Loạn sản phát triển xương hông (Loạn sản hông) - Triệu chứng & Nguyên nhân

Loạn sản hông là gì?

Loạn sản phát triển xương hông (DDH), còn gọi là loạn sản hông hoặc trật khớp hông bẩm sinh (CHD), một bệnh lý trong quá trình phát triển khi trẻ sinh ra có hông không ổn định. Bệnh liên quan đến quá trình hình thành khớp hông bất thường, xảy ra trong giai đoạn đầu phát triển của thai nhi.

Loạn sản hông nghĩa là ổ cối (hốc) không bao bọc đủ đầu (chỏm cầu) xương đùi. Dưới đây là các mức độ bệnh:

  • Nếu nặng, bệnh có thể biểu hiện ở trẻ nhỏ dưới dạng trật khớp hông bẩm sinh
  • Nếu nhẹ, bệnh có thể chỉ xuất hiện ở người trưởng thành dưới dạng rách sụn viền ổ cối và tổn thương sụn, dẫn đến viêm xương khớp ở hông

Hầu hết người bị loạn sản hông là do bẩm sinh.

Triệu chứng của loạn sản hông là gì?

Dấu hiệu và triệu chứng sẽ khác nhau tùy vào nhóm tuổi.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bạn có thể nhận thấy:

  • Một chân dài hơn chân còn lại
  • Xuất hiện tình trạng đi khập khiễng khi trẻ bắt đầu đi
  • Một bên hông có thể kém linh hoạt hơn so với bên còn lại khi thay tã

Trẻ sơ sinh được khám sàng lọc loạn sản hông định kỳ. Vì vậy, bác sĩ chuyên khoa sơ sinh thường phát hiện ra bệnh này và trẻ sơ sinh được chuyển điều trị sau đó.

người trưởng thành, triệu chứng loạn sản hông thường bao gồm đau phía trước háng và bên hông, khớp kêu gây đau hoặc đi khập khiễng gây đau. Nguyên nhân có thể là do rách sụn viền ổ cối khớp hông, tổn thương sụn hoặc viêm xương khớp do loạn sản hông gây ra.

Loạn sản hông bẩm sinh cũng có thể không có triệu chứng, vậy nên bác sĩ nhi khoa sẽ định kỳ kiểm tra bệnh lý.

Các triệu chứng khác cần lưu ý bao gồm:

  • Chân quay ra bên ngoài hoặc có vẻ có độ dài khác nhau
  • Phạm vi cử động bị hạn chế
  • Các nếp gấp không đều trên cẳng chân và mông khi duỗi chân
  • Chậm phát triển vận động thô, gây ảnh hưởng đến cách trẻ ngồi, bò và đi

Nguyên nhân gây loạn sản hông là gì?

Ngay trước khi sinh, tử cung có thể trở nên chật chội đến mức có thể khiến chỏm cầu thuộc khớp hông của em bé lệch ra khỏi vị trí. Vì khớp hông của trẻ sơ sinh được tạo thành từ sụn mềm sẽ cứng lại thành xương sau khi sinh, nếu chỏm cầu của xương này không khít với ổ cối của khớp hông, ổ này sẽ không phát triển đầy đủ bao quanh chỏm cầu. Hệ quả là ổ cối nông hơn và hông không ổn định.

Yếu tố có thể ảnh hưởng đến không gian trong tử cung bao gồm:

  • Ngôi mông
  • Mang thai lần đầu
  • Em bé lớn
  • Hạn chế trong tử cung, khi không gian trong tử cung trở nên chật chội

Những yếu tố nào gây nguy cơ loạn sản hông?

Các yếu tố góp phần bao gồm:

  • Lượng nước ối trong tử cung thấp
  • Ngôi mông: hông em bé ra trước lúc sinh
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh vì CHD có xu hướng di truyền trong gia đình và thường gặp hơn ở bé gái
  • Em bé được quấn tã chặt với hông và đầu gối duỗi thẳng

Các biến chứng và bệnh liên quan của loạn sản hông là gì?

Với bệnh lý gọi là rách sụn viền ổ cối khớp hông, loạn sản hông có thể dẫn đến tổn thương sụn mềm (sụn viền) của hốc xương hông khi trưởng thành.

Theo thời gian, áp lực tiếp xúc trên bề mặt hốc xương lớn hơn sẽ làm mòn bề mặt sụn trơn nhẵn giúp các xương trượt lên nhau. Do đó, viêm xương khớp có nhiều khả năng phát triển trong khớp.

Làm thế nào để phòng ngừa loạn sản hông?

Không thể phòng ngừa loạn sản hông, vì vậy điều quan trọng là cần đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên để bác sĩ có thể xác định và điều trị bệnh lý này càng sớm càng tốt.

Bạn có thể xác nhận việc bác sĩ đã kiểm tra các dấu hiệu loạn sản hông cho trẻ sơ sinh hay chưa trước khi ra viện sau khi sinh.

Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

 

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777