Phẫu thuật chữa trị chứng béo phì là gì?
Phẫu thuật chữa trị chứng béo phì, còn gọi là phẫu thuật đường chuyển hóa hoặc phẫu thuật giảm cân, là một can thiệp ngoại khoa nhằm điều trị chứng béo phì.
Hình thức phẫu thuật này đã được chứng minh là hiệu quả hơn so với các biện pháp can thiệp về thói quen sinh hoạt, chế độ ăn uống và nội khoa trong việc kiểm soát chứng béo phì. Phương pháp này điều chỉnh các đoạn khác nhau của đường tiêu hóa nhằm giúp bệnh nhân giảm cân.
Các phương pháp phẫu thuật chữa trị chứng béo phì
Có 4 phương pháp phẫu thuật chữa trị chứng béo phì xâm lấn tối thiểu:
- Phẫu thuật nội soi thắt đai dạ dày có thể điều chỉnh được (LAGB), dùng để kiểm soát béo phì độ III. Phương pháp phẫu thuật này làm giảm kích thước dạ dày bằng cách thắt một đai silicon quanh đầu trên của dạ dày. Bạn sẽ cảm thấy no nhanh hơn, ăn ít hơn và nhờ đó giảm cân.
- Phẫu thuật nội soi cắt tạo hình dạ dày hình ống (LSG), dùng để giảm vĩnh viễn kích thước dạ dày xuống còn khoảng 25% kích thước ban đầu, sao cho dạ dày có hình dạng giống hình ống.
- Phẫu thuật nội soi nối tắt dạ dày kiểu Roux-en-Y (LRYGB), dùng để giảm kích thước dạ dày thành một chiếc túi nhỏ bằng cách kẹp một phần dạ dày. Sau đó, túi nhỏ này được nối trực tiếp với ruột non, vòng qua phần dạ dày còn lại và đầu trên của ruột non.
- Phẫu thuật nội soi phân lưu mật tụy kèm đảo dòng tá tràng, dùng để giảm kích thước dạ dày xuống còn khoảng 25% kích thước ban đầu, sao cho dạ dày có hình dạng giống hình ống. Trong thủ thuật này, phần giữa của ruột non được cắt bớt và phần cuối của ruột non được nối trực tiếp vào tá tràng. Phần giữa đã tách ra được nối lại vào phần cuối của ruột, nối tắt qua phần lớn ruột non.
Tại sao cần phẫu thuật chữa trị chứng béo phì?
Phẫu thuật chữa trị chứng béo phì có thể giúp kiểm soát thành công cân nặng và cải thiện đáng kể các rối loạn liên quan đến béo phì như:
- Đái tháo đường tuýp 2
- Huyết áp cao
- Ngưng thở khi ngủ
- Cholesterol cao
- Bệnh tim và đột quỵ
- Bệnh gan nhiễm mỡ không do bia rượu
- Tăng lipid máu (nồng độ lipid cao trong máu)
Để đủ điều kiện cho nối tắt dạ dày, chỉ số khối cơ thể (BMI) phải là:
- Trên 32,5 và bạn phải mắc một rối loạn liên quan đến béo phì như đái tháo đường tuýp 2.
- Trên 37,5.
Phẫu thuật giảm cân có thể giúp bạn tận hưởng chất lượng cuộc sống tốt hơn và có tuổi thọ dài hơn. Phẫu thuật này cũng có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề về sức khỏe trong tương lai. Tuy nhiên, bạn phải sẵn sàng thay đổi thói quen sinh hoạt suốt đời để đạt được lợi ích từ phẫu thuật chữa trị chứng béo phì.
Ai không nên phẫu thuật chữa trị chứng béo phì?
Phẫu thuật chữa trị chứng béo phì có thể không phù hợp cho người bị thừa cân nghiêm trọng. Bạn cần đáp ứng một số yêu cầu y khoa nhất định để đủ điều kiện cho phẫu thuật giảm cân.
