Ung thư vú - Triệu chứng & Nguyên nhân

Ung thư vú là gì?

Ung thư vú là sự tăng trưởng bất thường của các tế bào trong vú mà đôi khi có thể sờ thấy u cục hoặc khối gọi là u. U phát triển khi các tế bào trong vú phân chia không kiểm soát và sinh ra mô thừa. U vú có thể lành tính (không ung thư) hoặc ác tính (ung thư). Các tế bào ung thư có thể lan rộng bên trong vú đến các hạch bạch huyết (tuyến) ở nách và các bộ phận khác trên cơ thể.

Ung thư vú có các loại nào?

Các loại ung thư vú thường gặp nhất gồm có:

  • Ung thư biểu mô ống tại chỗ (DCIS).
  • Ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ (LCIS).
  • Ung thư biểu mô ống xâm lấn (IDC).
  • Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn (ILC hay ILB).
  • Bệnh Paget vú.
  • Ung thư vú dạng viêm (IBC).

Các giai đoạn ung thư vú

Ung thư vú được chia làm 5 giai đoạn từ giai đoạn 0 (tiền ung thư) đến giai đoạn IV (di căn, ung thư vú giai đoạn cuối). Mỗi giai đoạn thể hiện tình trạng tiến triển của tế bào ung thư vú trong cơ thể người bệnh.

  • Giai đoạn 0: Tiền ung thư. Đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư vú khi các tế bào ung thư chưa xâm lấn mà mới chỉ bắt đầu tăng trưởng bất thường trong các ống dẫn sữa.
  • Giai đoạn I: Xâm lấn. Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư vú không còn ở vị trí xuất hiện ban đầu mà bắt đầu lan sang các mô vú khỏe mạnh.
  • Giai đoạn II: Phát triển. Trong giai đoạn II, khối u vú lớn hơn so với trong giai đoạn I nhưng ung thư chưa lan (di căn) tới phần xa của cơ thể.
  • Giai đoạn III: Lan rộng. Đây là giai đoạn các tế bào ung thư vú đã tiến triển và di chuyển đến các hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn IV: Di căn. Đây là giai đoạn tiến triển nhất của ung thư vú khi các tế bào ung thư vú đã lan (di căn) tới các khu vực khác của cơ thể. Giai đoạn này còn được gọi là ung thư vú giai đoạn cuối và việc điều trị khó khăn hơn so với các giai đoạn trước.

Các bệnh nhân mắc ung thư vú giai đoạn đầu (giai đoạn sớm) là khi các khối u mới chỉ xuất hiện tại biểu mô tuyến vú hoặc phát triển với kích thước dưới 2 cm và có thể lan đến ít hạch bạch huyết ở nách (đầu giai đoạn III). Các triệu chứng tại giai đoạn đầu rất dễ bị bỏ qua nếu không thực hiện cẩn trọng các phương pháp khám sàng lọc ung thư.

Triệu chứng của ung thư vú là gì?

Ung thư vú có thể bao gồm bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Cục u không đau ở vú
  • Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường ở núm vú
  • Da sần vỏ cam hoặc nhăn nheo ở vú
  • Ngứa và phát ban dai dẳng quanh núm vú
  • Núm vú bị tụt hoặc lõm vào trong
  • Da trên vú sưng và dày lên

Nguyên nhân gây ung thư vú là gì?

Nguyên nhân gây ung thư vú hiện chưa được xác định. Theo thống kê, 5 đến 10% các ca ung thư vú có liên quan đến đột biến gen BRCA và mang tính di truyền. BRCA1 và BRCA2 được biết đến là những gen ức chế khối u ở người và cả hai đều nhạy cảm với ung thư vú. Các gen này giúp sửa chữa ADN bị hư hỏng hoặc phá hủy các ADN không thể được sửa chữa. Nếu BRCA1 và BRCA2 bị phá hủy do đột biến BRCA thì ADN bị hư hỏng không được sửa chữa đúng cách và điều này làm tăng nguy cơ ung thư vú. Các đột biến BRCA thường có liên hệ tới yếu tố di truyền.

Ung thư vú cũng có thể xảy ra ở những phụ nữ bắt đầu hành kinh từ khi còn nhỏ tuổi (nguyên nhân nội tiết tố). Các hoóc-môn nữ bình thường kiểm soát sự phân chia tế bào trong vú và có thể kích thích gây ung thư vú. Phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.

Khối u ung thư vú hình thành như thế nào?

Ung thư vú thường bắt đầu từ các tế bào trong ống dẫn sữa (ung thư biểu mô ống xâm lấn). Ung thư vú cũng có thể hình thành trong mô tuyến được gọi là tiểu thùy (ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn) hoặc trong các tế bào hoặc mô khác trong vú. Các tế bào bất thường này phân chia nhanh hơn các tế bào khỏe mạnh và tiếp tục tích tụ, tạo thành một khối. Các tế bào có thể lan (di căn) đến các hạch bạch huyết hoặc đến các bộ phận khác của cơ thể.

