Breast Cancer Awareness

Nguồn: Shutterstock

Nhận thức về ung thư vú: 7 sự thật phụ nữ cần biết

Cập nhật lần cuối: 20 Tháng Mười 2020 | 5 phút - Thời gian đọc

Ung thư vú là một trong những loại ung thư phổ biến ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ. Bài viết này sẽ cung cấp những sự thật về ung thư vú mà phụ nữ cần biết để có cách phòng ngừa hiệu quả.

Mỗi ngày có khoảng 6 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư vú tại Singapore

Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất được chẩn đoán ở phụ nữ ở Singapore. Từ năm 2013 đến 2017, ung thư vú chiếm hơn 29% tổng số ca ung thư được chẩn đoán ở phụ nữ. Nhờ những ứng dụng, cải thiện tiến bộ của y học trong công tác khám sàng lọc giúp phát hiện sớm bất kỳ thay đổi bất thường ở mô vú. Phát hiện và chẩn đoán ung thư vú ở giai đoạn sớm rất quan trọng để giúp tăng tỷ lệ điều trị khỏi, cũng như đạt được kết quả cao trong việc điều trị. Chương trình khám sàng lọc tốt hiện đang được thực hiện và đóng vai trò rất quan trọng, sẽ giúp chị em phụ nữ có thể phát hiện cũng như chẩn đoán những vấn đề bất thường dù là nhỏ nhất tại vú.

Khối u ung thư vú phát triển như thế nào?

Vú của phụ nữ là một cơ quan sinh dục, được cấu tạo từ các tuyến sữa, ống dẫn sữa được bao quanh bởi một lớp mỡ. Sữa được sản xuất trong các tuyến sữa và được bài tiết qua các ống đến núm vú. Ung thư vú thường phát triển bên trong các ống dẫn, tuyến sữa này, và ung thư xảy ra khi các tế bào vú bắt đầu phát triển bất thường, đồng thời phân chia nhanh chóng. Tương tự như hầu hết các bệnh ung thư khác, nguyên nhân chính xác của bệnh ung thư vú vẫn chưa được biết rõ, tuy nhiên có một số yếu tố nhất định có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú.

Các yếu tố nguy cơ phát triển ung thư vú

Các yếu tố nguy cơ phát triển ung thư vú

Tuổi tác và giới tính

Ung thư vú chủ yếu xảy ra trên nữ giới nhưng đôi khi cũng có thể xảy ra ở nam giới. Và nguy cơ mắc ung thư vú tăng theo tuổi tác.

Tiền sử gia đình

Việc có một số bất thường của gen BRCA1 hoặc BRCA2 làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư vú đối với phụ nữ. Tỷ lệ một phụ nữ ở Singapore mắc ung thư vú trong đời có xác suất khoảng 5%. Tuy nhiên, nếu một trong những thành viên trong gia đình có cùng huyết thống bị ung thư vú, thì nguy cơ mắc bệnh tăng gấp đôi. Phụ nữ có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú nên bắt đầu khám sàng lọc ung thư vú ở độ tuổi khoảng trước 10 năm, tính từ độ tuổi của người thân được chẩn đoán K vú.

Tiền sử Sản khoa

Việc phụ nữ tiếp xúc sớm và kéo dài với nội tiết tố estrogen làm tăng nguy cơ ung thư vú. Điều này có thể xảy ra bởi vì:

  • Bắt đầu có kinh sớm trước 11 tuổi.
  • Không có con hoặc có con sau 35 tuổi.
  • Mãn kinh sau 55 tuổi.

Việc cho con bú sữa mẹ trong thời gian hơn một năm có thể bảo vệ, chống lại bệnh ung thư vú.

Sử dụng thuốc nội tiết tố

Bổ sung nội tiết tố estrogen và progesterone có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Những phụ nữ đang điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế (Hormone Replacement Therapy - HRT) có nguy cơ mắc ung thư vú tăng 30%. Tuy nhiên, nguy cơ này sẽ biến mất sau 3 - 5 năm kể từ khi ngừng điều trị. Phụ nữ có ý định hoặc sử dụng HRT nên thảo luận những lo ngại này với bác sĩ.

Việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống, đặc biệt ở các bé gái từ 10 - 15 tuổi, cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.

Dấu hiệu nhận biết ung thư vú cần lưu ý

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của ung thư vú bao gồm:

  1. thay đổi về da, chẳng hạn như bong tróc, đóng vảy, đỏ Hoặc lõm ở vú.
  2. khối u ở vú, thường không đau, nhưng đôi khi những bất thường có thể được cảm nhận ở xung quanh khối u này.
  3. Dịch tiết từ núm vú có máu Hoặc bất thường.
  4. phát ban núm vú.

Tuy nhiên, không phải tất cả các khối u vú đều là ung thư. Trên thực tế, 8 trong số 10 khối u vú là lành tính hoặc không gây ung thư.

