ không quá chặt lên vết bỏng, cẩn thận không chạm vào vết bỏng hoặc làm chảy dịch các vết phồng rộp.

  • Nhờ dược sĩ khuyến cáo thuốc giảm đau không theo toa.

Thời điểm nên đến Khoa Cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu:

  • Vết bỏng của bạn lớn hơn bàn tay
  • Bạn bị bỏng ở mũi, miệng, họng, mắt, tai hoặc bộ phận sinh dục
  • Bạn hít phải khói
  • Bạn bị khó thở
  • Bạn bị bỏng do hóa chất, điện hoặc sét
  • Da có màu trắng, thô cứng hoặc cháy đen

Đối với trẻ em

Đưa con bạn đến Khoa cấp cứu UCC nếu vết bỏng của trẻ:

  • Đang rỉ mủ và có vẻ nhiễm trùng
  • Trên mặt, bàn tay, ngón tay hoặc ngực
  • Trên một vùng da rộng

Chấn thương nhẹ là gì?

Tai nạn hoặc ngã có thể dẫn đến chấn thương nhẹ ở đầu gối, lưng, mắt cá chân, vai hoặc các khớp khác. Triệu chứng của rách gân hoặc dây chằng có thể gồm:

  • Sưng
  • Đau
  • Bầm tím
  • Căng cứng
  • Nhạy cảm đau
  • Có tiếng lách tách khi bạn di chuyển khớp bị chấn thương

Phớt lờ chấn thương nhẹ quá lâu làm tăng nguy cơ mắc bệnh lâu dài hoặc đau mạn tính. Đến khám bác sĩ phẫu thuật cơ xương khớp để được đánh giá chính xác nếu chấn thương có vẻ không lành được.

Thời điểm nên đến Khoa Cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu:

  • Bạn bị đau nhiều
  • Bạn không thể đè nặng lên chi dưới bị chấn thương
  • Bạn không thể di chuyển khớp hoặc cơ
  • Chi hoặc khớp của bạn trông không bình thường hoặc biến dạng
  • Vùng bị chấn thương của bạn bị tê, đổi màu hoặc lạnh

Buồn nôn là gì?

Buồn nôn là cảm giác khó chịu trong dạ dày khiến bạn muốn nôn.

Nguyên nhân gây buồn nôn?

Buồn nôn có thể do:

  • Dị ứng thức ăn
  • Ốm nghén khi mang thai
  • Say tàu xe
  • Ăn quá nhiều
  • Nhiễm trùng do vi-rút

Để giảm buồn nôn:

  • Hớp từng ngụm nhỏ nước hoặc thức uống thể thao.
  • Ăn lượng nhỏ thức ăn nhạt, ít calo.
  • Tránh ăn nếu bạn vừa nôn.

Thời điểm nên đến Khoa cấp cứu UCC

Buồn nôn có thể là dấu hiệu của tắc ruột, chấn thương sọ não hoặc tổn thương đầu. Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu bạn:

  • Bị đau dữ dội ở dạ dày, ngực hoặc bụng
  • Đau đầu dữ dội hoặc cứng cổ
  • Bị sốt cao hơn 38°C
  • Bị nôn sau chấn thương đầu
  • Nôn ra máu hoặc chất giống như bã cà phê
  • Có máu trong phân hoặc phân đen như hắc ín
  • Cảm thấy vô cùng mệt mỏi hoặc khó thức dậy
  • Bị mất nước nghiêm trọng, với các dấu hiệu như:
    • Mệt mỏi
    • Khát nước rất nhiều kèm theo khô miệng hoặc khô lưỡi
    • Chuột rút
    • Chóng mặt
    • Lú lẫn
    • Nước tiểu vàng sậm, hoặc không mót tiểu trong lâu hơn 5 giờ

Đối với trẻ em

Đưa con bạn đến Khoa cấp cứu UCC nếu trẻ:

  • Nôn ra máu hoặc chất màu xanh
  • Đã bị nôn trong nhiều ngày
  • Bị cứng cổ, đau đầu hoặc phát ban
  • Buồn ngủ
  • Ăn uống vào là nôn ra
  • Có dấu hiệu mất nước như cáu kỉnh, lờ đờ hoặc đi tiểu không thường xuyên

Điều bạn có thể làm

Trước khi bạn hoặc con bạn đến Khoa cấp cứu UCC, bạn có thể:

  • Mang theo túi nôn dùng một lần
  • Nghỉ ngơi trong tư thế ngồi hoặc nằm ngửa đầu cao
  • Tránh ép bản thân hoặc con bạn ăn.
  • Uống chậm từng ngụm nước
  • Uống dung dịch bù nước để thay thế chất điện giải bị mất do nôn
  • Tránh đồ uống chứa caffein hoặc có ga.
  • Tránh ăn đồ ăn giàu chất béo và nhiều dầu mỡ

Chảy máu mũi là gì?

