Di căn xương - Triệu chứng & Nguyên nhân

Di căn xương và ung thư xương là gì?

Di căn xương là tình trạng ung thư ở một cơ quan khác đã lan đến xương. Còn được biết đến với tên gọi ung thư xương thứ phát, di căn xương xảy ra khi tế bào ung thư tách ra và lây lan từ vị trí khối u ban đầu (nguyên phát) đến xương. Tình trạng này khác với u xương nguyên phát, khởi phát trong xương.

Mặc dù tất cả các loại ung thư đều có khả năng lan đến xương, có những loại ung thư có khả năng dẫn đến di căn xương cao hơn, chẳng hạn như:

Ung thư xương là ung thư phát triển ngay từ xương. Ung thư xương, còn gọi là ung thư xương nguyên phát, có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi. Ung thư xảy ra khi tế bào phân chia bất thường mất kiểm soát. Mặc dù có thể khởi phát tại xương bất kỳ trên cơ thể, ung thư xương thường ảnh hưởng đến vùng chậu hoặc xương ở cánh tay và chân.

Các loại ung thư xương

Các loại ung thư xương thường gặp nhất bao gồm:

  • Ung thư mô liên kết tạo xương – Đây là thể ung thư xương thường gặp nhất, khởi phát tại tế bào tạo xương. Ung thư mô liên kết tạo xương có thể khởi phát tại xương bất kỳ nhưng thường gặp nhất ở chân hoặc cánh tay. Hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư mô liên kết tạo xương đều dưới 25 tuổi và bệnh này được cho là xảy ra ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới.
  • Ung thư mô liên kết tạo sụn – Loại ung thư xương ác tính chủ yếu ảnh hưởng đến tế bào sụn của xương đùi, cánh tay, vùng chậu, đầu gối và cột sống. Bệnh này thường gặp ở người trung niên và là bệnh lý xương ác tính nguyên phát phổ biến thứ hai. Bệnh này cũng kháng hóa trị và xạ trị, khiến bệnh trở thành một trong các u xương khó chẩn đoán và điều trị nhất.
  • Ung thư mô liên kết Ewing – Đây là loại u ung thư hiếm gặp phát triển trong xương hoặc mô mềm quanh xương. Bệnh này chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em và người trưởng thành trẻ tuổi trong độ tuổi từ 5 – 25.

Triệu chứng của di căn xương và ung thư xương là gì?

Điều quan trọng là phải chú ý đến những thay đổi trong cơ thể và các triệu chứng tiềm ẩn để phát hiện sớm ung thư xương. Triệu chứng ung thư xương bao gồm:

  • Sờ thấy cục u hoặc thấy sưng quanh khớp hoặc xương
  • Sốt
  • Đau xương hoặc khớp
  • Đỏ da
  • Mệt mỏi
  • Sụt cân đột ngột

Nguyên nhân gây di căn xương và ung thư xương là gì?

Tế bào ung thư khác với tế bào bình thường về nhiều mặt. Không giống như tế bào bình thường, tế bào ung thư liên tục phát triển và nhân đôi, tạo thành u có kích thước ngày càng lớn. Chưa rõ nguyên nhân khiến các tế bào này phân chia mất kiểm soát.

Những yếu tố nào gây nguy cơ ung thư xương?

Một số yếu tố liên quan đến việc gia tăng nguy cơ bị ung thư xương bao gồm:

  • Hội chứng di truyền – Một số hội chứng di truyền hiếm gặp như hội chứng Li-Fraumeni và u nguyên bào võng mạc di truyền có thể làm tăng nguy cơ ung thư xương
  • Xạ trị – Người từng phơi nhiễm phóng xạ (ví dụ như xạ trị để điều trị ung thư) có nguy cơ cao hơn
  • Hóa trị – Một số loại thuốc dùng trong hóa trị có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư xương
  • Ung thư thứ phát – Khi ung thư khởi phát tại một vị trí trong cơ thể và lan sang vị trí khác, đây là ung thư thứ phát hay di căn. Một số loại ung thư đặc biệt dễ di căn đến xương, bao gồm ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.
  • Bệnh lý xương khác – U lành tính trong xương và bệnh khác về xương không phải ung thư có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư xương. Trong một số trường hợp hiếm gặp, người mắc bệnh Paget xương, bệnh lý làm gián đoạn quá trình cơ thể thay thế dần mô xương cũ bằng mô xương mới, có thể bị ung thư xương.

Các biến chứng và bệnh liên quan của ung thư xương gì?

Ung thư xương có thể ảnh hưởng đến sức khỏe xương và khiến bạn có nguy cơ gặp phải biến chứng, bao gồm:

  • Đau xương – Cơn đau thường âm ỉ và liên tục, có thể nặng hơn khi ung thư tiến triển.
  • Tăng canxi máu – Bệnh lý có nồng độ canxi trong máu quá cao. Triệu chứng của tăng canxi máu bao gồm đau bụng, buồn nôn, nôn và chán ăn.
  • Gãy xương bệnh lý – Xương bị ung thư trở nên yếu và có thể dẫn đến gãy xương.
  • Chèn ép tủy sống – Tình trạng này gây đau dữ dội, vận động yếu, suy giảm giác quan và các vấn đề về dáng đi. Tình trạng này cũng có thể làm rối loạn các chức năng của ruột, bàng quang và cơ quan sinh dục.

Làm thế nào để phòng ngừa ung thư xương?

Vì có nhiều yếu tố có thể gây ra các loại ung thư khác nhau bao gồm cả ung thư xương nên vẫn chưa xác định được cách phòng ngừa.

Cách tốt nhất để chống lại căn bệnh này là phát hiện sớm. Ung thư xương được phát hiện càng sớm, khả năng điều trị thành công càng cao.

Người có nguy cơ cao bị ung thư xương nên đi khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt nếu mắc phải các bệnh lý như hội chứng Li-Fraumeni, u nguyên bào võng mạc hoặc các bệnh lý khác có nguy cơ di truyền ung thư mô liên kết. Trao đổi với đội ngũ y tế để biết thêm thông tin về nguy cơ bị ung thư xương của riêng bạn.

Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

 

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777