Đốt điện tim là gì?
Đốt điện tim là thủ thuật xâm lấn tối thiểu dùng để điều trị bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim hay nhịp tim không đều, đặc biệt là trong trường hợp nhịp tim nhanh hoặc thất thường. Thủ thuật này còn gọi là triệt đốt bằng ống thông.
Cách thực hiện thủ thuật
Bác sĩ sẽ cắt một đường nhỏ (khoảng 3 – 4mm) ở háng và cẩn thận luồn một ống mềm đặc biệt (ống thông) có các điện cực vào trong mạch máu. Sau đó, họ sẽ đưa ống thông đến những vị trí nhất định trong tim để xác định vị trí bất thường gây ra nhịp tim bất thường.
Sau khi tìm thấy khu vực bất thường, bác sĩ sẽ truyền năng lượng nhiệt (tần số vô tuyến) hoặc lạnh (áp đông) đến đầu ống thông để phá hủy một phần nhỏ trong mô tim bất thường gây ra rối loạn nhịp tim.
Các loại đốt điện tim
Đốt điện tim nhìn chung bao gồm nhiều thủ thuật khác nhau, đặc hiệu cho loại rối loạn nhịp tim và vị trí rối loạn trong tim:
- Triệt đốt rung nhĩ (A-fib) là thủ thuật phức tạp tạo ra tổn thương điện (sử dụng kỹ thuật làm nóng hoặc đông lạnh) để ngắt kết nối tín hiệu điện trong tĩnh mạch phổi (là nơi thường khởi phát rung nhĩ) ra khỏi phần còn lại của tâm nhĩ.
- Triệt đốt nút AV đôi khi được dùng trên những bệnh nhân bị rung nhĩ kháng trị, không đáp ứng với các loại điều trị khác. Thủ thuật này bao gồm phá hủy nút nhĩ thất bằng năng lượng nhiệt để ngắt kết nối điện các buồng tim trên và dưới, để rung nhĩ không thể ảnh hưởng đến các buồng bơm chính của tim. Nếu bạn thực hiện thủ thuật này, bạn sẽ cần đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn.
- Triệt đốt cuồng nhĩ để điều chỉnh tín hiệu điện thường ở buồng trên bên phải (gọi là tâm nhĩ phải). Thủ thuật này có tỷ lệ thành công cao để chữa khỏi rối loạn nhịp tim.
- Triệt đốt nhịp tim nhanh trên thất (SVT) là phương pháp điều trị nhịp tim nhanh bất thường hoặc thất thường trong các buồng tim trên. Loại rối loạn nhịp tim này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bao gồm trẻ em nhỏ. Triệt đốt bằng ống thông cho SVT thường khá đơn giản và có tỷ lệ thành công rất cao để chữa khỏi lâu dài mà không cần dùng thuốc.
- Đốt điện tim điều trị nhịp nhanh trên thất để điều chỉnh nhịp tim nhanh xảy ra trong các buồng tim dưới.
Có thể thực hiện đốt điện tim bằng:
- Nhiệt (gọi là đốt bằng nhiệt cao tần)
- Làm đông (gọi là áp đông)
Tại sao bạn cần đốt điện tim?
Đốt điện tim là một trong các phương pháp điều trị để điều chỉnh các vấn đề về nhịp tim (rối loạn nhịp tim), đặc biệt là nếu bạn bị nhịp tim nhanh hoặc thất thường.
Bạn có thể cần đốt điện tim nếu:
- Tình trạng rối loạn nhịp tim khiến cho bạn:
- Bị các triệu chứng khó chịu như khó thở và đánh trống ngực.
- Đối mặt với nguy cơ cao hơn bị đột quỵ hoặc ngừng tim.
- Cơ thể đáp ứng kém với thuốc dùng để kiểm soát nhịp tim.
Các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh rằng thủ thuật triệt đốt cho hiệu quả phục hồi và duy trì nhịp tim bình thường cao hơn so với dùng thuốc. Điều này có thể giúp giảm yêu cầu điều trị suốt đời và các tác dụng phụ liên quan đến thuốc.
Ai không nên được đốt điện tim?
Nếu đốt điện tim có sử dụng tia phóng xạ thì phụ nữ mang thai không nên thực hiện thủ thuật này để tránh nguy cơ phơi nhiễm cho thai nhi.
Các nguy cơ và biến chứng của đốt điện tim là gì?
Các nguy cơ có thể xảy ra do đốt điện tim là:
- Chảy máu hoặc nhiễm trùng ở vết cắt để luồn ống thông
- Cục máu đông ở chân hoặc phổi, có thể dẫn đến đột quỵ
- Tổn thương mạch máu
- Tổn thương van tim, hoặc chọc thủng tim
- Hẹp hoặc tắc tĩnh mạch dẫn máu từ phổi đến tim (hẹp tĩnh mạch phổi)
- Rối loạn nhịp tim mới hoặc nặng hơn
- Nhịp tim chậm có thể cần máy tạo nhịp tim
- Đột quỵ hoặc đau tim
Trong những trường hợp rất hiếm gặp, đốt điện tim có thể dẫn đến tử vong.