Chảy máu mũi xảy ra khi các mạch máu nhỏ trong mũi bị vỡ ra. Chảy máu có thể ít hoặc nhiều và có thể xảy ra ở một hoặc cả hai lỗ mũi. Chảy máu mũi có thể kéo dài từ vài giây đến hơn 10 phút.

Nguyên nhân gây chảy máu mũi là gì?

Chảy máu mũi có thể do:

  • Xì mũi quá mạnh
  • Khí hậu khô
  • Kích ứng do dị vật trong mũi
  • Bị đánh vào mặt
  • Dị ứng
  • Nhiễm trùng
  • Sử dụng rượu bia hoặc ma túy

Nếu bạn bị chảy máu mũi:

  • Ngồi xuống, nghiêng người về phía trước và bóp phần ngay phía trên lỗ mũi
  • Thở bằng miệng và đợi đến khi máu ngừng chảy
  • Đặt túi nước đá lên sống mũi nếu mũi bạn bị thương

Thời điểm nên đến Khoa cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu:

  • Bạn bị chảy máu mũi do chấn thương, chẳng hạn như bị đấm hoặc đánh bằng vật nào đó
  • Chảy máu không ngừng sau 20 phút

Đối với trẻ em

Đưa con bạn đến Khoa cấp cứu UCC nếu trẻ:

  • Có dị vật kẹt trong mũi
  • Bị chảy máu mũi không ngừng trong hơn 30 phút sau khi đã sơ cứu
  • Kèm theo bầm tím trên cơ thể
  • Xanh xao, chóng mặt hoặc cảm thấy yếu
  • Bị chảy máu ở các khu vực khác, chẳng hạn như nướu răng

Nguyên nhân gây viêm kết mạc (đau mắt) là gì?

Viêm kết mạc (còn được gọi là đau mắt hoặc “mắt đỏ”) là tình trạng viêm mắt. Mắt có thể bị đau sau khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng, và một số trường hợp có thể bị viêm kết mạc.

Các nguyên nhân thường gặp bao gồm:

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc vi-rút
  • Phản ứng dị ứng với khói, phấn hoa hoặc bụi
  • Kích ứng do hóa chất như clo trong hồ bơi hoặc các chất trong kính áp tròng

Triệu chứng của viêm kết mạc

Triệu chứng của viêm kết mạc bao gồm:

  • Mắt đỏ hoặc hồng
  • Sưng, ngứa hoặc đau mắt
  • Chảy nước hoặc tiết dịch vàng
  • Cảm giác như có vật gì đó giống như cát mắc kẹt trong mắt

Viêm kết mạc rất dễ lây lan. Nếu bạn hoặc con bạn bị viêm kết mạc:

  • Tránh chạm tay trực tiếp vào mắt bị nhiễm bệnh
  • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn
  • Tránh gửi con bạn đến trường hoặc nhà trẻ cho đến khi các triệu chứng của bệnh hết hoàn toàn

Thời điểm nên đến Khoa cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu:

  • Bạn cảm thấy có dị vật trong mắt
  • Thị lực của bạn bị ảnh hưởng, chẳng hạn như bị mờ hoặc nhạy cảm với ánh sáng
  • Mắt bạn đau là do kích ứng hóa chất

Đối với trẻ em

Nếu trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc, hãy đưa con bạn đến Khoa cấp cứu UCC.

Bong gân và căng cơ là gì?

Căng cơ và bong gân là tổn thương cho cơ, gân hoặc dây chằng do tai nạn xảy ra trong khi bạn di chuyển.

  • Bong gân là các dây chằng bị căng hoặc bị rách một phần, phổ biến nhất ở đầu gối, mắt cá chân và cổ tay.
  • Căng cơ là hiện tượng cơ hoặc gân bị căng hoặc rách một phần, thường là ở chân và lưng.

Cả hai đều có thể gây đau, sưng, bầm tím, đau nhức và hạn chế cử động.

Nếu bạn nghi ngờ bị gãy xương (gãy xương, hãy đến cơ sở y tế điều trị.

Điều trị bong gân và căng cơ

Bạn có thể điều trị vùng chấn thương bằng liệu pháp PRICE:

  • Bảo vệ vùng chấn thương không bị tổn thương thêm, chẳng hạn như sử dụng nạng hoặc đai
  • Cho vùng chấn thương nghỉ ngơi để hỗ trợ lành thương
  • Chườm đá vùng chấn thương để giảm sưng và đau
  • Băng chặt bằng băng thun để giảm sưng và hỗ trợ khớp
  • Nâng cao vùng chấn thương trên độ cao của tim để giảm sưng

Thời điểm nên đến Khoa cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu:

  • Bạn được bác sĩ đa khoa chuyển đi
  • Bạn đang bị đau dữ dội ở vùng bị chấn thương
  • Tay chân bị biến dạng

