Phì đại tuyến tiền liệt (tăng sản lành tính tuyến tiền liệt) - Triệu chứng & Nguyên nhân

Phì đại tuyến tiền liệt (BPH) là gì?

Phì đại tuyến tiền liệt, còn được gọi là tăng sản lành tính tuyến tiền liệt (BPH), là tình trạng sưng không phải do ung thư ở tuyến tiền liệt. Đây là một bệnh tiết niệu thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi.

Tuyến tiền liệt là tuyến bên dưới bàng quang và gần niệu đạo, ống vận chuyển nước tiểu ra khỏi dương vật. Chỉ nam giới mới có tuyến tiền liệt, vì chức năng của tuyến này là tạo dịch cho tinh dịch.

Tuyến tiền liệt thường có kích thước bằng quả óc chó khi còn nhỏ hoặc bằng kích thước quả bóng golf khi trưởng thành. Ở nam giới bị tăng sản lành tính tuyến tiền liệt, tuyến tiền liệt bị phì đại, sưng to bằng kích thước của quả bóng quần vợt và tạo sức ép niệu đạo, từ đó gây ra các triệu chứng tiết niệu.

Các triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt (BPH) là gì?

BPH gây ra các triệu chứng ở đường tiểu dưới khi tuyến tiền liệt phì đại tạo áp lực lên niệu đạo và ngăn dòng nước tiểu bình thường chảy ra khỏi bàng quang. Khi áp lực ngày càng tăng, bàng quang bắt đầu co lại ngay cả khi không chứa đầy nước tiểu và dần dần sẽ mất khả năng thoát nước tiểu hoàn toàn.

Các triệu chứng của phì đại tuyến tiền liệt bao gồm:

  • Dòng nước tiểu chậm hoặc giảm
  • Dòng nước tiểu bị gián đoạn (cần dừng lại và bắt đầu lại nhiều lần)
  • Khó khăn hoặc căng thẳng khi bắt đầu đi tiểu (ngắt quãng)
  • Cần đi tiểu thường xuyên hơn
  • Thức dậy vào ban đêm để đi tiểu (tiểu đêm)
  • Cần đi tiểu đột ngột (tiểu gấp), hoặc đột ngột không tiểu được (bí tiểu cấp tính)
  • Không thể tiểu hết nước trong bàng quang
  • Cảm giác bàng quang vẫn đầy sau khi đi tiểu
  • Đau khi đi tiểu hoặc khi xuất tinh
  • Có máu trong nước tiểu

Nếu bạn thấy mình không đi tiểu được, bị đau hoặc ớn lạnh trong lúc tiểu, hoặc thấy máu trong nước tiểu, hãy đến bệnh viện ngay lập tức.

Nguyên nhân gây phì đại tuyến tiền liệt (BPH) là gì?

Vẫn chưa rõ nguyên nhân gây BPH, mặc dù thay đổi hoóc-môn được cho là nguyên nhân. Khi có tuổi, mức testosterone giảm trong khi một hoóc-môn khác là dihydroxytestosterone (DHT) tăng lên, dẫn đến tăng trưởng tế bào tuyến tiền liệt.

Sự mất cân bằng trong các yếu tố tăng trưởng khác trong việc kiểm soát sự phân chia tế bào và tế bào chết cũng có thể đóng vai trò trong việc gây BPH.

Những yếu tố nào gây nguy cơ phì đại tuyến tiền liệt (BPH)?

Nguy cơ bị BPH tăng theo độ tuổi. Khoảng 50% nam giới từ 51 đến 60 tuổi và đến 90% nam giới trên 80 tuổi bị BPH.

Những yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc BPH bao gồm:

  • Tiền sử gia đình có vấn đề về tuyến tiền liệt
  • Một số bệnh như tiểu đường, bệnh tim hoặc rối loạn chức năng cương dương
  • Lối sống ít vận động
  • Thừa cân (béo phì)

Các biến chứng và bệnh liên quan phì đại tuyến tiền liệt (BPH) là gì?

Nếu tuyến tiền liệt quá lớn, có thể gây biến chứng như:

  • Bí tiểu cấp tính (hoàn toàn không thể bài xuất nước tiểu). Nếu điều này xảy ra, bạn cần đặt ống thông vào bàng quang để xả nước tiểu.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Nếu không thể tiểu sạch nước trong bàng quang, bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu vì nước tiểu ứ đọng có thể làm sinh sôi vi khuẩn.
  • Sỏi bàng quang. Sỏi bàng quang có thể phát triển sau khi UTI tái phát, dẫn đến các biến chứng khác như viêm bàng quang và làm tắc lưu lượng nước tiểu.
  • Tổn thương bàng quang. BPH có thể làm cho các cơ bàng quang giãn ra và suy yếu theo thời gian.
  • Suy thận. Áp lực lâu dài do giữ lại nước tiểu trong bàng quang có thể làm tổn thương thận vĩnh viễn và dẫn đến suy thận. Những người bị suy thận sẽ cần lọc máu suốt đời.

Làm thế nào để phòng tránh phì đại tuyến tiền liệt (BPH)?

Không có cách nào cụ thể để phòng tránh BPH, nhưng bạn có thể giảm rủi ro bằng cách:

  • Tuân thủ chế độ dinh dưỡng cân bằng, nhiều rau củ và trái cây
  • Hạn chế đồ uống có cồn
  • Chủ động sống năng động
  • Duy trì cân nặng có lợi cho sức khỏe.
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

 

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777