Bác sĩ sẽ quyết định:
- Bạn có phải là ứng viên phù hợp hay không
- Thủ thuật nào tốt nhất cho bạn
Các nguy cơ và biến chứng của phẫu thuật chữa trị chứng béo phì là gì?
Phẫu thuật chữa trị chứng béo phì nhìn chung được coi là an toàn. Có một số nguy cơ vốn có như mọi đại phẫu khác như:
- Nhiễm trùng
- Chảy máu quá nhiều
- Phản ứng bất lợi với chất gây mê
- Cục máu đông và huyết khối tĩnh mạch sâu
- Rò ruột ở đường ghim hoặc khớp nối
- Các vấn đề về phổi hoặc hô hấp
Tùy vào phương pháp phẫu thuật, biến chứng lâu dài của phẫu thuật chữa trị chứng béo phì có thể bao gồm:
- Tắc ruột
- Hội chứng Dumping, gây tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn
- Thiếu hụt vitamin và dưỡng chất
- Sỏi mật
- Thoát vị
- Loét
Về lâu dài, bạn có thể không giảm được cân như mong muốn và cân nặng có thể tăng trở lại. Điều này thường xảy ra nếu bạn không tuân thủ các khuyến cáo của bác sĩ hoặc không thực hiện các thay đổi về lối sinh hoạt cần thiết bao gồm áp dụng thói quen ăn uống lành mạnh và chế độ tập thể dục thường xuyên.
Chuẩn bị cho phẫu thuật chữa trị chứng béo phì như thế nào?
Sau khi bác sĩ xác nhận bạn đủ điều kiện thực hiện phẫu thuật chữa trị chứng béo phì, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách chuẩn bị cho thủ thuật.
Bạn có thể được yêu cầu:
- Thực hiện xét nghiệm máu, X-quang, chụp hình và khám lâm sàng
- Tuân thủ hạn chế về chế độ ăn uống đối với một số loại thức ăn và đồ uống
- Ngừng một số loại thuốc
- Bắt đầu một chế độ tập thể dục
- Bỏ hút thuốc
Bạn cũng có thể phải lên kế hoạch để phục hồi sau phẫu thuật bằng cách sắp xếp người giúp đỡ ở nhà, nếu cần thiết.
Điều gì sẽ xảy ra trong phẫu thuật chữa trị chứng béo phì?
Phẫu thuật chữa trị chứng béo phì đòi hỏi cần chuẩn bị thật kỹ để đảm bảo phẫu thuật an toàn và thành công.
Thời gian ước tính
Phẫu thuật chữa trị chứng béo phì thường kéo dài vài tiếng.
Trước thủ thuật
Vì phẫu thuật chữa trị chứng béo phì liên quan đến dạ dày, chế độ ăn uống trong những ngày trước thủ thuật rất quan trọng.
Bắt đầu từ 2 ngày trước khi phẫu thuật, bạn sẽ bắt đầu một chế độ ăn uống bằng chất lỏng trong để chuẩn bị đường tiêu hóa cho phẫu thuật. Điều này để đảm bảo dạ dày và ruột gần như rỗng và bạn vẫn có đủ nước.
Các lựa chọn thức ăn và đồ uống dạng chất lỏng trong bao gồm:
- Nước
- Nước hầm thịt
- Trà đá
- Đồ uống dành cho người tập thể thao
- Đồ uống không đường
- Súp đã rây để lọc bỏ mọi thức ăn cứng
- Đồ uống giàu protein, nhưng hãy hỏi bác sĩ trước
Bạn phải kiêng tất cả thức ăn và đồ uống chứa đường, chất béo và cồn.
Vào khoảng buổi trưa ngày trước phẫu thuật, bạn sẽ dùng thuốc nhuận tràng để làm sạch ruột.
Từ nửa đêm trước ngày phẫu thuật, bạn phải nhịn tất cả đồ ăn và đồ uống. Bạn cũng phải tránh nuốt nước khi đánh răng và súc miệng.
Trong khi thực hiện thủ thuật
Mọi phẫu thuật chữa trị chứng béo phì được thực hiện trong trạng thái gây mê toàn thân. Có nghĩa là bạn sẽ ngủ trong suốt quá trình phẫu thuật và sẽ không cảm thấy đau.