Đối với trẻ em

Đưa con bạn đến Khoa cấp cứu UCC nếu trẻ:

  • Bị tê hoặc lạnh ở chi bị chấn thương
  • Có các triệu chứng như đau hoặc sưng không cải thiện sau vài ngày
  • Bị biến dạng hoặc lộ xương do chấn thương
  • Bị đau ở vùng chấn thương kể cả sau khi uống thuốc giảm đau
  • Đang đau dữ dội
  • Không thể di chuyển hoặc chịu sức nặng trên khớp hoặc cơ bị chấn thương

Điều bạn có thể làm

Trước khi bạn hoặc con bạn đến Khoa cấp cứu UCC:

  • Cố gắng không đặt bất kỳ vật nặng nào lên vùng bị chấn thương
  • Chườm túi đá bọc trong khăn ướt lên vùng bị chấn thương trong khoảng 15 – 20 phút sau mỗi 2 – 3 giờ
  • Tránh tập thể dục, chườm nóng, uống rượu bia và mát-xa vì có thể làm sưng nặng hơn
  • Uống thuốc giảm đau như paracetamol nếu bạn bị đau dữ dội

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ ngăn dòng máu và oxy đến não, có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong. Cần chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn nghi ngờ mình hoặc ai đó bị đột quỵ.

Yếu tố nguy cơ gây đột quỵ

Bạn có nguy cơ bị đột quỵ cao nhất nếu bị huyết áp cao, đái tháo đường hoặc bệnh tim, nếu có hút thuốc và uống quá nhiều rượu bia.

Giảm nguy cơ bằng cách giữ huyết áp tốt, bỏ hút thuốc và tập thể dục thường xuyên.

Thời điểm nên đến Khoa Cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu:

  • Bạn bị đau đầu dữ dội và nặng trong hơn 15 phút
  • Cơn đau đầu trầm trọng hơn khi bạn đi bộ hoặc hoạt động gắng sức
  • Bạn cảm thấy yếu hoặc tê ở một bên cơ thể
  • Bạn cảm thấy chóng mặt, khó thở hoặc đổ mồ hôi đầm đìa
  • Bạn bị khó thở
  • Bạn nói nhịu hoặc đứt quãng
  • Mắt hoặc mặt của bạn bị xệ xuống hoặc không thể cười đều hai bên mặt
  • Bạn đột ngột lú lẫn hoặc gặp khó khăn để hiểu ngôn ngữ

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là gì?

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn phổ biến, chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ. UTI thường kéo dài từ 24 đến 48 giờ. Các triệu chứng của UTI bao gồm:

  • Đau bụng
  • Có máu trong nước tiểu
  • Mót tiểu thường xuyên hơn bình thường
  • Cảm giác nóng rát ở đường tiết niệu

Nếu bạn bị UTI, hãy uống nhiều nước để thanh lọc cơ thể và tránh nhịn tiểu khi cảm thấy cần đi tiểu. Thuốc kháng sinh cũng có thể giúp bạn khỏi bệnh nhanh hơn.

UTI có thể gây nhiễm trùng thận, lúc này bạn cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

Thời điểm nên đến Khoa cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu bạn:

  • Bị đau dữ dội hoặc nhạy cảm đau ở lưng hoặc bên hông
  • Bị sốt nặng
  • Cảm thấy buồn nôn hoặc nôn

Đối với trẻ em

Đưa con bạn đến Khoa cấp cứu UCC nếu trẻ:

  • Bị sốt
  • Bị đau lưng
  • Có máu trong nước tiểu
  • Cảm thấy đau khi đi tiểu
  • Nước tiểu có mùi hôi
  • Nôn hoặc bỏ ăn

Chóng mặt là gì?

Chóng mặt là cảm giác những vật ở gần đang xoay xung quanh bạn. Tình trạng này có thể đi kèm với buồn nôn, nôn hoặc ù tai.

Chóng mặt có liên quan đến một vài bệnh lý. Một trong những bệnh phổ biến nhất là viêm mê đạo tai, là tình trạng các dây thần kinh trong tai bị sưng và các dây thần kinh này có ý nghĩa quan trọng cho sự thăng bằng.

Nếu bạn bị chẩn đoán nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê toa thuốc để làm giảm các triệu chứng.

Trong một số trường hợp hiếm gặp hơn, chóng mặt là dấu hiệu của bệnh thần kinh nghiêm trọng như đột quỵ, đòi hỏi phải được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Thời điểm nên đến Khoa Cấp cứu UCC

Hãy đến Khoa cấp cứu UCC nếu:

  • Bạn rất khó chịu do chóng mặt
  • Bạn khó giữ thăng bằng hoặc đi bộ
  • Bạn bị khó nói hoặc khó nuốt
  • Mặt bạn bị xệ
  • Cánh tay và chân bạn cảm thấy tê hoặc yếu
  • Bạn bị chấn thương ở cổ gần đây