Các yếu tố nguy cơ của ung thư vú

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư vú bao gồm:

  • Giới tính: Nguy cơ ung thư vú ở nữ giới cao hơn nam giới.
  • Độ tuổi: Tuổi càng cao, nguy cơ ung thư vú càng tăng.
  • Bản thân mắc bệnh lý về tuyến vú: Như xơ vú, áp xe vú không được điều trị kịp thời.
  • Yếu tố di truyền: Trong gia đình có thành viên mắc ung thư vú.
  • Bản thân có tiền sử ung thư vú: Nếu người bệnh từng bị ung thư 1 bên vú thì sẽ bị tăng nguy cơ hình thành ung thư ở bên vú còn lại hoặc tái phát.
  • Phơi nhiễm phóng xạ: Từng được điều trị phóng xạ vùng ngực khi còn nhỏ, hoặc khi mới lớn.
  • Béo phì: Béo phì làm tăng nguy cơ ung thư vú.
  • Dậy thì sớm: Bắt đầu hành kinh trước 12 tuổi cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú.
  • Mãn kinh muộn: Phụ nữ mãn kinh muộn cũng bị tăng nguy cơ ung thư vú.
  • Chưa bao giờ mang thai: Phụ nữ chưa từng mang thai có nguy cơ ung thư vú cao hơn so với những người đã mang thai.
  • Dùng hoóc-môn sau mãn kinh: việc dùng estrogen và progesteron sau mãn kinh cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú.
  • Uống rượu bia: Sử dụng rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Ung thư vú có thể biến chứng như thế nào?

Ung thư vú ở giai đoạn muộn có thể gây ra nhiều biến chứng, bao gồm đau nhức do ung thư, biến chứng ở xương, phổi, gan và não.

Đau nhức do ung thư

Bản thân ung thư có thể gây ra đau nhức khi các khối u phát triển và chiếm chỗ của các khu vực khỏe mạnh trước đây của cơ thể. Ung thư có thể gây áp lực lên các cơ quan, dây thần kinh và xương, gây ra các cơn đau nhức âm ỉ hoặc đau nhói.

Biến chứng ở xương

Ung thư vú thường di căn đến xương và gây ra một số biến chứng. Các biến chứng này chủ yếu là do hiện tượng tiêu xương. Ở người trẻ tuổi khỏe mạnh, quá trình tiêu xương và quá trình tái tạo xương diễn ra với tốc độ ngang nhau. Nhưng ở người cao tuổi và người bị di căn, tiêu xương diễn ra với tốc độ nhanh hơn, khiến xương trở nên yếu hơn. Do đó, người bệnh bị di căn vào xương sẽ dễ bị nứt, gãy xương, thậm chí cả khi không do chấn thương nào quá lớn.

Quá trình tiêu xương diễn ra nhanh là nguyên nhân dẫn đến tăng canxi trong máu, gây ra một số vấn đề khác như suy thận, sỏi thận, các vấn đề về thần kinh bao gồm lú dẫn, mất trí, v.v.

Ngoài ra, khi các tế bào ung thư phát triển gần cột sống, chúng có thể gây áp lực lên tủy sống và các dây thần kinh lân cận. Áp lực này có thể gây đau lưng hoặc cổ, tê hoặc ngứa ran và đi lại khó khăn.

Biến chứng ở phổi

Ung thư vú khi lan đến phổi có thể gây ra tình trạng khó thở, thở khò khè, đau ngực hoặc khó chịu hoặc ho không thuyên giảm.

Tế bào ung thư vú đôi khi có thể dẫn đến một biến chứng gọi là tràn dịch màng phổi. Đây là tình trạng khi mà các tế bào ung thư đi vào phần chất lỏng quanh phổi của bạn. Khi đó cần thực hiện thủ thuật để loại bỏ phần dịch dư thừa.

Biến chứng ở gan

Ở khoảng một nửa số người được chẩn đoán ung thư vú di căn, tế bào ung thư có thể được phát hiện ở gan, hình thành các khối u, ảnh hưởng đến chức năng gan.

Các dấu hiệu ban đầu bao gồm đau hoặc đầy bụng. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn bao gồm giảm cân đột ngột, nôn mửa hoặc vàng da.

Biến chứng ở não

Khi tế bào ung thư di căn đến não, có thể ảnh hưởng đến tầm nhìn, trí nhớ và hành vi của người bệnh. Các triệu chứng có thể bao gồm đau đầu thường xuyên, chóng mặt, buồn nôn, nôn và co giật.

Ngoài ra, bệnh nhân ung thư vú có thể bị tăng nguy cơ nhiễm trùng, mắc các bệnh không truyền nhiễm. Trong đó nguy cơ cao nhất là bệnh phù bạch huyết, viêm da do bức xạ, giảm bạch cầu trung tính – tương ứng với tác dụng phụ của phương pháp điều trị phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Mặc dù tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh khác nhưng nguy cơ tử vong tăng ở bệnh nhân ung thư vú là do các loại ung thư đặc khác do rối loạn mãn kinh, do đó bệnh nhân cần được theo dõi, khám phụ khoa định kỳ.

Cách ngăn ngừa ung thư vú

Cách ngăn ngừa ung thư vú ở phụ nữ có nguy cơ trung bình

Việc thay đổi các thói quen sinh hoạt hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú, ví dụ như: hạn chế dùng bia rượu, tập thể dục thường xuyên, hạn chế sử dụng hoóc-môn thay thế, duy trì cân nặng hợp lý, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tự kiểm tra vú thường xuyên, hỏi ý kiến bác sĩ khi nào cần khám sàng lọc.

Cách ngăn ngừa ung thư vú ở phụ nữ có nguy cơ cao

Ở phụ nữ có nguy cơ cao và rất cao có thể cân nhắc phương pháp phẫu thuật dự phòng, tức là phẫu thuật cắt bỏ vú khỏe mạnh hoặc dùng thuốc dự phòng (hóa trị dự phòng) như thuốc chặn estrogen để giảm nguy cơ mắc bệnh sau khi tham vấn bác sĩ chuyên khoa về các lợi ích và nguy cơ của mỗi biện pháp ngăn ngừa.

Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

 

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777