Tiếng ngáy của bạn nghiêm trọng hơn bạn nghĩ?

Nguồn: Shutterstock

Tiếng ngáy của bạn nghiêm trọng hơn bạn nghĩ?

Cập nhật lần cuối: 25 Tháng Sáu 2019 | 5 phút - Thời gian đọc

Gần một nửa dân số thế giới ngáy khi ngủ. Nhưng làm thế nào để biết đó chỉ là một sự phiền toái hay nguyên nhân đáng lo ngại?

Ngáy là gì?

Khi luồng không khí đi qua miệng và mũi bị tắc nghẽn lúc bạn ngủ, sự rung động ở các mô mềm tạo ra âm thanh "ngáy" đặc trưng. Đối với một số người, tình trạng ngáy chỉ xuất hiện khi họ bị ốm hoặc nằm ở một tư thế ngủ cụ thể. Với những người khác, tiếng ngáy xảy ra mỗi khi họ ngủ.

Đường thở của bạn có thể bị tắc nghẽn vì một số lý do, bao gồm:

  • Vấn đề với cấu trúc bên trong của mũi và miệng. Điều này có thể do vách ngăn bị lệch hoặc polyp mũi, là những khối u nhỏ bên trong đường mũi họng của bạn.
  • Dị ứng mũi gây khó chịu, viêm và thu hẹp đường thở.
  • Viêm xoang hoặc nhiễm trùng xoang, cũng làm đường thở bị hẹp lại.
  • Thừa cân. Mỡ tích tụ ở cổ họng có thể làm hẹp đường thở, gây ra tiếng ngáy.
  • Viêm amidan, tình trạng sưng amidan làm tắc nghẽn đường thở.

Bạn cũng dễ bị ngáy hơn nếu…

  • Hút thuốc hoặc uống rượu bia, có thể khiến cơ họng thư giãn quá mức.
  • Ngủ nằm ngửa, hoặc ngủ trên giường hoặc gối không nâng đỡ đầu, có thể khiến lưỡi rơi ra sau và cản trở cổ họng.
  • Uống các loại thuốc giãn cơ như lorazepam và diazepam

Bên cạnh đó, ngáy cũng trở nên phổ biến hơn khi bạn nhiều tuổi.

Chứng ngưng thở khi ngủ

Chứng ngưng thở khi ngủ

Tiếng ngáy thường vô hại, nhưng cũng có thể đây dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ đường hô hấp trên của bạn, khiến bạn ngừng thở, thường chỉ trong vài giây. Điều này khiến cơ thể phải hoạt động gắng sức để thở lại, thông thường biểu hiện bằng việc hít một hơi sâu rồi giật mình khi hoạt động hít thở được thực hiện lại. Bạn có thể không thức dậy trong một đợt ngưng thở khi ngủ, nhưng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Ngáy là triệu chứng phổ biến của chứng ngưng thở khi ngủ, ngoài ra bạn cũng có thể trải qua các triệu chứng khác như mệt mỏi do ngủ không ngon giấc, đau đầu, đau họng và khó chịu. Đối tác của bạn có thể phát hiện bạn ngừng thở vào ban đêm, ngay cả khi bạn không nhận thức được điều đó.

Chứng ngưng thở khi ngủ làm giảm chất lượng giấc ngủ của bạn, và gây căng thẳng đến cơ thể cũng như các cơ quan nội tạng, có thể liên quan đến bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường. Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn nghi ngờ mình có thể bị ngưng thở khi ngủ.

Các phương pháp điều trị ngáy tại nhà

Nếu bác sĩ đã xác nhận rằng tình trạng ngáy của bạn lành tính và không liên quan đến bất kỳ vấn đề sức khỏe cụ thể nào, bạn có thể thử các phương pháp đơn giản sau để khắc phục tình trạng này.

1. Đạt được và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh

Thừa cân không chỉ khiến bạn có nguy cơ mắc nhiều bệnh cao hơn mà còn có thể dẫn đến ngáy. Giảm cân, nếu chỉ số khối cơ thể (BMI) của bạn cao hơn mức trung bình, là một yếu tố quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm khả năng ngáy vào ban đêm. Nếu bạn muốn được hỗ trợ về chế độ ăn uống và tập thể dục, hãy gặp bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.

2. Ngủ đủ giấc, đều đặn

Khi quá mệt mỏi, cơ thể bạn sẽ làm việc nhiều hơn để đảm bảo bạn được nghỉ ngơi đầy đủ, có thể kích hoạt việc ngáy ngủ. Hãy cố gắng nghỉ ngơi tối đa mỗi đêm.

3. Thay đổi tư thế ngủ

Ngủ ngửa có liên quan đến ngáy, vì vậy hãy thử ngủ nghiêng hoặc thậm chí nằm sấp. Bạn cũng có thể tạo một rào chắn bằng gối hoặc lấy một chiếc gối toàn thân để ngăn bản thân lăn người nằm ngửa. Một chiếc giường có thể điều chỉnh được cũng hỗ trợ nâng đầu lên một chút và mang lại cho bạn tư thế ngủ thoải mái, không bị hạn chế.