Bạn có khả năng gặp phải những biến chứng này nhiều hơn nếu bạn cao tuổi hoặc nếu bạn mắc bệnh tim và các bệnh lý khác.
Tình trạng rối loạn nhịp tim có khả năng tái phát sau thủ thuật. Thực hiện lại thủ thuật triệt đốt có thể loại bỏ vĩnh viễn tình trạng rung nhĩ ở một số bệnh nhân.
Bạn chuẩn bị cho thủ thuật đốt điện tim như thế nào?
Bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm chẩn đoán để đánh giá về tim và sức khỏe tổng thể trước khi tiến hành triệt đốt. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:
Bạn cũng sẽ được yêu cầu nhịn ăn uống từ buổi đêm trước thủ thuật, hoặc trong vòng 6 giờ trước thủ thuật nếu thực hiện thủ thuật vào buổi chiều. Điều này là để tránh các phản ứng tiêu cực với thuốc gây mê được dùng trước thủ thuật.
Hãy hỏi bác sĩ xem bạn có nên ngừng dùng bất kỳ loại thuốc nào không.
Điều gì sẽ xảy ra trong thủ thuật đốt điện tim?
Đốt điện tim là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu.
Thời gian ước tính
Thủ thuật này thường kéo dài từ 1 – 3 giờ tùy vào loại và mức độ phức tạp của rối loạn nhịp tim.
Trước thủ thuật
Bạn có thể được dùng thuốc an thần nhẹ, hoặc được gây mê toàn thân để bạn ngủ trong suốt thủ thuật.
Trong khi thực hiện thủ thuật
Trong khi thực hiện thủ thuật:
- Y tá sẽ gắn các điện cực điện tâm đồ (ECG) vào các miếng dán trên lưng và ngực. Các điện cực này sẽ gửi tín hiệu đến máy tính để cung cấp thông tin cho bác sĩ trong khi triệt đốt.
- Bác sĩ sẽ rạch những đường nhỏ khoảng 3 – 4mm ở háng.
- Sau đó, bác sĩ sẽ luồn ống mềm đặc biệt (ống thông) qua vết rạch nhỏ vào mạch máu (tĩnh mạch hoặc động mạch) để đến được phần thích hợp của tim.
- Nếu cần thiết, bác sĩ có thể sử dụng hệ thống lập sơ đồ 3D để xác định vị trí chính xác trong tim gây ra nhịp tim không đều.
- Bác sĩ sẽ kích hoạt các điện cực trên đầu ống thông để đốt hoặc làm đông những điểm nhỏ trong mô tim để điều chỉnh nhịp tim không đều. Điều này có thể gây khó chịu đôi chút.
- Sau khi hoàn thành, nhóm thủ thuật sẽ rút ống thông và đóng vết rạch đã dùng để luồn ống thông, hoặc dán băng ép để ngăn chảy máu hoặc bầm tím.
Sau thủ thuật
Bạn sẽ được chuyển sang phòng hồi sức để nhóm chăm sóc theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của bạn.
Trong quá trình phục hồi sau thủ thuật, bạn có thể gặp phải những triệu chứng sau đây:
- Đau, sẽ không kéo dài hơn một tuần
- Cảm thấy ngực bị bó chặt
- Lờ đờ, đặc biệt là trong vài ngày đầu tiên
- Bầm tím ở chỗ luồn ống thông
- Đánh trống ngực nhanh sau khi triệt đốt, thường tự hết
Chăm sóc và phục hồi sau khi đốt điện tim
Sau khi điều trị, bác sĩ thường sẽ yêu cầu bạn nằm viện trong 1 – 2 ngày. Trong thời gian này, bác sĩ có thể theo dõi tình trạng của bạn và đảm bảo tim hoạt động bình thường.
Ngay sau khi triệt đốt, bạn nên tránh:
- Thực hiện các hoạt động thể chất mạnh trong một tuần
- Lái xe trong 48 giờ sau thủ thuật
Bác sĩ cũng có thể khuyến cáo bạn tham gia phục hồi chức năng tim để giúp cải thiện sức khỏe và hồi phục sau phẫu thuật tim.
Bác sĩ có thể kê thuốc làm loãng máu trong vài tháng sau thủ thuật để giảm nguy cơ đột quỵ. Họ cũng có thể kê thuốc kháng viêm.
Bạn nên gọi cho bác sĩ nếu bạn:
- Khó thở khi ít hoặc không gắng sức
- Bị đau ngực
- Thấy nhịp tim không đều
- Bị tê chân
- Vị trí luồn ống thông bắt đầu chảy máu hoặc bầm tím nặng
- Vị trí chọc bị sưng