Bệnh gout - Triệu chứng & Nguyên nhân

Bệnh gout là gì?

Bệnh gout là một dạng bệnh khớp do tinh thể, gây ảnh hưởng đến các khớp. Nồng độ axit uric trong máu cao có thể dẫn đến việc axit uric tích tụ trong khớp và gây ra phản ứng viêm và đau dữ dội.

Bệnh gout là dạng [viêm khớp] phổ biến nhất(/conditions-diseases/arthritis/symptoms-causes). Bệnh thường ảnh hưởng đến các khớp như:

  • Ngón chân cái
  • Bàn chân
  • Mắt cá chân
  • Gót chân
  • Mu bàn chân
  • Đầu gối

Dù ít phổ biến hơn nhưng bệnh gout cũng có thể ảnh hưởng đến các khớp ở chi trên như ngón tay hoặc cổ tay.

Bệnh gout có thể gây ra các cơn đau dữ dội, đột ngột, tình trạng đỏ và nhạy cảm đau ở khớp. Khớp bị ảnh hưởng có thể nhạy cảm đau đến mức khiến bạn khó trở mình khi nằm trên giường hoặc khiến bạn thức giấc giữa đêm vì cảm thấy ngón chân cái nóng như lửa đốt.

Axit uric tích tụ ở khớp

Triệu chứng của bệnh gout là gì?

Dấu hiệu đầu tiên khi cơn gout xuất hiện là cảm giác nhói và nóng đột ngột ở khớp bị ảnh hưởng.

Cơn đau này có thể nhanh chóng trở nên dữ dội, khiến khớp sưng và đỏ. Cơn đau ban đầu thường biến mất hoàn toàn trong vòng một tuần.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Đau và khó đi lại trong cơn gout cấp tính.
  • Tinh thể axit uric (tophi) với kích thước rất lớn xuất hiện trong khớp hoặc các mô khác.
  • Cơn đau tiếp diễn liên tục (mạn tính) kèm theo giảm khả năng vận động ở khớp bị ảnh hưởng.
  • Da nhạy cảm đau, nhạy cảm và đau vùng xung quanh khớp, có thể cực kỳ đau khi chạm vào.

Nguyên nhân gây bệnh gout là gì?

Bệnh gout xảy ra khi có thừa axit uric trong máu. Axit uric được cơ thể tạo ra khi phân hủy purine, hợp chất hóa học phổ biến có trong thực phẩm và đồ uống.

Thông thường, axit uric sẽ đi qua thận. Tuy nhiên, chế độ ăn uống nhiều purine có thể khiến lượng axit uric trong máu trở nên dư thừa, không thể bài tiết hết qua nước tiểu.

Axit uric dư thừa sẽ đọng lại trong khớp, tạo thành các tinh thể gọi là tophi. Chính những tinh thể này là nguyên nhân gây viêm, sưng và đau.

Những yếu tố nào gây nguy cơ bị bệnh gout?

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh gout bao gồm:

  • Chế độ ăn uống giàu purine nhiều thịt đỏ, thịt nội tạng, hải sản, bia và fructose (đường trái cây).
  • Béo phì, tình trạng khiến cơ thể sản sinh ra nhiều axit uric hơn, đồng thời khiến thận khó đào thải axit uric hơn.
  • Các bệnh lý như suy tim sung huyết, huyết áp cao, đái tháo đường, bệnh về trao đổi chất và bệnh thận.
  • Các loại thuốc nhất định như aspirin và thuốc lợi tiểu thiazide (thường được kê đơn cho huyết áp cao), có thể làm tăng nồng độ axit uric.
  • Tiền sử gia đình bị bệnh gout cũng làm gia tăng khả năng bị bệnh gout.
  • Giới tính, trong đó, nam giới có nhiều khả năng bị bệnh gout hơn trong giai đoạn 30 – 50 tuổi. Phụ nữ sau mãn kinh cũng phải đối mặt với nguy cơ cao hơn.

Biến chứng và các bệnh liên quan của bệnh gout là gì?

Khi không được điều trị, bệnh gout có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Tổn thương khớp, dẫn đến biến dạng và hạn chế khả năng vận động.
  • Tích tụ lắng đọng tinh thể axit uric dưới da.
  • Tích tụ tinh thể axit uric trong đường tiết niệu, dẫn đến sỏi thận.
  • Các đợt gout tái phát, với tần suất có thể gia tăng nếu nồng độ axit uric không giảm xuống.
  • Suy yếu chức năng thận hay suy thận.
  • Huyết áp cao.

Làm thế nào để phòng tránh bệnh gout?

Không thể hoàn toàn phòng tránh bệnh gout. Tuy nhiên, việc điều chỉnh lối sống có thể giúp giảm bớt mức độ nghiêm trọng và tần suất của các cơn gout.

Bạn có thể giảm bớt nguy cơ mắc bệnh gout bằng cách:

  • Hạn chế hoặc tránh đồ uống có cồn, đặc biệt là bia.
  • Hạn chế hoặc tránh đồ uống có đường, đặc biệt là những loại có chứa syrup ngô có hàm lượng fructose cao.
  • Hạn chế ăn thịt, đặc biệt là thịt đỏ, nội tạng và hải sản.
  • Duy trì cân nặng cơ thể có lợi cho sức khỏe. Nếu bạn cần giảm cân, tránh nhịn ăn hoặc giảm cân đột ngột vì việc này có thể làm gia tăng tạm thời nồng độ axit uric.
  • Tăng cường uống nước và tiêu thụ sản phẩm từ sữa ít béo. Những thực phẩm này có tác dụng ngăn ngừa bệnh gout.
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

 

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777