Viêm loét đại tràng - Triệu chứng & Nguyên nhân

Viêm loét đại tràng là gì?

Bệnh nhân bị viêm loét đại tràng bị viêm và loét mạn tính ở đại tràng và trực tràng.

Viêm loét đại tràng là một loại bệnh viêm ruột tác động đến lớp niêm mạc trong cùng của ruột già (đại tràng) và trực tràng.

Bệnh nhân mắc bệnh này bị viêm đại tràng mạn tính và bị loét, các vết loét dần trở nặng và có thể xuất huyết rồi mưng mủ.

Các loại viêm loét đại tràng

Có 3 loại viêm loét đại tràng tùy vào vị trí:

  1. Viêm niêm mạc đại tràng. Đây là dạng nhẹ nhất khi tình trạng viêm chỉ giới hạn ở trực tràng. Xuất huyết trực tràng thường là dấu hiệu duy nhất của bệnh.
  2. Viêm đại tràng bên trái. Ở loại này, tình trạng viêm xuất hiện từ trực tràng kéo dài đến tận đại tràng. Các triệu chứng gồm có tiêu chảy ra máu, đau và đau thắt ở bụng trái, đồng thời sụt cân đáng kể.
  3. Viêm đại tràng. Ở loại này, toàn bộ đại tràng bị viêm. Các triệu chứng gồm có tiêu chảy ra máu dữ dội, đau và đau thắt ở bụng, mệt mỏi và sụt cân đáng kể.

Viêm loét đại tràng có thể làm suy nhược cơ thể. Vẫn chưa có cách trị khỏi bệnh lý này. Tuy nhiên, nếu được điều trị cẩn thận, bệnh có thể thuyên giảm và đôi khi không có triệu chứng.

Viêm loét đại tràng có những triệu chứng gì?

Triệu chứng viêm loét đại tràng thay đổi tùy vào mức độ nghiêm trọng và vị trí viêm. Các triệu chứng bao gồm:

  • Đau bụng và đau thắt
  • Đau và xuất huyết ở trực tràng
  • Tiêu chảy ra máu hoặc mủ nhiều lần
  • Rất muốn đi đại tiện nhưng không đi được
  • Cực kỳ mệt mỏi, chán ăn và sụt cân
  • Sốt

Hầu hết bệnh nhân có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình. Một số bệnh nhân có thể có triệu chứng nhẹ trong hàng tuần đến hàng tháng hoặc không có triệu chứng, sau đó thì phát bệnh hoặc tái phát. Các triệu chứng phát bệnh bao gồm:

Nguyên nhân gây viêm loét đại tràng là gì?

Nguyên nhân chính xác gây viêm loét đại tràng vẫn chưa được xác định. Các nguyên nhân có khả năng gây bệnh được đưa ra bao gồm:

  • Hệ miễn dịch hoạt động bất thường. Phản ứng miễn dịch bất thường có thể khiến hệ miễn dịch tấn công chính các tế bào đường tiêu hóa của mình.
  • Di truyền. Viêm loét đại tràng thường phổ biến hơn ở những người có thành viên trong gia đình cũng bị viêm loét đại tràng.

Những yếu tố nào gây nguy cơ viêm loét đại tràng?

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm loét đại tràng bao gồm:

  • Tuổi tác. Viêm loét đại tràng thường phát triển ở người dưới 30 tuổi và trên 60 tuổi.
  • Dân tộc. Viêm loét đại tràng phổ biến hơn ở người gốc Châu Âu và hiếm gặp hơn ở người gốc Châu Á.
  • Tiền sử gia đình. Việc có một thành viên gần trong họ hàng mắc bệnh sẽ làm gia tăng nguy cơ.

Biến chứng và các bệnh liên quan của viêm loét đại tràng là gì?

Một số biến chứng liên quan đến viêm loét đại tràng có thể xảy ra bao gồm:

  • Viêm da, khớp và mắt.
  • Tổn thương đại tràng như xuất huyết nghiêm trọng, rách hoặc thủng đại tràng.
  • Mất nước trầm trọng vì ruột bị viêm không thể hấp thụ chất lỏng hiệu quả.
  • Loãng xương (tiêu xương). Biến chứng này có thể phát triển do sử dụng corticosteroid trong thời gian dài hoặc do thay đổi chế độ ăn uống như tránh dùng các sản phẩm từ sữa.
  • Gia tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng, đặc biệt ở người bị bệnh nặng hoặc viêm gần hết đại tràng.
  • Phình đại tràng nhiễm độc (đại tràng phồng lên rất nhanh). Đây là biến chứng hiếm gặp và nghiêm trọng của viêm loét đại tràng nặng. Khi bị phình đại tràng nhiễm độc, đại tràng bị viêm giữ khí lại, khiến đại tràng bị phình và to ra.
  • Cục máu đông trong tĩnh mạch và động mạch.

Làm thế nào để phòng tránh viêm loét đại tràng?

Mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng chứng minh việc thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng viêm loét đại tràng, bạn có thể cân nhắc những thay đổi về lối sống và chế độ ăn uống sau đây:

  • Tránh ăn thực phẩm gây kích thích như đồ ăn cay, đồ uống có cồn và caffein.
  • Hạn chế các sản phẩm từ sữa. Việc này đã được chứng minh có thể giúp hạn chế các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng và đầy hơi.
  • Hạn chế chất xơ. Thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt có thể khiến các triệu chứng trở nặng hơn ở một số người. Trái cây và rau củ hấp, nướng hoặc hầm có thể hữu ích.
  • Ăn thành nhiều bữa nhỏ và uống nhiều nước. Việc chia bữa ăn thành 5 hoặc 6 bữa nhỏ trong ngày có thể hữu ích.
  • Kiểm soát căng thẳng bằng cách tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi, thư giãn hoặc thiền.

Những thay đổi này có thể giúp bạn kiểm soát bệnh lý (ví dụ: kéo dài thời gian bệnh thuyên giảm và ngăn ngừa việc phát bệnh) và hấp thụ dinh dưỡng cần thiết.

Mẹo nhỏ: Viết nhật ký ăn uống để ghi lại thực phẩm và thời điểm bạn ăn. Việc này có thể giúp bạn xác định và loại bỏ các thực phẩm làm phát bệnh.

Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

 

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777