Cách kiểm tra ung thư vú

Tự kiểm tra vú hàng tháng

Phụ nữ nên kiểm tra vú hàng tháng để phát hiện các khối u ở vú sau khi kết thúc kỳ kinh nguyệt. Dùng ba ngón giữa để sờ cả hai bầu ngực và vùng nách xem có cục u, hoặc mô vú dày lên bất thường không. Bóp nhẹ núm vú để kiểm tra xem có dịch tiết bất thường nào không. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng bất thường nào, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra, đánh giá thêm.

Chương trình khám sàng lọc

Chụp X-quang tuyến vú (nhũ ảnh) là công cụ sàng lọc đáng tin cậy nhất đối với bệnh ung thư vú, giúp phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư vú trước khi có thể sờ, thăm khám thấy bằng tay. Chụp nhũ ảnh là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X-quang có cường độ thấp để chụp ảnh vú. Vú sẽ được đặt giữa hai tấm ép phẳng để tạo hình ảnh rõ ràng và giảm độ dày mô, kỹ thuật viên sẽ điều chỉnh vị trí và lực ép phù hợp để đảm bảo hình ảnh chụp được chính xác. Chụp X-quang tuyến vú định kỳ không được khuyến khích đối với phụ nữ dưới 40 tuổi vì một số lý do. Trong những trường hợp này, vì mô vú dày nên siêu âm vú có hiệu quả hơn, sẽ được chỉ định. Tuy nhiên siêu âm không thể thay thế cho chụp nhũ ảnh. Chụp X-quang tuyến vú vẫn là phương pháp hiệu quả nhất để phát hiện sớm ung thư vú.

Phụ nữ từ 40 - 50 tuổi nên chụp quang tuyến vú hàng năm, trên 50 tuổi nên chụp 2 năm một lần.

Điều gì xảy ra nếu chụp X-quang tuyến vú phát hiện bất thường?

Nhận thức về ung thư vú - chụp nhũ ảnh

Nếu kết quả chụp X-quang tuyến vú của bạn cho thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn sẽ được giới thiệu đến bác sĩ chuyên khoa Sản phụ để đánh giá, kiểm tra thêm. Bác sĩ sẽ khai thác kỹ thêm về bệnh sử bệnh, thăm khám lâm sàng, và có thể chỉ định các xét nghiệm, cận lâm sàng chuyên sâu hơn như chẩn đoán hình ảnh, sinh thiết để xác định chính xác tính chất của khối u.

Các kỹ thuật sinh thiết phổ biến bao gồm chọc hút bằng kim nhỏ, sinh thiết lõi và sinh thiết cắt bỏ.

Được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú không có nghĩa bạn phải cắt bỏ vú

Với sự tiến bộ của công nghệ và kỹ thuật phẫu thuật hiện nay, phẫu thuật cắt bỏ vú không cần thiết để điều trị tất cả các trường hợp bệnh ung thư vú. Có nhiều lựa chọn điều trị ung thư vú khác nhau, bác sĩ chuyên khoa sẽ thảo luận chi tiết về phương án điều trị phù hợp với bạn bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và liệu pháp hormone.

Bảo vệ bạn khỏi ung thư vú

Bất kể về sự phổ biến, hiện hữu của K vú, việc được trang bị những kiến thức thực tế cũng như thông tin về căn bệnh này là bước đầu tiên tiến tới giúp bảo vệ chúng ta khỏi bệnh ung thư vú. Tiến hành khám sàng lọc ung thư vú định kỳ, thực hiện tự kiểm tra vú hàng tháng và có chế độ ăn uống lành mạnh cũng như tập thể dục đều đặn là những cách giúp chúng ta có thể tự bảo vệ mình.

Hãy đặt lịch hẹn để tiến hành thăm khám, sàng lọc K vú. Phát hiện sớm K vú có thể tạo sự khác biệt có ý nghĩa.

Breast cancer. (2019, November 22). Retrieved September 11, 2020, from https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/breast-cancer/symptoms-causes/syc-20352470

Breast cancer. (2020, September 2). Retrieved September 11, 2020, from https://www.healthhub.sg/a-z/diseases-and-conditions/20/breastcancer

Breast Cancer: Symptoms and Risk Factors. (n.d.). Retrieved September 11, 2020, from https://www.healthxchange.sg/cancer/breast-cancer/breast-cancer-symptoms-risk-factors

Cancer Statistics. (2020, August 3). Retrieved September 11, 2020, from https://www.nccs.com.sg/patient-care/cancer-types/cancer-statistics

Chandra, A. M. (n.d.). Breast Cancer Screening: Which Method is Better. Retrieved September 11, 2020, from https://www.healthxchange.sg/cancer/breast-cancer/breast-cancer-screening-which-method-better
Bài viết liên quan
Xem tất cả