4. Xúc rửa xoang hàng ngày

Nếu bạn bị cảm lạnh hoặc viêm xoang, việc súc rửa mũi có thể giúp loại bỏ các chất gây kích ứng và làm sạch đường thở trước khi đi ngủ. Thử sử dụng bộ rửa mũi và nước muối sinh lý để rửa kỹ từng bên lỗ mũi trên bồn rửa.

5. Giữ nhà và phòng ngủ sạch sẽ

Ngủ trong môi trường ẩm mốc hoặc bụi bặm có thể kích hoạt dị ứng góp phần khiến bạn ngáy. Giữ nhà và phòng ngủ sạch sẽ, đồng thời thay ga giường thường xuyên để ngăn ngừa mạt bụi.

6. Uống nhiều nước

Khi mất nước, miệng và cổ họng sinh ra một chất nhầy đặc có thể chặn đường thở, gây ngáy. Hãy uống một cốc nước trước khi đi ngủ để hỗ trợ khắc phục vấn đề này.

7. Tránh rượu bia hoặc thuốc an thần trước khi đi ngủ

Rượu bia và thuốc an thần làm giảm trương lực cơ nghỉ ở phần sau cổ họng khiến việc ngáy trở nên dễ xảy ra hơn.

8. Sửa các vấn đề về cấu trúc mũi

Một số người sinh ra đã có vách ngăn bị lệch hoặc bị tổn thương dẫn đến vách ngăn lệch. Đây là sự sai lệch của thành ngăn cách hai bên mũi, gây hạn chế luồng không khí. Điều này có thể khiến bạn thở bằng miệng khi ngủ, gây ngáy. Bạn có thể cần phẫu thuật để điều trị tình trạng này.

Các giải pháp cho chứng ngáy ngủ

Nếu bạn có thấy chất lượng giấc ngủ của mình vẫn vô cùng kém, hoặc đối tác không thể chịu được tiếng ngáy liên hồi, có lẽ đã đến lúc bạn cần tìm kiếm sự hỗ trợ y tế. Bác sĩ không chỉ chẩn đoán các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn gây ra ngáy, mà còn đưa ra các giải pháp giảm ngáy bổ sung, chẳng hạn như:

  • Thuốc dạng xịt mũi, thuốc kháng histamine và thuốc thông mũi.
  • Thiết bị chỉnh nha qua đường miệng được đặt vừa khít trong miệng và giữ hàm của bạn mở suốt đêm để đường thở thông thoáng.
  • Các giải pháp khác chẳng hạn như miếng dán mũi cũng có thể được khuyến nghị.

Các giải pháp cho chứng ngáy ngủ

Nếu chứng ngáy nghiêm trọng, liên quan đến các tình trạng sức khỏe khác hoặc là một triệu chứng của chứng ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, bác sĩ có thể đề nghị:

  • Kiểm tra rối loạn giấc ngủ (polysomnogram) để phát hiện vấn đề thở, nồng độ oxy, chu kỳ giấc ngủ và một số yếu tố khác giúp loại trừ hội chứng ngưng thở khi ngủ (OSA)
  • Máy CPAP cung cấp liên tục luồng không khí qua mặt nạ trùm mũi và miệng, giữ đường thở thông thoáng cho phép bạn hít thở tốt hơn trong khi ngủ.
  • Phẫu thuật để sửa chữa cấu trúc bên trong mũi và đường thở. Quá trình này có thể bao gồm việc điều chỉnh vách ngăn bị lệch, loại bỏ polyp hoặc các mô to khác, cắt bỏ amidan, hoặc thậm chí phẫu thuật hàm để điều chỉnh vị trí các xương khớp hàm.

Có nên tìm kiếm sự trợ giúp?

Điểm mấu chốt là ngáy ngủ thường vô hại, nhưng có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe toàn diện nếu bạn không ngủ đủ giấc. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn lo lắng về tình trạng ngáy hoặc thói quen ngủ của mình.

Ambardekar, N. (2017, July 23) Understanding Snoring - the basics. Retrieved 7/3/2019 from https://www.webmd.com/sleep-disorders/understanding-snoring-basics

Blahd, W. (2017, July 12) Understanding Snoring - diagnosis and treatment. Retrieved 7/3/2019 from https://www.webmd.com/sleep-disorders/understanding-snoring-treatment#2

Chang, L. (2008, November 19) Does Snoring Have You Up All Night? Retrieved 7/3/2019 from https://www.webmd.com/women/features/does-snoring-have-you-up-all-night#4

Chang, L. (2018, July 8) Sleep and Snoring. Retrieved 7/3/2019 from https://www.webmd.com/sleep-disorders/guide/snoring

Chang, L. (2012, February 16) 7 Easy Snoring Remedies. Retrieved 7/3/2019 from https://www.webmd.com/sleep-disorders/features/easy-snoring-remedies#1

Ratini, M. (2018, March 4) Obstructive Sleep Apnea. Retrieved 7/3/2019 from https://www.webmd.com/sleep-disorders/guide/understanding-obstructive-sleep-apnea-syndrome#3

Polysomnography (sleep study) (2018, November 17). Retrieved 11/6/2019 from https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/polysomnography/about/pac-20394877
Bài viết liên quan
Xem tất cả