Trong khi một số phẫu thuật giảm cân thực hiện bằng các đường rạch lớn truyền thống ở bụng, hầu hết các phương pháp phẫu thuật chữa trị chứng béo phì thực hiện bằng cách dùng ống nội soi ổ bụng. Đây là một dụng cụ hình ống nhỏ có gắn một camera. Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch những đường nhỏ ở bụng và đưa ống nội soi ổ bụng để định hướng và thực hiện thủ thuật ở dạ dày.
Sau thủ thuật
Bạn sẽ được chuyển vào phòng hồi sức, để được theo dõi sát. Tùy vào thủ thuật, bạn có thể cần nằm viện vài ngày.
Bạn có thể không được phép ăn trong 1 - 2 ngày để dạ dày và hệ tiêu hóa lành lại. Bạn sẽ dùng chế độ ăn uống chỉ chứa nước.
Chăm sóc và phục hồi sau phẫu thuật chữa trị chứng béo phì
Sau khi trải qua phẫu thuật chữa trị chứng béo phì, bạn sẽ cần thực hiện các thay đổi sau trong lối sinh hoạt để phục hồi suôn sẻ và tránh tăng cân.
Dinh dưỡng
Bạn sẽ dùng chế độ ăn uống gồm chất lỏng và thức ăn mềm trong vài tuần sau phẫu thuật. Dần dần, bạn sẽ tiến đến chế độ ăn uống cân bằng, bình thường cần áp dụng lâu dài.
Trong giai đoạn phục hồi, bạn nên:
- Ăn chậm và nhai kỹ.
- Chỉ ăn lượng nhỏ trong một lần.
- Tránh các loại thức ăn có thể làm tắc dạ dày, như bánh mì trắng mềm.
- Dùng thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất.
Tập thể dục
Sau khi bạn đã phục hồi sau phẫu thuật, bạn cần bắt đầu một chương trình tập thể dục và duy trì suốt đời. Mục tiêu là giúp bạn giảm càng nhiều cân càng tốt sau phẫu thuật.
Dưới đây là một số hoạt động thể chất từ trung bình đến mạnh để giữ nhịp tim nhanh và đốt mỡ:
- Đi bộ nhanh
- Làm vườn hoặc việc nhà
- Bơi
- Đạp xe
Tái khám theo dõi thường xuyên
Bạn sẽ được yêu cầu đi tái khám định kỳ để theo dõi sức khỏe, đặc biệt trong 2 năm đầu tiên. Sau đó, sẽ chỉ cần kiểm tra sức khỏe mỗi năm một lần với bác sĩ đa khoa.
Trong các lần khám theo dõi, bác sĩ có thể yêu cầu:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ vitamin và chất khoáng
- Kiểm tra sức khỏe thể chất
Bác sĩ cũng có thể tư vấn về chế độ ăn uống và tập thể dục. Tìm hiểu thêm về phẫu thuật chữa trị chứng béo phì và quá trình phục hồi sau phẫu thuật.
Mang thai và tránh thai
Thông thường, phụ nữ nên tránh mang thai trong 12 – 18 tháng sau khi phẫu thuật chữa trị chứng béo phì. Phẫu thuật giảm cân có thể ảnh hưởng xấu đến nồng độ vitamin và chất khoáng nên có thể gây hại cho em bé.
Bạn nên:
- Dùng biện pháp tránh thai cho đến khi bác sĩ cho biết bạn có thể mang thai an toàn. Hãy hỏi bác sĩ về cách tránh thai tốt nhất, vì không phải tất cả đều phù hợp cho phụ nữ sau khi phẫu thuật chữa trị chứng béo phì.
- Trao đổi với bác sĩ nếu bạn mang thai trong vòng 12 – 18 tháng sau khi phẫu thuật. Bác sĩ có thể giúp kiểm tra nồng độ vitamin và chất khoáng và khuyến cáo các thực phẩm chức năng cần bổ sung.