Hội chứng ruột kích thích (IBS) - Chẩn đoán và Điều trị

Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích như thế nào?

Để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích (IBS), bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng, bệnh án và tiền sử gia đình, đồng thời tiến hành khám lâm sàng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm để loại trừ các vấn đề sức khỏe khác.

Đánh giá triệu chứng

Bác sĩ sẽ yêu cầu cung cấp thông tin về các triệu chứng mà bạn gặp phải. Bạn được chẩn đoán mắc IBS nếu bị đau bụng kèm theo từ hai triệu chứng sau trở lên:

  • Đau bụng liên quan đến đại tiện (ví dụ như đau bụng hơn sau khi đại tiện)
  • Thay đổi thói quen đại tiện
  • Thay đổi hình thái và màu sắc phân

Bác sĩ cũng sẽ cân nhắc thời gian biểu hiện triệu chứng và đưa ra chẩn đoán IBS nếu triệu chứng xuất hiện ít nhất một lần mỗi tuần trong 3 tháng gần đây và triệu chứng xuất hiện lần đầu vào ít nhất 6 tháng trước.

Xem xét bệnh án và tiền sử gia đình

Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cung cấp các thông tin sau:

  • Tiền sử gia đình về các bệnh đường tiêu hóa, bao gồm bệnh celiac (bệnh không dung nạp gluten), ung thư đại tràng hay hội chứng ruột kích thích
  • Các thuốc đang dùng
  • Những lần nhiễm trùng gần đây
  • Các sự kiện căng thẳng liên quan đến thời điểm bắt đầu triệu chứng
  • Các thức ăn bạn đã ăn
  • Tiền sử bản thân về các vấn đề sức khỏe khác thường gặp ở người mắc IBS

Khám lâm sàng

Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ thường:

  • Kiểm tra bạn có bị trướng bụng không
  • Dùng ống nghe để nghe âm thanh trong bụng bạn
  • Gõ lên bụng để kiểm tra mức độ nhạy cảm đau hoặc đau

Các xét nghiệm chẩn đoán IBS

Bác sĩ thường không dùng xét nghiệm để chẩn đoán IBS. Các xét nghiệm như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân hoặc các xét nghiệm khác thường được dùng để kiểm tra hoặc loại trừ các vấn đề sức khỏe khác có triệu chứng tương tự như triệu chứng của IBS. Các xét nghiệm khác có thể bao gồm nội soi đường tiêu hóa trên, nội soi đại tràng và xét nghiệm hơi thở hydro.

Điều trị hội chứng ruột kích thích như thế nào?

Không có phương pháp điều trị dứt điểm hội chứng ruột kích thích. Các phương pháp điều trị bao gồm điều trị triệu chứng và tránh các yếu tố nguy cơ là nguyên nhân gây khởi phát hội chứng ruột kích thích. Bác sĩ sẽ lập phác đồ điều trị phù hợp nhất, bao gồm việc kết hợp các phương pháp sau đây:

Thay đổi chế độ luyện tập và thói quen sinh hoạt

Việc vận động và tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc, áp dụng các kỹ thuật thư giãn (thiền, thở sâu, xoa bóp, v.v.) giúp cơ thể khỏe mạnh và đẩy lùi căng thẳng, nâng cao sức đề kháng và giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.

Thay đổi và theo dõi chế độ ăn uống

Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh và thích hợp đóng vai trò quan trọng trong phác đồ điều trị các bệnh tiêu hóa nói chung và IBS nói riêng. Cụ thể:

  • Tránh xa bia rượu, đồ ăn giàu chất béo, sôcôla và đồ uống chứa caffein
  • Hạn chế sử dụng phô mai và sữa
  • Bổ sung canxi từ các nguồn khác như cá hồi, bông cải xanh, rau chân vịt hoặc thực phẩm bổ sung
  • Ăn nhiều trái cây và rau quả để tăng lượng chất xơ nạp vào
  • Uống nhiều nước (khoảng 2 lít mỗi ngày)
  • Ăn nhiều bữa nhỏ
  • Ghi lại các món đã ăn nhằm xác định loại thực phẩm làm bùng phát triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Các tác nhân thực phẩm thường gây bùng phát triệu chứng IBS gồm ớt đỏ, hành lá, rượu vang đỏ, lúa mì và sữa bò.

Dùng thuốc

Bệnh nhân mắc IBS có thể được cho dùng các loại thuốc chống trầm cảm nếu có triệu chứng trầm cảm, lo âu và đau bụng dữ dội. Bệnh nhân cũng nên dùng thuốc để kiểm soát tình trạng căng thẳng hay các thuốc khác giúp giảm táo bón, tiêu chảy hoặc đau bụng và đau thắt ở bụng. Men vi sinh cũng có thể giúp cải thiện triệu chứng. Trong trường hợp bệnh không thuyên giảm, bạn cần trao đổi thêm với bác sĩ.

Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

 

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777